Những chị em phụ nữ mang thai lần đầu tiên chắc chắn sẽ còn nhiều bỡ ngỡ và thắc mắc liên quan tới việc đi khám thai. Trong đó sẽ có những câu hỏi như mẹ bầu đi khám thai nên mặc gì? Các mốc khám thai quan trọng mẹ bầu cần phải nhớ là gì? Trước khi đi khám thai mẹ bầu nên lưu ý điều gì?
Menu xem nhanh:
1. Các mốc khám thai quan trọng mẹ bầu cần phải nhớ
Trước khi đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi “Đi khám thai nên mặc gì?” thì chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về tầm quan trọng của việc đi khám thai định kỳ. Theo các bác sĩ Sản khoa, khám thai định kỳ là điều vô cùng cần thiết bởi lẽ việc làm này sẽ giúp mẹ bầu có thể theo dõi sát sao được sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe của bản thân để đảm bảo có một thai kỳ suôn sẻ và khỏe mạnh. Đó là lý do tại sao mà mỗi một mốc khám thai đều sẽ mang một ý nghĩa riêng.
Thông thường, nếu sức khỏe của mẹ duy trì ở mức ổn định thì nên đi khám thai tối thiểu là 7 lần. Còn trong trường hợp mẹ bầu mắc các bệnh lý khác trong thai kỳ thì số lần đi khám thai sẽ nhiều hơn tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Những mốc khám thai quan trọng mẹ bầu nhất định không được bỏ qua là:
1.1. Khám thai lần đầu tiên (thai từ 6 – 8 tuần)
Sau khi chị em có dấu hiệu trễ kinh khoảng 5-10 ngày thì nên đi khám thai. Bởi lẽ thông qua việc siêu âm thai, bác sĩ sẽ xác định được chính xác việc chị em có mang thai hay không, thai đã làm tổ đúng vị trí chưa và thai là thai đơn hay đa thai.
1.2. Khám thai lần thứ 2 (thai từ 11 – 13 tuần)
Đây là mốc khám thai cực kỳ quan trọng mà tất cả các mẹ bầu không nên bỏ qua. Bởi lẽ thông qua việc siêu âm thai nhi, bác sĩ sẽ đo độ mờ da gáy của bé để xem con có nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh như Hội chứng Down… hay không. Bên cạnh việc siêu âm thì mẹ bầu cũng nên làm xét nghiệm Double Test để tầm soát thêm một số dị tật bẩm sinh khác có thể xảy ra.
1.3. Khám thai lần thứ 3 (thai 16 tuần)
Khi mẹ bầu được 16 tuần, tùy vào sức khỏe của từng người mà bác sĩ sẽ chỉ định thai phụ thực hiện một số loại xét nghiệm cần thiết như Triple test. Mục đích của lần khám thai này là để phát hiện em bé trong bụng mẹ có bị dị tật bẩm sinh hay không, đồng thời kiểm tra xem thai nhi có được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng hay không để tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất với từng thai phụ.
1.4. Khám thai lần thứ 4 (thai 22 – 23 tuần)
Đây là mốc khám thai quan trọng thứ 2 mà mẹ bầu cần thực hiện sau mốc 12 tuần. Vào thời điểm này, bác sĩ sẽ kiểm tra các bất thường về hình thái của thai nhi như hở hàm ếch, sứt môi,… Nếu không may phát hiện ra các dị tật bẩm sinh ở thai nhi, bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ bầu hướng can thiệp phù hợp nhất.
1.5. Khám thai lần thứ 5 (thai 26 tuần)
Vào lần thăm khám này, bác sĩ sẽ kiểm tra sự phát triển của em bé trong bụng mẹ. Nếu mang thai con đầu, các mẹ bầu sẽ được tiêm phòng mũi vắc xin uốn ván lần đầu tiên. Nếu mang thai con lần 2, các mẹ bầu cũng được khuyến cáo tiêm vắc xin phòng uốn ván vào thời điểm này.
1.6. Khám thai lần thứ 6 (thai 31 – 32 tuần)
Thông quan việc siêu âm ở lần khám thai này, bác sĩ sẽ phát hiện được một số bất thường ở động mạch, tim hoặc những vấn đề liên quan tới não như giãn não thất,… Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ chẩn đoán được ngôi thai của em bé trong bụng mẹ. Với mốc khám thai này, các mẹ bầu sẽ được tiêm mũi vắc xin phòng uốn ván thứ 2.
1.7. Khám thai lần thứ 7 (thai 36 tuần)
Tại mốc khám thai này, mẹ bầu sẽ được kiểm tra nước ối và dây rốn một cách kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ đo cân nặng của em bé trong bụng để mẹ bầu kịp thời bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết. Ngoài ra, trong lần khám thai này, bác sĩ sẽ đưa ra tiên lượng về việc mẹ bầu nên sinh thường hay sinh mổ.
Sau mốc khám thai này, tùy vào tình trạng của từng mẹ bầu mà bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định cho những lần thăm khám tiếp theo.
2. Mẹ bầu đi khám thai nên mặc gì là hợp lý nhất?
Để giúp cho việc khám thai và siêu âm diễn ra một cách thuận lợi thì khi thai còn nhỏ, mẹ bầu có thể mặc quần thun co giãn hoặc váy theo ý muốn của mình. Khi thai nhi lớn hơn, mẹ bầu nên mặc váy rộng rãi và thoáng mát. Đặc biệt, mẹ bầu cần lưu ý là không được mắc váy liền bó sát và quần áo bó sát vì sẽ gây khó khăn cũng như mất thời gian khi đi khám thai.
Thông thường, việc khám thai chủ yếu được thực hiện thông qua hình thức siêu âm. Trên thực tế, có một số mẹ bầu bị viêm nhiễm phụ khoa ở giai đoạn này. Do đó, nếu có nhu cầu siêu âm thai kết hợp với khám phụ khoa, tốt nhất mẹ bầu nên mặc váy rộng mỗi lần đi khám. Bởi lẽ điều này sẽ giúp việc khám thai trở nên nhanh hơn vì mẹ bầu chỉ cần kéo váy lên cao là xong.
3. Những điều mẹ bầu cần phải lưu ý khi đi khám thai
3.1. Kiểm tra lịch khám thai thật kỹ lưỡng
Thông thường, lịch khám thai định kỳ sẽ được sắp xếp sẵn từ trước. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp bệnh viện sẽ có những ca phát sinh khiến bạn phải chờ lâu. Do đó, mẹ bầu cần phải xác nhận lại lịch khám thai với bệnh viện khi tới gần ngày hẹn để đảm bảo gặp đúng bác sĩ và không phải chờ đợi lâu.
3.2. Uống nước và đi vệ sinh trước khi siêu âm thai
Ở 3 tháng đầu của thai kỳ, khi đi khám thai, mẹ bầu sẽ được yêu cầu uống nhiều nước và không đi tiểu trước khi siêu âm. Bởi lẽ khi làm như vậy thì bàng quang của mẹ bầu sẽ được làm đầy và đẩy tử cung lên cao hơn. Điều này sẽ giúp bác sĩ dễ nhìn thấy em bé hơn.
Tuy nhiên, sau 3 tháng đầu của thai kỳ, thai nhi cũng đã phát triển lớn hơn ở trong bụng mẹ. Vì vậy, trước khi đi siêu âm thai, mẹ bầu cần đi tiểu để làm trống bàng quang. Nhờ vậy, bác sĩ có thể nhìn thấy thai nhi dễ hơn.
3.3. Ăn uống
Vấn đề ăn uống cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới việc mẹ bầu đi khám thai. Những điều mẹ bầu nên nhớ về việc ăn uống trước khi đi khám thai là:
– Không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, nước ngọt, cà phê, thuốc lá,…
– Nếu phải kiểm tra đường huyết thì mẹ bầu phải tuân thủ theo quy định của bác sĩ như nhịn đói trước bao nhiêu tiếng. Đây là điều vô cùng quan trọng vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tính chính xác của kết quả xét nghiệm.
– Nếu đo tim thai hoặc siêu âm 4D thì mẹ bầu cần ăn no.
3.4. Mang theo hồ sơ khám thai và kết quả xét nghiệm
Một điều quan trọng nữa mà mẹ bầu phải nhớ mỗi khi đi khám là phải mang theo hồ sơ và kết quả xét nghiệm. Việc làm này sẽ giúp bác sĩ theo dõi sát sao thai kỳ của mẹ.
3.5. Mang giày bệt và thoải mái để dễ tháo ra, mang vào
Khi đi khám thai, các mẹ bầu hãy chọn những đôi giày bệt thoải mái, êm chân và dễ dàng tháo ra, mang vào. Điều này sẽ giúp việc khám thai của mẹ trở nên thuận lợi hơn.
Hy vọng bài viết trên đây đã giải đáp được thắc mắc của các mẹ bầu “Đi khám thai nên mặc gì là chuẩn nhất?”. Từ đó lựa chọn được trang phục phù hợp giúp việc khám thai diễn ra thuận lợi, nhanh chóng hơn.