Giải đáp: Trẻ tiêu chảy cấp uống thuốc gì thì hiệu quả

Tham vấn bác sĩ

Trẻ tiêu chảy cấp uống thuốc gì thì hiệu quả hiện đang là thắc mắc của không ít phụ huynh. Tiêu chảy cấp là bệnh dễ gặp ở trẻ nhưng nếu không được xử trí kịp thời và đúng cách, bệnh dễ gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tới tính mạng của bé. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp tới bố mẹ các thuốc cần thiết khi trẻ mắc tiêu chảy cấp và 3 phác đồ điều trị tiêu chảy cấp hiệu quả được áp dụng cho đối tượng trẻ em.

1. Trẻ tiêu chảy cấp uống thuốc gì thì tốt?

Trẻ tiêu chảy cấp uống thuốc gì tốt? Đáp án còn tùy thuộc vào thể trạng và tình trạng bệnh của trẻ.

Tại Quyết định số 4121/QĐ-BYT, Bộ Y tế đã hướng dẫn xử trí tiêu chảy ở trẻ em với mục tiêu là:

– Điều trị dự phòng mất nước nếu khi trẻ tiêu chảy cấp chưa có dấu hiệu mất nước;

– Điều trị mất nước khi trẻ tiêu chảy cấp đã có dấu hiệu mất nước;

– Điều trị dự phòng suy dinh dưỡng cho trẻ tiêu chảy cấp;

– Giảm thời gian và mức độ của tiêu chảy khi trẻ mắc tiêu chảy ở những lần sau trong tương lai bằng cách bổ sung kẽm.

Giải đáp: Trẻ tiêu chảy cấp uống thuốc gì thì hiệu quả-1

Thuốc điều trị tiêu chảy cấp trẻ em uống sẽ phải bám sát vào mục tiêu điều trị

Như vậy, thuốc điều trị tiêu chảy cấp trẻ em uống sẽ phải bám sát vào mục tiêu điều trị để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất. Bên cạnh đó, trẻ mắc tiêu chảy cấp nên được đi khám bác sĩ để xác định tình trạng bệnh và thể trạng hiện tại. Qua đó, bác sĩ sẽ chỉ định đơn thuốc với liều lượng phù hợp để bé nhanh hết bệnh.

2. Các phác đồ điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em

Để việc điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em được dễ dàng, đạt hiệu quả tốt nhất, cũng trong Quyết định số 4121/QĐ-BYT, Bộ Y tế đã đưa ra 3 phác đồ điều trị hiệu có thể áp dụng cho trẻ em. 3 phác đồ gồm: Phác đồ A, phác đồ B và phác đồ C.Tùy vào mức độ mất nước, trẻ sẽ được áp dụng phác đồ điều trị phù hợp.

2.1. Phác đồ A điều trị tiêu chảy cấp cho trẻ em

Phác đồ A sẽ áp dụng cho các trẻ bị tiêu chảy không mất nước hoặc chưa có dấu hiệu mất nước. Với phác đồ này, trẻ sẽ được điều trị bệnh tại nhà.

Khi áp dụng phác đồ A điều trị tiêu chảy cấp cho trẻ, bố mẹ cần tuân thủ 4 nguyên tắc sau:

2.1.1. Nguyên tắc 1: Cho bé uống nhiều dung dịch hơn bình thường nhằm đề phòng mất nước

Đối với trẻ đang bú sữa mẹ hoàn toàn, mẹ hãy tăng cữ bú và thời gian bú để con được bổ sung thêm dinh dưỡng và bù nước những ngày mắc tiêu chảy cấp. Với bé từ 6 tháng mẹ có thể cho bé uống thêm Oresol sau bú. Các bé dưới 6 tháng tuổi chỉ dùng Oresol khi có chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn.

Trường hợp các bé không bú hoàn toàn, mẹ hãy cho con uống oresol sau khi bú mẹ hoặc bú bình. Ngoài Oresol, bé có thể được cấp nước và điện giải bằng cách ăn các thức ăn dạng lỏng như súp, cháo, nước lọc, nước trái cây tươi không đường…

Giải đáp: Trẻ tiêu chảy cấp uống thuốc gì thì hiệu quả-2

Cho bé tiêu chảy cấp uống nhiều dung dịch nhằm đề phòng mất nước

Mẹ hay tuân thủ nguyên tắc cho bé uống dung dịch tùy theo ý muốn của bé tới khi con ngừng tiêu chảy:

– Bé dưới 2 tuổi nên uống khoảng 50 – 100ml sau mỗi lần đi ngoài

– Bé từ 2 – 10 tuổi nên uống khoảng 100 – 200ml sau mỗi lần đi ngoài

– Các bé trên 10 tuổi thì uống theo nhu cầu

Lưu ý rằng, trong thời gian trẻ bị tiêu chảy, bố mẹ tuyệt đối không cho con uống nước ngọt pha đường, nước có ga, nước uống công nghiệp… Lý do là vì những loại dung dịch này có thể khiến tình trạng tiêu chảy thêm nặng, thậm chí đe dọa đến tính mạng của bé.

2.1.2. Nguyên tắc 2: Duy trì cho trẻ ăn đầy đủ để phòng ngừa suy dinh dưỡng

Nỗi lo sợ bé tiêu chảy cấp ăn nhiều sẽ càng đi ngoài nhiều hơn là sai lầm nghiêm trọng. Thay vào đó, bố mẹ phải đảm bảo khẩu phần ăn cho bé mỗi ngày và cần được tăng dần lên. Các bé đang bú mẹ hoàn toàn cũng cần được bú mẹ nhiều lên để cơ thể được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết.

