Đau thượng vị dạ dày nên ăn gì và cần hạn chế gì?

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Đau thượng vị dạ dày nên ăn gì và cần hạn chế gì là câu hỏi được đông đảo người bệnh quan tâm. Rất nhiều các trường hợp bệnh trở nặng đến từ nguyên nhân thực hiện chế độ ăn uống không khoa học và biểu hiện là các cơn đau diễn ra thường xuyên hơn. Hãy cùng tìm hiểu thông tin trên để có cách cải thiện tình trạng đau thượng vị dạ dày tốt hơn.

1. Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn cho người bệnh dạ dày nói chung

Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng và quyết định tới quá trình điều trị bệnh dạ dày nói chung. Thực hiện một chế độ ăn khoa học nhằm hai mục đích chính:

– Làm giảm lượng tiết acid, giảm các tác dụng của acid dạ dày tiết ra lên thành niêm mạc dạ dày.

– Hạn chế hoặc có thể loại bỏ những kích thích gây hại để dạ dày không phải quá tải, được nghỉ ngơi và hỗ trợ làm lành các tổn thương nhanh hơn.

Để xây dựng một chế độ ăn khoa học tốt cho người bệnh dạ dày cần lưu ý thực hiện theo các nguyên tắc sau:

– Cung cấp đầy đủ các dưỡng chất, vitamin cần thiết tốt cho hoạt động tiêu hóa.

– Ưu tiên thức ăn đã được nấu chín, ninh nhừ, không nên dùng thức ăn cứng hoặc thực phẩm ăn sống.

– Ăn chậm, nhai thật kỹ.

– Không nên để bụng bị quá đói hoặc ăn quá no trong cùng một bữa, có thể chia thành nhiều bữa trong ngày (4-5 bữa). Việc ăn nhiều bữa để đảm bảo dạ dày được hoạt động điều độ, lượng acid được trung hòa. Mỗi bữa ăn vừa phải để không gây căng dạ dày và không kích thích dạ dày tiết nhiều acid.

– Tốt nhất không nên ăn canh và cơm cùng lúc.

– Không vận động nặng, chạy nhảy, bê vác ngay sau khi ăn xong.

Chế độ ăn cho người đau thượng vị dạ dày

Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện các cơn đau thượng vị dạ dày.

2. Người bệnh đau thượng vị dạ dày nên ăn gì?

2.1. Thực phẩm giúp trung hòa axit

Do nồng độ axit trong dạ dày tăng cao khiến bạn bị đau thượng vị kèm theo các biểu hiện khác như ợ nóng, buồn nôn… Việc sử dụng các thực phẩm giúp trung hòa axit sẽ giúp lượng axit trong dạ dày ở mức độ ổn định. Các thực phẩm trong nhóm này gồm bột mì, các loại rau xanh, bột nghệ, mật ong…

2.2. Thực phẩm giàu chất xơ và cung cấp vitamin

Chất xơ và vitamin đóng vai trò giúp hoạt động đường tiêu hóa diễn ra “mượt mà” hơn. Hãy cung cấp đầy đủ chất xơ và vitamin ở mỗi bữa ăn từ các loại trái cây tươi (táo, nho, chuối, thanh long, ổi, đào, ớt chuông,…), rau xanh, ngũ cốc, các loại hạt (các loại hạt họ đậu, hạt điều, hạnh nhân, mắc ca,..).

2.2. Thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa

Khi ăn những thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa sẽ giúp giảm tải áp lực cho dạ dày, hạn chế và kiểm soát cơn đau thượng vị. Bạn nên ăn những thực phẩm như cháo, súp, các món hầm, nấu nhừ, miến, bún…

Đau thượng vị dạ dày nên ăn gì?

Người bệnh đau thượng vị nên ăn những thực phẩm mềm sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

2.3. Đau thượng vị dạ dày nên ăn gì – Ăn thực phẩm mát

Những thực phẩm giúp thanh lọc cơ thể và hỗ trợ tiêu hóa như bí đao, bắp cải, hạt sen, đậu xanh, bột sắn dây… rất tốt cho sức khỏe người đau thượng vị dạ dày.

Bên cạnh việc ăn uống khoa học, đầy đủ chất dinh dưỡng, người bệnh đau thượng vị dạ dày nên chú ý tuân thủ theo đúng thuốc điều trị của bác sĩ. Đồng thời tái khám định kỳ theo đúng lịch hẹn để điều chỉnh đơn thuốc và chế độ ăn uống phù hợp.

3. Thực phẩm nên tránh đau thượng vị dạ dày

Bên cạnh những nhóm thực phẩm cần bổ sung nêu trên thì người bệnh đau thượng vị dạ dày cũng cần lưu ý cả những thực phẩm cần tránh để cải thiện tốt hơn tình trạng đau bụng.

3.1. Thực phẩm ảnh hưởng xấu đến niêm mạc dạ dày

Những thực phẩm nằm trong nhóm này phải kể đến là:

– Rượu, bia, các loại cà phê, trà đặc;

– Các loại rau đậu già, củ già, rễ cây,…

– Các gia vị cay nóng như hạt tiêu, ớt, gừng khô,…

– Món ăn chiên xào chứa nhiều dầu mỡ, món nướng tẩm ướp qua nhiều gia vị;

– Các loại đồ ăn chế biến sẵn có chứa các chất bảo quản;

– Các loại thức ăn có xương/sụn như xương băm nhỏ, sụn còng, tôm cua, cổ cánh,  đầu cá, chân gà vịt,…

Đau thượng vị nên tránh ăn đồ ăn nhanh

Người đau thượng vị nên tránh ăn các thực phẩm chế biến sẵn và đồ ăn nhanh.

3.2. Đau thượng vị dạ dày không nên ăn gì? – Thực phẩm gây tăng acid dạ dày

Ở nhóm này điển hình nhất là các loại trái cây chua như cam, chanh, bưởi, quýt, xoài, khế… và các thực phẩm có vị chua như dấm, mẻ,…

3.3. Thực phẩm dễ sinh hơi, chướng bụng

Ăn những thực phẩm sinh hơi, gây chướng bụng sẽ làm tình trạng trào ngược dạ dày thực quản thêm nghiêm trọng hơn. Đây cũng là lý do khiến các cơn đau dạ dày vùng thượng vị trở nên nặng hơn.

Những thực phẩm ở nhóm này bao gồm giá đỗ, dưa cà muối, hẹ, hành, cần tây,… và tránh các loại nước ngọt có ga, nước trái cây có ga,….

Như vậy, bạn cần quan tâm tới việc đau thượng vị dạ dày nên ăn gì và cần hạn chế gì để xây dựng một chế độ ăn hợp lý và khoa học. Bên cạnh đó, mỗi người bệnh cũng cần chủ động thăm khám định kỳ hoặc thăm khám khi có dấu hiệu bất thường để chăm sóc tốt nhất sức khỏe đường tiêu hóa.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital