Hiểu về khám thai quản lý thai nghén, các dịch vụ khám cần thiết

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Hà

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, Trưởng khoa Phụ Sản

Thai nghén luôn là thời kỳ cần được chăm sóc đặc biệt. Bởi vậy, với việc khám thai quản lý thai nghén, mẹ bầu phải rất sát sao. Nếu thực hiện đầy đủ, đúng cách, thai kỳ của mẹ sẽ được đảm bảo, hạn chế được những bất thường không đáng có cũng như cải thiện được những vấn đề còn tồn tại, khiến các mẹ an tâm hơn.

1. Quản lý thai kỳ, mẹ cần thực hiện những gì?

Quản lý thai nghén thực chất là một chuỗi hoạt động nhằm theo dõi, chăm sóc sức khỏe của mẹ bầu trước sinh. Cũng qua từng mốc quản lý thai, khám thai mà bác sĩ chuyên khoa có thể đưa ra tiên lượng chắc chắn về phương pháp sinh nở, chuẩn bị tốt cho cuộc sinh và để phòng các nguy cơ trong quá trình chuyển dạ.

Thực tế, các mẹ bầu nên có kế hoạch khám, quản lý thai nghén ngay từ sớm để đảm bảo nắm bắt rõ quá trình thai phát triển khỏe mạnh, nhận được sự tư vấn, hỗ trợ kịp thời từ các bác sĩ Sản khoa. Quy trình chuẩn khi thực hiện khám, đánh giá tình trạng, sức khỏe thai kỳ gồm: Thu thập thông tin và tiến hành khám, kiểm tra toàn thân, khám và đánh giá sản khoa, xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu, tiêm chủng vắc xin ngừa bệnh, siêu âm đánh giá hình thái thai,…

Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn có nhiều mẹ bầu chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc khám, quản lý thai kỳ ngay từ 3 tháng đầu. Thậm chí, nhiều mẹ không thực hiện khám thai, chỉ kiểm tra khi thấy có vấn đề, dấu hiệu bất thường và đến bệnh viện khi có cơn chuyển dạ. Điều này dẫn đến rất nhiều hệ lụy và khiến bác sĩ gặp khó khăn trong việc xác định tình trạng thai nhi, xác định các vấn đề của thai phụ trong quá trình sinh con.

Quản lý thai nghén thực chất là một chuỗi hoạt động nhằm theo dõi, chăm sóc sức khỏe của mẹ bầu trước sinh, cần được thực hiện theo một lộ trình cụ thể

Quản lý thai nghén thực chất là một chuỗi hoạt động nhằm theo dõi, chăm sóc sức khỏe của mẹ bầu trước sinh, cần được thực hiện theo một lộ trình cụ thể

Để đánh giá chính xác tình trạng thai phụ và thai nhi, các mẹ sẽ được thực hiện khám thai quản lý thai nghén, theo quy trình sau.

1.1. Khám, đánh giá Sản khoa

Khám Sản khoa không những giúp thai phụ kiểm soát, phát hiện kịp thời những nguy cơ bất thường mà còn có thể tính được tuổi thai, tính ngày dự kiến sinh,…Từ đó, thai phụ sẽ được bác sĩ khoa Sản hướng dẫn kế hoạch quản lý thai kỳ chi tiết, cụ thể, hướng dẫn các bước chăm sóc, vệ sinh và chế độ dinh dưỡng cân bằng, nghỉ ngơi phù hợp trong thai kỳ.

1.2. Khám thai quản lý thai nghén, không thể bỏ qua xét nghiệm công thức máu

Trong quá trình tiến hành xét nghiệm máu, có hai vấn đề chính mà các mẹ bầu không thể bỏ qua chính là xác định dòng hồng cầu, dòng bạch cầu và dòng tiểu cầu.

– Kiểm tra dòng hồng cầu: Cơ thể mẹ bầu cần được cung cấp nhiều sắt hơn người thường để có thể nuôi bào thai. Sắt trong cơ thể được vận chuyển một phần không nhỏ tới thai nhi, vì vậy thai phụ thường gặp tình trạng thiếu máu nhược sắc. Tùy trường hợp, thai phụ có thể bị thiếu máu nặng hoặc nhẹ. Những trường hợp thiếu máu nhẹ, sức khỏe thai sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu tình trạng này nghiêm trọng, mẹ bầu có thể đối diện với nguy cơ sảy thai, các vấn đề bất thường nhau thai như nhau bong non, tiền đạo hoặc các vấn đề về huyết áp trong thai kỳ, nguy cơ tiền sản giật, vỡ ối sớm, băng huyết, ra máu nhiều sau sinh hay thậm chí là nhiễm trùng hậu sản.

Hơn thế nữa, tình trạng thiếu máu ở mẹ cũng có thể gây nguy cơ thiếu máu cho em bé, khiến cho thai nhi kém phát triển, sinh non, thiếu tháng, tăng khả năng khiến bé gặp các bệnh sơ sinh. Đặc biệt, những em bé có mẹ bị thiếu máu còn có nguy cơ mắc một số bệnh, vấn đề về tim nghiêm trọng.

– Kiểm tra dòng bạch cầu: Tế bào bạch cầu trong cơ thể người đóng vai trò quan trọng, như một phần của hệ thống miễn dịch tự nhiên. Bạch cầu bảo vệ cơ thể con người khỏi các tác nhân gây nhiễm trùng và bệnh tật.

Chỉ số bạch cầu ở phụ nữ mang thai trung bình rơi vào khoảng 4.500 đến 11.000/nm3. Trong quá trình mang thai, chỉ số này thường duy trì ở mức 6.000/nm3. 3 tháng đầu thời kỳ thai nghén, chỉ số bạch cầu dao động khoảng 12.000 đến 18.000/nm3. Đây cũng là ngưỡng an toàn và các mẹ có thể yên tâm.

Chỉ số bạch cầu cũng có thể tăng trong thai kỳ. Tuy nhiên, nếu chỉ số này tăng quá cao, mẹ bầu có thể gặp tình trạng tăng huyết áp, thay đổi cân nặng đột ngột, căng thẳng, sốt, chảy máu cam,… và cần được điều trị kịp thời.

– Dòng tiểu cầu: Vai trò chính của tiểu cầu là giúp cầm máu và chống băng huyết, chảy máu. Vì vậy, với thai phụ, việc bị suy giảm số lượng hay giảm chức năng của tiểu cầu rất nguy hiểm, bởi sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy trong quá trình sinh nở và sau sinh.

1.3. Kiểm tra nhóm máu

Việc xác định nhóm máu của mẹ cần được thực hiện trong lần khám thai đầu tiên. Với những mẹ bầu có nhóm máu Rh(-), nguy cơ bất đồng nhóm máu với thai nhi là rất cao, gây ra tình trạng thiếu máu tán huyết, vàng da sau sinh hay thậm chí ảnh hưởng tới chức năng tim, gan của bé.

1.4. Xét nghiệm miễn dịch khi phát hiện có thai: HIV, viêm gan B

Tỷ lệ người nhiễm viêm gan B hiện tại đang ở ngưỡng đáng báo động. Với những mẹ bầu bị nhiễm virus viêm gan B, thai nhi trong bụng rất có thể bị lây bệnh nếu không thực hiện biện pháp bảo vệ ngay sau sinh.

Việc xét nghiệm miễn dịch trước sinh, khẳng định nguy cơ nhiễm virus viêm gan B có thể giúp bác sĩ đưa ra những biện pháp phù hợp cho mẹ, giảm bớt mức độ ảnh hưởng của bệnh. Đồng thời, sao khi bé chào đời sẽ được tiêm phòng vacxin viêm gan B cùng với 1 liều huyết thanh kháng virus viêm gan B giúp hạn chế tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con.

1.5. Xét nghiệm máu tìm kháng nguyên các bệnh nhiễm trùng từ người mẹ

Những bệnh lý như giang mai, Rubella, Toxoplasma, CMV,… gây ra rất nhiều hệ quả, biến chứng nặng nề cho thai nhi, khiến các bé bị dị tật ngay từ trong bụng mẹ.

Xét nghiệm máu là bước quan trọng trong khám thai quản lý thai nghén

Xét nghiệm máu là bước quan trọng trong khám thai quản lý thai nghén

Bởi vậy, việc xét nghiệm máu tìm kháng nguyên các bệnh nhiễm trùng từ người mẹ rất cần thiết. Nó giúp xác định tình trạng, khả năng miễn dịch của người mẹ, phân biệt nhiễm trùng cấp trong hay trước thai kỳ.

1.6. Phân tích nước tiểu

Mỗi mốc khám thai định kỳ, mẹ bầu đều phải thực hiện xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu. Việc này tuy đơn giản nhưng có ý nghĩa quan trọng, giúp phòng ngừa bệnh về thận, nhiễm trùng đường tiết niệu, thậm chí có thể sàng lọc nguy cơ tiền sản giật và bệnh lý tiểu đường thai kỳ trước mốc 28 tuần.

1.7. Nghiệm pháp dung nạp đường, kiểm tra nguy cơ tiểu đường thai kỳ

Nghiệm pháp dung nạp đường hiện được tiến hành với tất cả các mẹ bầu từ mốc tuần 24 đến 28. Thực hiện nghiệm pháp này không quá phức tạp, nhưng lại đem đến hiệu quả chẩn đoán khá chính xác tình trạng tiểu đường thai kỳ ở mẹ bầu. Từ kết quả xét nghiệm này, các bác sĩ có thể cho biết mẹ có nguy cơ tiểu đường thai kỳ hay không, cũng đưa ra lộ trình cải thiện, tư vấn để giúp mẹ tránh khỏi những biến chứng dễ gặp khi bị đái tháo đường thai kỳ.

Một số biến chứng thai sản xuất phát từ tiểu đường thai kỳ: Tiền sản giật, huyết áp cao, thai to, sinh non, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, sảy thai,…

1.8. Xét nghiệm sinh hóa máu

Xét nghiệm sinh hóa máu được thực hiện nhằm đánh giá:

– Nhóm chức năng gan: Bilirubin, men gan (GOT,GPT).

– Nhóm chức năng thận: Creatinin, ure, axit uric.

– Protein có trong máu.

– Các chất điện giải: K, Na, Cl.

1.9. Xét nghiệm chức năng đông máu

Xét nghiệm này cần được thực hiện để hạn chế các vấn đề về chảy máu, băng huyết ở thai phụ. Trong quá trình sinh con, sau sinh, nếu bị rối loạn chức năng đông máu, tính mạng của người mẹ có thể bị đe dọa.

1.10. Siêu âm Doppler màu và điện tim

Khi mang thai, cơ thể mẹ thay đổi rất nhiều, lưu lượng máu, tuần hoàn tăng lên, vì vậy tình trạng sức khỏe tim mạch cũng có thể bị ảnh hưởng. Ngoài ra, bước khám này cũng đánh giá khả năng dung nạp theo một vài thay đổi về huyết động trong thai kỳ, nguy cơ biến chứng trong quá trình chuyển dạ.

1.11. Monitoring sản khoa

Monitoring sản khoa giúp theo dõi tim thai và hoạt động của cơ tử cung, đặc biệt quan trọng ở những tuần thai cuối.

Mẹ bầu được đo Monitoring sản khoa ở những tuần thai cuối để đảm bảo sức khỏe của thai nhi trước khi chào đời

Mẹ bầu được đo Monitoring sản khoa ở những tuần thai cuối để đảm bảo sức khỏe của thai nhi trước khi chào đời

Các bác sĩ sẽ dựa vào kết quả để so sánh nhịp tim thai trước và trong khi có cơn co tử cung để kịp thời nhận biết những bất thường trong quá trình chuyển dạ, từ đó tính toán những bước can thiệp cần thiết để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi.

2. Những mốc khám thai định kỳ cần nhớ và quy trình khám thai quản lý thai nghén từng mốc

Những mốc khám thai định kỳ thường được cân nhắc rất kỹ và được thiết lập theo một quy trình cụ thể, khoa học để đảm bảo từng bước khám cần thiết cho thai phụ.

2.1. Khám thai quản lý thai nghén lần 1 (thai 08 đến 11 tuần)

– Khám tổng quát cơ thể: Mẹ bầu được đo chiều cao, cân nặng, khám da, niêm mạc, đánh giá phù, thiếu máu, đo huyết áp, khám tim phối và khám chuyên khoa khác khi có dấu hiệu bất thường.

– Siêu âm đầu dò âm đạo xác định thai đã làm tổ chưa, phôi thai đã ổn định vị trí trong tử cung chưa, sàng lọc thai ngoài tử cung, kiểm tra các vấn đề về tử cung của người mẹ,…

2.2. Khám thai lần 2 (từ 12 đến 15 tuần)

– Khám thai.

Siêu âm thai kiểm tra hình thái (siêu âm thai 5D).

– Xét nghiệm nhằm kiểm tra các vấn đề sức khỏe qua mẫu nước tiểu.

– Sàng lọc Double test.

– Xét nghiệm máu, đánh giá: Glucose, Urê, Creatinin, ALT(GPT), AST (GOT), tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, định nhóm máu hệ ABO, định nhóm máu hệ Rh, HIV Ab test nhanh, Treponema pallidum TPHA định tính và định lượng, Rubella virus IgM, IgG miễn dịch tự động.

2.3. Khám thai lần 3 (từ 16 đến 18 tuần)

– Khám thai.

– Siêu âm hình thái thai nhi.

– Xét nghiệm nhằm kiểm tra các vấn đề sức khỏe qua mẫu nước tiểu.

2.4. Khám thai lần 4 (từ 22 đến 24 tuần)

– Khám thai.

– Siêu âm thai hình thái.

– Xét nghiệm nhằm kiểm tra các vấn đề sức khỏe qua mẫu nước tiểu.

– Phân tích tế bào máu.

2.5. Khám thai lần 5 (từ tuần 25 đến 29)

– Khám thai.

– Siêu âm thai hình thái.

– Xét nghiệm nhằm kiểm tra các vấn đề sức khỏe qua mẫu nước tiểu.

– HBsAg test nhanh.

– Nghiệm pháp dung nạp 75g glucose đường uống 3 mẫu cho người bệnh thai nghén thai 24 – 28 tuần).

2.6. Khám thai lần 6 (từ tuần 30 đến 32)

– Khám thai.

– Siêu âm thai hình thái kiểm tra tình trạng ổn định của thai nhi.

– Xét nghiệm nhằm kiểm tra các vấn đề sức khỏe qua mẫu nước tiểu.

– Lớp học tiền sản.

2.7. Khám thai lần 7 (từ tuần 36 đến 37)

– Khám thai.

– Đánh giá tình trạng sức khỏe, điều kiện gây tê với bác sĩ gây tê, gây mê.

– Siêu âm chẩn đoán các vấn đề về thai, nhau thai, nước ối.

Siêu âm kiểm tra hình thái thai là bước không thể bỏ qua ở mỗi mốc tuần theo dõi thai kỳ

Siêu âm kiểm tra hình thái thai là bước không thể bỏ qua ở mỗi mốc tuần theo dõi thai kỳ

– Tổng phân tích, xét nghiệm mẫu nước tiểu.

– Xét nghiệm phát hiện sự tồn tại của vi khuẩn Streptococcus B khi mẹ bầu mang thai tới tháng thứ 9.

– Xét nghiệm máu.

– Theo dõi nhịp tim thai và cơn co tử cung với máy Monitor Sản khoa.

– Thực hiện đo điện tim.

2.8. Khám thai quản lý thai nghén tuần 8 (thai 38 đến 39 tuần)

– Khám thai.

– Siêu âm chẩn đoán các vấn đề về thai, nhau thai, nước ối.

– Tổng phân tích, xét nghiệm mẫu nước tiểu.

– Theo dõi nhịp tim thai và cơn co tử cung với máy Monitor Sản khoa.

2.9. Khám thai lần 9 (từ tuần 40 trở đi)

– Khám thai.

– Siêu âm chẩn đoán các vấn đề về thai, nhau thai, nước ối.

– Tổng phân tích, xét nghiệm mẫu nước tiểu.

– Theo dõi nhịp tim thai và cơn co tử cung với máy Monitor Sản khoa.

Trên đây là những thông tin cơ bản về việc khám thai quản lý thai nghén dành cho thai phụ từ tuần 8 đến cuối thai kỳ. Với những thông tin này, chị em có thể yên tâm hơn khi bắt đầu kế hoạch khám thai, đồng thời dễ dàng hơn khi phối hợp với bác sĩ để có một thai kỳ trọn vẹn, an toàn.

Khám thai, theo dõi thai định kỳ là cách để các mẹ bầu hiện đại có thể đảm bảo sức khỏe bản thân và thai nhi cho tới ngày "vượt cạn"

Khám thai, theo dõi thai định kỳ là cách để các mẹ bầu hiện đại có thể đảm bảo sức khỏe bản thân và thai nhi cho tới ngày “vượt cạn”

Hiện tại, Thu Cúc TCI đang triển khai và đẩy mạnh dịch vụ Thai sản trọn gói cho các mẹ bầu tới khám và theo dõi thai kỳ. Với những gói Thai sản tương ứng với mốc tuần thai thực tế, các mẹ sẽ được đảm bảo chăm sóc thai kỳ một cách tốt nhất, hiệu quả nhất để chờ tới ngày vượt cạn. Thai sản trọn gói sẽ đồng hành cùng mẹ bầu trong cả quá trình khám thai quản lý thai nghén, trong cuộc sinh và lưu viện theo dõi sau sinh. Vì vậy, các mẹ có thể an tâm lựa chọn dịch vụ này của Thu Cúc TCI để nhận được những tiện ích trọn vẹn cho bà bầu.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital