Đau thượng vị dạ dày: Nhận biết đặc điểm, cảnh báo về bệnh tiêu hóa

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Đau thượng vị dạ dày là triệu chứng phổ biến hàng đầu cảnh báo về những bất thường diễn ra tại hệ tiêu hóa. Nhận biết đúng các đặc điểm của cơn đau cùng những cảnh báo bệnh tiêu hóa là những thông tin quan trọng được đề cập tới ở bài viết sau đây.

1. Đặc điểm đau thượng vị dạ dày

1.1. Vị trí đau thượng vị dạ dày

Thượng vị là vùng bụng có ranh giới bắt đầu từ rốn trở lên đến phía dưới phần xương ức. Đau thượng vị với nhiều mức độ khác nhau từ đau âm ỉ kéo dài, đau lẩm nhẩm, đau quặn cho đến đau dữ dội tùy vào tình trạng cụ thể của người bệnh. Thông thường, cơn đau thượng vị sẽ xuất hiện ở các khu vực:

– Từ thượng vị rồi lan ra phía sau lưng.

– Đau ở vùng thượng vị phía bên phải.

– Đau ở vùng thượng vị phía bên trái.

Bởi nguyên nhân của cơn đau bụng thượng vị dạ dày rất đa dạng, khó xác định chính xác và dễ nhầm lẫn với những triệu chứng bệnh lý khác nhau nên tốt nhất người bệnh cần thăm khám để được hướng dẫn xử lý đúng cách.

Vị trí cơn đau thượng vị dạ dày

Thượng vị nằm ở vị trí trên rốn đến phía dưới phần xương ức.

1.2. Biểu hiện của cơn đau thượng vị

Biểu hiện của cơn đau thượng vị nghi ngờ bệnh lý tiêu hóa thông qua các triệu chứng, đặc điểm và tính chất cơn đau như sau:

– Cơn đau có thể mang tính chất cấp tính, xuất hiện đột ngột.

– Đau bụng âm ỉ, có thể kéo dài nhiều giờ.

– Cơn đau bụng sẽ tăng dần về tần suất cùng mức độ đau theo tiến triển nặng dần của bệnh. Cụ thể, khi bệnh nặng hơn, cơn đau thường rất dữ dội, có nhiều trường hợp người bệnh đau đến mức vã mồ hôi, tụt huyết áp và phải nhập viện khẩn cấp (triệu chứng cảnh báo biến chứng nguy hiểm).

Đau dạ dày đi kèm với cảm giác nóng rát tại vùng thượng vị: Tình trạng này xảy ra rất thường xuyên nhất là sau khi ăn quá no, ăn nhiều thức ăn cứng khó tiêu, sau khi uống cà phê hoặc ăn các món cay/chua,…

– Người bệnh bị đau từ thượng vị rồi lan dần lên ngực, có thể theo kèm cảm giác nóng rát.

– Đầy bụng, khó tiêu, cảm giác căng tức vùng thượng vị và có hơi bên trong bụng.

– Đau dạ dày kèm triệu chứng ợ hơi, ợ chua, nóng rát ở ngực và cổ họng.

– Ăn kém, chán ăn, thường bị buồn nôn hoặc bị nôn sau khi ăn.

1.3. Thời điểm xuất hiện cơn đau thượng vị dạ dày

Thông thường, cơn đau vùng thượng vị sẽ bắt đầu xuất hiện ở 3 thời điểm chính như sau:

– Đau về buổi đêm và rạng sáng: Cơn đau thượng vị về đêm thường có chu kỳ lặp lại trong khoảng thời gian 1 – 2 giờ sáng. Nguyên nhân đau về đêm chủ yếu là do sự tăng dịch acid dạ dày khi cơ quan này bị trống do đã tiêu hóa hết thức ăn..

– Đau khi đói: Tương tự như trường hợp đau bụng về đêm, nguyên nhân đau khi đói là do dạ dày rỗng, dịch acid dạ dày tăng tiết sẽ gây đau. Chính vì vậy, người bệnh cần ăn theo nhiều bữa trong ngày để đảm bảo dạ dày không bị rỗng.

– Đau sau ăn: Nguyên nhân đau sau ăn đến từ việc dạ dày có các ổ viêm loét. Thức ăn đi vào sẽ ma sát và tác động đến vùng bị viêm loét và gây ra đau thượng vị sau ăn.

Thời điểm xuất hiện cơn đau thượng vị

Đau thượng vị thường xuất hiện về đêm hoặc gần sáng khiến người bệnh mất ngủ, ngủ chập chờn.

2. Đau bụng thượng vị dạ dày cảnh báo về các bệnh lý tiêu hóa nào?

Đau bụng thượng vị khi đi kèm các triệu chứng tiêu hóa khác thì khả năng cao đây chính là dấu hiệu cảnh báo về cách bệnh lý sau:

2.1. Trào ngược dạ dày thực quản

Bệnh xảy ra khi dịch axit trong dạ dày thường xuyên bị chảy ngược vào ống thực quản và làm cho lớp niêm mạc thực quản bị kích ứng và gây ra các triệu chứng khó chịu trong đó có đau bụng thượng vị.

Cơn đau dạ dày ở trường hợp này thường có xu hướng lan ra cánh tay, lan ra sau lưng hoặc đến ngực nên nhiều người nhầm lẫn với các bệnh lý về tim và phổi. Người già là nhóm đối tượng dễ bị mắc bệnh lý này nhất.

2.2.  Viêm dạ dày mạn tính

Tình trạng viêm nhiễm mạn tính ở dạ dày gây ra chủ yếu đến từ các nguyên nhân sau: nhiễm vi khuẩn HP; do người bệnh lạm dụng thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm liên tục; do căng thẳng hoặc stress kéo dài; do chế độ ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học, hút thuốc, uống rượu bia,…

Đau thượng vị ở người bệnh viêm dạ dày mạn tính thường xuất hiện vào buổi đêm hoặc khi bị đói. Cơn đau dạ dày có thể âm ỉ, kéo dài, hoặc đau dữ dội cùng cảm giác nóng rát,… Đôi khi còn kèm theo các triệu chứng khác như ợ hơi, buồn nôn, đại tiện phân đen, nôn ra máu,…

2.3. Loét dạ dày

Các ổ loét dạ dày ở giai đoạn đầu cấp tính có thể tự lành lại nhưng nếu bỏ qua việc điều trị, bệnh sẽ diễn biến trở nặng qua giai đoạn mạn tính. Cơn đau thượng vị do loét dạ dày cũng  thường diễn ra về buổi đêm hoặc khi đói kèm theo các triệu chứng nóng rát, ợ chua, ợ hơi, buồn nôn hoặc nôn,…

Đau thượng vị cảnh báo về viêm loét dạ dày

Viêm loét dạ dày là bệnh lý tiêu hóa phổ biến với triệu chứng điển hình là đau bụng vùng thượng vị.

2.4. Thủng dạ dày

Thủng dạ dày là biến chứng nguy hiểm của viêm loét dạ dày trong thời gian dài. Cơn đau thượng vị nghi ngờ thủng dạ dày có tính chất liên tục, đột ngột xuất hiện, đau có xu hướng tăng dần không dừng lại và làm căng cơ bụng, đau dạ dày dữ dội như có dao đâm vào bụng. Lúc này, người bệnh cần được cấp cứu khẩn cấp nếu không sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng.

2.5. Xuất huyết dạ dày

Xuất huyết tiêu hóa cũng là biến chứng nghiêm trọng của viêm loét dạ dày trong thời gian dài. Cơn đau thượng vị nghi ngờ xuất huyết tiêu hóa ở những mức độ nặng nhẹ khác nhau tùy vào tình trạng xuất huyết. Ngoài ra, biểu hiện dễ nhận biết hơn là tình trạng tiêu phân đen, nôn ra máu ở người bệnh.

2.6. Các bệnh lý gan – mật

Các bệnh lý liên quan về gan – mật cũng là nguyên nhân gây ra cơn đau vùng bụng thượng vị trên rốn. Cụ thể:

–  Cơn đau quặn mật: Xuất hiện ở vùng hạ sườn phải hoặc thượng vị, đau lan lên vai hoặc xuyên ra sau lưng, còn có thể kèm triệu chứng nôn.

– Viêm túi mật cấp: Gây đau thượng vị kèm triệu chứng sốt, vàng da…

– Áp-xe gan: Đau chủ yếu ở dưới sườn bên phải, nếu ổ áp-xe to cấp tính thì cơn đau có thể lan rộng ra cả thượng vị hoặc đau khắp bụng. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp thêm một số triệu chứng như: sốt cao, rét run, ấn kẽ sườn đau, gan sưng to, có thể nhiễm khuẩn huyết, bị sốc nhiễm khuẩn.

Bên cạnh các bệnh lý phổ biến kể trên, cơn đau thượng vị dạ dày còn cảnh báo về các bệnh tiêu hóa khác như: Nhiễm trùng, nhiễm độc tiêu hóa; Ngộ độc thực phẩm; Viêm tụy; Viêm ruột thừa,…

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital