Thai trứng là một tình trạng gây nguy hiểm cho các chị em phụ nữ đặc trưng bởi sự phát triển bất thường của gai rau. Đa phần các trường hợp thai trứng là lành tính nhưng vẫn có thể dẫn đến các biến chứng nếu không được điều trị và phát hiện kịp thời. Vậy việc nhận biết các dấu hiệu thai trứng là điều vô cùng cần thiết để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm về sau.
Menu xem nhanh:
1. Thai trứng là thế nào?
Trong trường hợp bình thường sau khi quan hệ tình dục, tinh trùng kết hợp với noãn sẽ tạo thành trứng dần dần phát triển thành thai nhi kèm các bộ phận phụ khác như nhau thai, túi ối. Tuy nhiên, nếu tế bào nuôi nhau phát triển quá mạnh làm các mạch máu rốn ở rau thai không kịp đáp ứng và phát triển. Từ đó xảy ra tình trạng gai nhau bị thoái hóa thành các túi dính chùm nhau bên trong chứa đầy dịch. Các túi nhau này chiếm diện tích lớn trong tử cung đồng thời lấn át cả bào thai.
Đây được gọi là tình trạng thai trứng với tỉ lệ mắc phải ở phụ nữ mang thai khoảng 0.5%. Trong đó, dựa vào mức độ rau thai thoái hóa người ta chia thai trứng làm hai loại là thai trứng toàn phần và thai trứng bán phần. Đối với thai trứng toàn phần là khi trứng phát triển thành một khối hoàn toàn không có phôi thai, còn thai trứng bán phần khi có phôi thai bất thường.
2. Yếu tố nguy cơ mắc phải thai trứng
Hiện nay chưa có tài liệu khoa học nào đề cập rõ đến nguyên nhân gây ra thai trứng, tuy nhiên các yếu tố sau góp phần làm tăng nguy cơ mắc thai trứng:
– Bất thường trong bộ nhiễm sắc thể từ quá trình thụ tinh: Lúc này thai sẽ nhận được gấp đôi bộ nhiễm sắc thể của người bố trong khi đó sẽ không nhận được các nhiễm sắc thể của người mẹ. Theo thống kê có tới 90% do sai sót di truyền xuất phát từ người bố và 10% là từ người mẹ.
– Tuổi mang thai: Phụ nữ mang thai quá sớm dưới 18 tuổi hoặc quá muộn trên 40 tuổi đều có khả năng dễ mắc thai trứng hơn.
– Tiền sử đã từng bị thai trứng thì khả năng mắc thai trứng sẽ cao hơn so với người bình thường.
– Suy dinh dưỡng: Việc thiếu các chất dinh dưỡng thiết yếu như vitamin A, acid folic, đạm cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc phải thai trứng.
3. Các dấu hiệu thai trứng đặc trưng
3.1. Dấu hiệu thai trứng cơ năng
– Bị rong huyết âm đạo: Sau khi trễ kinh vài tuần, âm đạo chảy máu kéo dài trong nhiều ngày với màu đỏ sậm hoặc đỏ tươi. Đây là dấu hiệu quan trọng và xảy phổ biến ở hầu hết các phụ nữ mắc thai trứng.
– Ốm nghén nặng: Thai phụ sẽ có cảm giác ốm nghén nặng hơn so với người mang thai bình thường bao gồm các biểu hiện như nôn ói nhiều, hay chóng mặt, ngất xỉu.
– Vùng bụng dưới thường xuyên bị đau âm ỉ, khó chịu.
3.2. Dấu hiệu thai trứng thực thể
– Cơ thể thiếu máu, mệt mỏi, da xanh xao, tái nhợt, thiếu sức sống.
– Siêu âm không nghe được tim thai, không thấy phôi thai.
– Phần lớn tử cung có kích thước lớn hơn so với tuổi thai, cổ tử cung mềm.
– Cạnh tử cung có nang hoàng tuyến thường xuất hiện ở hai bên.
– Âm đạo mềm, có nhân di căn, dễ bị vỡ nhân gây chảy máu.
– Trường hợp nặng có thể bị cường giáp (biểu hiện nhịp tim nhanh, hồi hộp, tuyến giáp to) và tiền sản giật (triệu chứng huyết áp tăng cao, phù, protein niệu).
4. Thai trứng để lại biến chứng gì?
Phần lớn các trường hợp thai trứng lành tính, tuy nhiên nếu bạn chủ quan không phát hiện sớm và điều trị kịp thời dễ gây ra các biến chứng nghiêm trọng như sau:
– Băng huyết: Khi bị thai trứng dễ chảy máu âm đạo gây mất máu, nặng hơn có thể bị sẩy thai trứng dẫn tới băng huyết.
– Thủng tử cung: Thai trứng phát triển ngày càng lớn có thể gây xâm lấn, dần dần ăn sâu vào lớp cơ tử cung làm thủng tử cung.
– Ung thư tế bào nuôi: Đây là một biến chứng ác tính gây di căn toàn thân qua đường máu đến các bộ phận khác với tỉ lệ tử vong cao.
5. Khi có các dấu hiệu thai trứng cần làm gì?
– Nếu bạn có bất kỳ các biểu hiện thai trứng kể trên thì nên đến các bệnh viện, phòng khám uy tín để chẩn đoán chính xác tình trạng của mình thông qua việc làm các xét nghiệm và kĩ thuật hình ảnh như siêu âm ổ bụng, xét nghiệm HCG…
– Sau khi thai phụ đã được chẩn đoán là bị thai trứng, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp tùy vào tình trạng sức khỏe, nhu cầu của bệnh nhân. Đối với người vẫn còn muốn có con, bác sĩ sẽ tiến hành nạo hút thai trứng đồng thời cầm máu bằng dung dịch dịch đẳng trương pha oxytoxin kết hợp dùng kháng sinh để phòng nhiễm trùng. Trong trường hợp bạn không còn muốn mang thai thì cách tốt nhất là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tử cung sau khi nạo hút thai trứng để phòng biến chứng thai trứng phát triển thành ung thư tế bào nuôi.
– Sau khi điều trị thai trứng, bệnh nhân cần theo dõi kiểm tra chặt chẽ trình trạng sức khỏe của mình và thường xuyên thăm khám định kỳ. Tốt nhất sau khoảng 14 ngày nạo hút thai trứng thai phụ nên đến bệnh viện để định lượng HCG. Đây là xét nghiệm cần được lặp lại khoảng 14 ngày/lần sau đó là 6 tháng/ lần trong vòng một năm kể từ lần xét nghiệm đầu tiên sau khi điều trị.
– Nếu bạn muốn mang thai trở lại phải chờ ít nhất một năm sau khi điều trị thai trứng để nồng độ HCG trở lại bình thường tránh các biến chứng quay trở lại. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé, bạn nên thường xuyên khám thai định kỳ và tuân theo các chỉ dẫn của bác sĩ.
– Xây dựng một lối sống lành mạnh, ăn uống cân bằng đầy đủ và tập luyện phù hợp để tăng sức đề kháng miễn dịch phòng nguy cơ mắc phải thai trứng.
Như đã chia sẻ ở trên, thai trứng khá nguy hiểm và nhiều nguy cơ biến chứng nên mỗi chị em cần có những hiểu biết nhất định về căn bệnh này, đồng thời nắm rõ các dấu hiệu thai trứng để có biện pháp phòng tránh sớm.