Nội soi tán sỏi niệu quản là phương pháp được đánh giá cao với các ưu điểm: Ít xâm lấn, xử lý sỏi hiệu quả, ngăn ngừa các nguy cơ ứ nước thận, viêm đài bể thận,…Khi điều trị bằng phương pháp này cũng giúp người bệnh ít chịu nhiều đau đớn, giảm chảy máu, nhanh hồi phục,…
Menu xem nhanh:
1. Phương pháp nội soi tán sỏi niệu quản là gì?
Nội soi tán sỏi niệu quản là phương pháp ít xâm lấn theo đường dẫn nước tiểu tự nhiên vào cơ thể. Kỹ thuật này có tỷ lệ lấy sạch sỏi cao, thời gian phục hồi nhanh chóng. Nhờ các ưu điểm mà phương pháp tán sỏi này ngày càng phổ biến, dần dần thay thế phương pháp mổ truyền thống.
Trước khi chỉ định tán sỏi, bác sĩ sẽ thăm khám và chỉ định một số biện pháp chẩn đoán hình ảnh: Chụp X – quang, phân tích nước tiểu, siêu âm,…
2. Phân loại nội soi
Các kỹ thuật tán sỏi phụ thuộc vào vị trí, kích thước, cấu tạo của sỏi. Nội soi tán sỏi được chia thành các loại:
2.1 Nội soi lấy sỏi sau phúc mạc
Phương pháp này được chỉ định cho các loại sỏi có kích thước lớn hơn 10mm, vị trí ⅓ trên. Các trường hợp điều trị nội khoa không hiệu quả cũng được chỉ định áp dụng kỹ thuật này.
Một số trường hợp sẽ không được chỉ định tán sỏi sau phúc mạc như: Rối loạn đông máu, tiền sử phẫu thuật vùng thắt lưng,…Sau khi gây mê, người bệnh được đặt nằm nghiêng góc 90 độ về bên không có sỏi. Chuyên gia sẽ rạch đường vào khoang sau phúc mạc để tiếp cận với niệu quản. Khi xác định được vị trí sỏi, bác sĩ sẽ mở dọc niệu quản ở đầu trên của viên sỏi để lấy ra. Bác sĩ đặt thông niệu quản dẫn lưu hố thận sau đó khâu niệu quản, rút trocar, đóng vết mổ.
2.2 Nội soi tán sỏi niệu quản bằng ống soi mềm
Nội soi tán sỏi bằng ống soi mềm thường sử dụng cho người bệnh có sỏi niệu quản kích thước 1,5cm. Phương pháp tán sỏi và đưa ra ngoài bằng đường tự nhiên có ưu điểm là tỷ lệ sạch sỏi cao, giúp bảo tồn tối đa chức năng thận, hạn chế nhiễm trùng, ít đau đớn, không để lại sẹo,…
Kỹ thuật này thường chỉ định khi tán sỏi ngoài cơ thể không thành công hoặc dùng để hỗ trợ lấy sỏi vụn. Phương pháp tán sỏi này không phù hợp với người bị viêm nhiễm tiết niệu, hẹp niệu quản. Tương tự với phương pháp nội soi tán sỏi sau phúc mạc, thời gian nằm viện của phương pháp này ngắn.
Người bệnh sẽ được đặt thông niệu quản khoảng 10 ngày trước khi tán sỏi. Khi phẫu thuật, bệnh nhân được gây mê và nằm theo tư thế sản khoa. Chuyên gia sẽ đưa ống mềm nội soi và niệu quản và tán nhỏ chúng ra bằng sóng laser. Các mảnh vụn của sỏi được bơm rửa và lấy ra ngoài bằng rọ. Sau khi kiểm tra đã hết sạch sỏi, bác sĩ sẽ rút ống nội soi và đặt thông niệu quản ngược dòng.
2.3 Nội soi tán sỏi niệu quản bằng ống soi cứng
Phương pháp này sử dụng các ống soi nhỏ, cứng giúp bác sĩ có thể đưa các dụng cụ vào bên trong. Tia laser sẽ phá vỡ sỏi ở vị trí ⅓ giữa hoặc ⅓ dưới của niệu quản. Kỹ thuật tán sỏi này mang đến tỷ lệ sách sỏi tới 99%.
Các trường hợp không có chống chỉ định ngoại khoa sẽ áp dụng được phương pháp này. Sau khi gây mê nội khí quản hoặc tủy sống, người bệnh đặt nằm theo tư thế sản khoa và luồn dây dẫn vào đường tiểu nhằm tiếp cận sỏi. Viên sỏi sẽ được tia laser ở tần số cao nghiền thành mảnh vụn và hút ra ngoài.
3. Các trường hợp áp dụng nội soi tán sỏi niệu quản
Việc sử dụng phương pháp nội soi tán sỏi nào sẽ phụ thuộc vào vị trí, kích thước, tính chất của sỏi. Bác sĩ sẽ chọn nội soi tán sỏi khi:
– Kích thước sỏi trong khoảng 0,6 – 2cm
– Bệnh nhân đã điều trị nội khoa 1 tuần nhưng không cải thiện
– Người bệnh đã áp dụng các biện pháp tán sỏi khác nhưng không thành công
– Sỏi đã được điều trị nhưng không di chuyển xuống hoặc nằm ở vị trí khó điều trị hơn
– Người bệnh không gặp các vấn đề về: Đường tiết niệu, hẹp tiết niệu, rối loạn đông máu,…
4. So sánh ưu điểm của nội soi tán sỏi niệu quản
Phương pháp nội soi tán sỏi không thể thay thế hoàn toàn các phương pháp truyền thống tuy nhiên được đánh giá là sự tiến bộ của y học. Những ưu điểm vượt trội của kỹ thuật này so với các phương pháp mổ mở:
– Giảm đau đớn, ít chảy máu, dễ chăm sóc, người bệnh nhanh phục hồi
– Hiệu quả tán sạch sỏi cao tới 99%, ít gây biến chứng
– Không để lại sẹo lớn, tính thẩm mỹ cao
– Thời gian nằm viện ngắn, tiết kiệm chi phí cho người bệnh
5. Các rủi ro có thể gặp khi điều trị
Bất cứ phương pháp điều trị nào dù hiệu quả nhưng bên cạnh đó cũng sẽ tồn tại rủi ro. Một số biến chứng có thể gặp phải khi nội soi tán sỏi như:
5.1 Thủng niệu quản
Biến chứng này hiện tại đã ít xảy ra nhờ sự hỗ trợ của máy soi mềm hơn, kích thước nhỏ hơn và kỹ thuật phẫu thuật đã được nâng cao
5.2 Hẹp niệu quản
Đây là tổn thương thứ phát do sỏi, mảnh vụn của sỏi hoặc thao tác của bác sĩ sau điều trị. Vụn sỏi chèn vào gây thủng niệu quản là yếu tố nguy cơ của hẹp niệu quản. Người bệnh có thể cần đặt ống thông JJ trong vài tuần nếu thấy có tổn thương niêm mạc niệu quản.
5.3 Sỏi dưới niêm mạc
Biến chứng này phổ biến do sỏi đi vào trong thành niệu quản khi nội soi. Nếu xảy ra biến chứng này bác sĩ sẽ chỉ định cắt bằng laser và đặt thông niệu quản kéo dài.
5.4 Sỏi đi lạc
Các trường hợp sỏi rơi ra ngoài niệu quản tưởng như vô hại nhưng đôi khi sẽ để lại biến chứng. Nếu sỏi để lâu không được giải quyết có thể gây nhiễm trùng, áp xe quanh phúc mạc.
6. Chuẩn bị trước khi phẫu thuật
Để quá trình phẫu thuật diễn ra thuận lợi, người bệnh sẽ được thực hiện các biện pháp khám lâm sàng. Bên cạnh đó bác sĩ sẽ tư vấn chi tiết về việc chuẩn bị tán sỏi.
– Chẩn đoán lâm sàng, xét nghiệm nước tiểu, chẩn đoán hình ảnh ( CT scan hệ niệu, chụp CT scan xoắn ốc không thuốc cản quang), phân tích thành phần cấu tạo sỏi,…
– Nếu bệnh nhân đang sử dụng thuốc làm giảm khả năng kết tập tiểu cầu, thuốc chống đông thì cần dừng thuốc 1 tuần trước khi nội soi hoặc sử dụng liều thấp theo chỉ định của bác sĩ.
– Sau khi được tư vấn chi tiết cùng ưu nhược điểm của từng phương pháp, người bệnh sẽ ký giấy đồng ý phẫu thuật.
– Trước ngày phẫu thuật, người bệnh cần nhịn uống 2 giờ và nhịn ăn 6 tiếng
– Người bệnh sẽ tiêm thuốc kháng sinh trước khi phẫu thuật
7. Chăm sóc sau điều trị
Thời gian phục hồi sau nội soi tán sỏi của mỗi người không giống nhau. Tuy nhiên thì hầu như tất cả bệnh nhân ngay trong ngày đầu phẫu thuật có thể đi lại nhẹ nhàng. Ngày thứ 2 ống dẫn lưu sẽ được rút ra. Ngày thứ 3 bệnh nhân được siêu âm kiểm tra tình trạng sỏi niệu quản và xuất viện. Sau khoảng 1 tuần người bệnh có thể quay lại cuộc sống bình thường.
Một số lưu ý sau khi nội soi bệnh nhân cần thực hiện:
– Dùng thuốc giảm đau, kháng sinh theo yêu cầu của bác sĩ để giảm cảm giác khó chịu và ngăn ngừa nhiễm trùng
– Vận động nhẹ nhàng
– Tái khám đúng thời hạn
– Nếu phát hiện có các triệu chứng bất thường như: Tiểu ít, tiểu ra máu, sót cao, ớn lạnh, buồn nôn,… người bệnh cần tới bệnh viện kiểm tra ngay.
– Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Ăn nhiều rau xanh, trái cây, giảm muối, giảm chất đạm,…
– Uống nhiều nước để ngăn sỏi tái phát. Những người đã từng bị sỏi sẽ có nguy cơ bị sỏi cao hơn những người khác. Nguy cơ hình thành sỏi lần 2 vào khoảng 15% sau một năm, 40% sau khoảng 5 năm và tới 80% sau 10 năm.
Nội soi tán sỏi niệu quản là phương pháp điều trị mang lại hiệu quả trị sỏi cao. Kỹ thuật này cũng giúp hạn chế nguy cơ sỏi tái phát vì vậy sẽ dần dần thay thế các phương pháp điều trị truyền thống.