Thực tế, hầu hết trẻ tiêu chảy khi được bù đủ nước sẽ thèm ăn trở lại. Bố mẹ cần khuyến khích bé ăn uống bình thường trở lại hoặc ăn nhiều lên. Bởi khi được ăn uống đủ chất, cơ thể bé tiêu chảy cấp sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhanh phục hồi và hết bệnh.

Nhìn chung, thức ăn cho bé tiêu chảy cấp cũng giống như thức ăn cần thiết với trẻ khỏe mạnh. Trường hợp trẻ dưới 6 tháng không được bú sữa mẹ hoàn toàn cần phải uống thêm sữa công thức và ăn thêm các thức ăn khác. Các bé lớn hơn thì nên ăn thực phẩm được chế biến dạng lỏng hay nghiền nhỏ để con dễ tiêu hóa. Các thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, chuối và hoa quả tươi đều tốt cho bé tiêu chảy.

2.1.3. Nguyên tắc 3: Bổ sung kẽm cho trẻ tiêu chảy cấp

Bé tiêu chảy cần được bổ sung kẽm trong vòng 10 – 14 ngày. Lý do là vì kẽm là khoáng chất vi lượng có thể giúp rút ngắn thời gian và mức độ trầm trọng của bệnh tiêu chảy. Kẽm đồng thời cũng hỗ trợ cải thiện sự ngon miệng và tăng trưởng của bé.

Theo đó, trẻ dưới 6 tháng tuổi sẽ bổ sung kẽm khoảng 10mg/ngày, bé trên 6 tháng tuổi nên bổ sung khoảng 20mg/ngày. Nên cho bé uống kẽm lúc đói.

2.1.4. Nguyên tắc 4: Đưa bé tiêu chảy cấp đến viện khám khi cần

Trẻ tiêu chảy cấp điều trị tại nhà cần đến viện khám ngay khi có những biểu như sau:

– Bé đi ngoài ra phân lỏng nhiều lần, liên tục

– Bé luôn cảm thấy khát

– Bé bị nôn tái diễn nhiều lần khi mắc tiêu chảy cấp

– Bé đi ngoài có lẫn với máu trong phân

– Bé điều trị tiêu chảy cấp tại nhà sau 2 ngày không có tiến triển tốt lên.

2.2. Phác đồ B điều trị cho trẻ tiêu chảy cấp

Trẻ tiêu chảy cấp nếu xuất hiện dấu hiệu mất nước thì cần được áp dụng phác đồ điều trị B. Với phác đồ này, bé cần được bù nước tại cơ sở y tế để bác sĩ tiện theo dõi và hỗ trợ kịp thời khi cần.

Bảng hướng dẫn bù nước cho trẻ tiêu chảy cấp có mất nước

Bảng hướng dẫn bù nước cho trẻ tiêu chảy cấp có mất nước

Trước tiên, bé cần được uống Oresol tại cơ sở y tế trong vòng 4 giờ để xác định được tình trạng mất nước rồi bác sĩ mới chỉ định phác đồ điều trị phù hợp. Sau 4 giờ, bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá mức độ mất nước của bé mắc tiêu chảy cấp:

– Nếu bé có dấu hiệu mất nước nặng thì bác sĩ sẽ chỉ định liệu pháp truyền tĩnh mạch theo phác đồ C.

– Nếu bé còn mất nước thì tiếp tục bù nước theo phác đồ B.

– Nếu bé không còn dấu hiệu mất nước, bé đã được bù xong dịch thì sẽ trở lại điều trị theo phác đồ A.

Với phác đồ B, trẻ được theo dõi tiến triển của liệu pháp bù nước đường uống rất sát sao. Bé vẫn cần được ăn uống đầy đủ để ngừa suy dinh dưỡng và bổ sung kẽm.

2.3. Phác đồ C điều trị cho bé tiêu chảy cấp

Phác đồ C được áp dụng cho các bé mất nước nặng, các bé đã bù nước bằng đường uống nhưng thất bại. Trẻ dùng phác đồ C phải được điều trị tại cơ sở y tế để truyền dịch đường truyền tĩnh mạch. Nếu vẫn uống được, hãy cho bé uống Oresol trước khi truyền.

Sau khi truyền 100ml/kg dung dịch Ringer lactate trong 6 giờ (với trẻ < 12 tháng tuổi) hoặc 3 giờ (với trẻ từ 12 tháng trở lên), trẻ tiêu chảy cấp sẽ được đánh giá lại để chọn phác đồ điều trị phù hợp.

Bé tiêu chảy cấp uống thuốc gì thì hiệu quả -4

Trẻ tiêu chảy cấp áp dụng phác đồ C tại viện

Trường hợp trẻ không truyền được tĩnh mạch sẽ chuyển sang điều trị nhỏ giọt qua ống thông dạ dày. Nếu cả hai phương pháp này đều không thực hiện được thì bé cần đến bệnh viện để được các bác sĩ giỏi, chuyên môn cao tiến hành truyền dịch và nhỏ giọt thông qua ống dạ dày và tiến hành các biện pháp điều trị cần thiết theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn.

Như vậy, bài viết trên đây đã giải đáp tới bố mẹ thắc mắc trẻ tiêu chảy cấp uống thuốc gì, đồng thời cập nhật 3 phác đồ điều trị tiêu chảy cấp hiệu quả cho trẻ em. Hy vọng bài viết đã mang tới cho các bố mẹ và bạn đọc nhiều thông tin hữu ích.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital