Sỏi tiết niệu là bệnh lý chiếm tỷ lệ phổ biến nhất (từ 40 – 60%) tổng bệnh lý về đường tiết niệu, tuy nhiên không phải ai cũng có đủ hiểu và nhận biết rõ ràng về các dấu hiệu sỏi tiết niệu để kịp thời phát hiện bệnh và phục vụ việc điều trị. Bài viết sau đây sẽ cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến loại bệnh lý thường gặp này.
Menu xem nhanh:
1. Sỏi tiết niệu và nguyên nhân hình thành sỏi
1.1. Sỏi tiết niệu là gì?
Hệ tiết niệu ở người bao gồm các bộ phận sau: Thận trái, thận phải, 2 bên niệu quản, niệu đạo và bàng quang. Bất cứ một bộ phận nào kể trên có sự xuất hiện của sỏi được gọi chung là sỏi tiết niệu.
Sỏi thường gặp nhất là sỏi thận, sau đó theo đường nước tiểu sỏi di chuyển xuống tới các bộ phận khác hình thành sỏi niệu quản, sỏi niệu đạo.
1.2. Nguyên nhân hình thành sỏi
Bản chất của sự hình thành sỏi đường tiết niệu là do sự kết tinh của một số loại khoáng chất có trong nước tiểu, lâu ngày tích tụ dần từ các nhân nhỏ hình thành sỏi lớn. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới sỏi, khi gặp điều kiện thuận lợi giúp sỏi bắt đầu hình thành và phát triển, có thể kể đến như sau:
Tác dụng phụ của thuốc
Một số người bệnh sử dụng các loại thực phẩm chức năng chứa canxi, khi lượng canxi đưa vào quá nhiều, cơ thể không thể hấp thụ hết sẽ hình thành cơ chế đào thải qua thận. Lượng canxi này sẽ góp phần hình thành nên sỏi tiết niệu, điển hình nhất là sỏi canxi oxalat.
Ngoài ra thói quen lạm dụng viên C sủi (có chứa nhiều vitamin C) khi cảm thấy mệt mỏi cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy quá trình hình thành sỏi thận vì vitamin C sẽ làm tăng quá trình hấp thụ canxi từ ruột vào máu.
Thói quen sinh hoạt
Một số thói quen không tốt như cố gắng nhịn tiểu qua đêm, uống không đủ nước mỗi ngày, hãy chế độ ăn uống không lành mạnh, lười vận động cũng là nguyên nhân giúp cho quá trình tạo sỏi diễn ra nhanh hơn.
2. Nhận biết sớm dấu hiệu sỏi tiết niệu
Sỏi tiết niệu dẫn đến nhiều hậu quả sức khỏe vô cùng nặng nề, chính vì vậy việc nhận biết sớm các dấu hiệu sỏi tiết niệu là vô cùng quan trọng. Khi gặp một số dấu hiệu dưới đây, người bệnh nên thăm khám chuyên khoa tiết niệu để được chẩn đoán bệnh chính xác và điều trị kịp thời.
2.1. Đau tức vùng thắt lưng
Khi gặp phải tình trạng đau tức vùng thắt lưng với cường độ từ từ, tăng dần và lan dần xuống vùng bẹn và bộ phận sinh dục, người bệnh cần phải đi gặp bác sĩ chuyên khoa ngay. Triệu chứng này gợi ý tình trạng ứ nước đường niệu dẫn đến tăng áp lực lên thận và đây chính là nguyên nhân khởi phát các cơn đau vùng thắt lưng.
2.2. Tiểu rắt, tiểu khó hay tiểu ra máu
Do khi có sỏi và sự di chuyển của sỏi trong đường niệu sẽ kích thích cảm giác buồn tiểu của người bệnh, mặc dù đã đi tiểu trước đó nhưng vẫn buồn tiểu. Ngoài ra, trong quá trình di chuyển theo đường tiểu, sỏi có thể gây cọ xát và làm tổn thương vùng niệu quản dẫn tới chảy máu, điều này giải thích lý do vì sao nước tiểu người bệnh có màu đỏ.
2.3. Cương dương vật gây đau
Khi có sỏi, theo đường nước tiểu, sỏi sẽ di chuyển xuống niệu đạo kết hợp với tình trạng cương cứng sẽ làm giảm thiết diện niệu đạo khiến sỏi cọ xát vào thành niêm mạc niệu đạo và gây đau dương vật.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu hình thành sỏi, các triệu chứng kể trên sẽ không thể hiện rõ ràng ra bên ngoài và chỉ khi thăm khám sức khỏe mới có thể phát hiện ra sỏi.
3. Khám sàng lọc chẩn đoán sỏi tiết niệu
Bác sĩ sẽ xem xét các dấu hiệu sỏi tiết niệu để định hướng và đưa ra những phán đoán ban đầu. Tuy nhiên để có kết quả chính xác nhất, người bệnh cần thăm khám trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa và thực hiện khám sàng lọc bao gồm xét nghiệm nước tiểu, siêu âm đường niệu, chụp X quang,…
3.1. Xét nghiệm nước tiểu
– Xét nghiệm nước tiểu có thể giúp phát hiện được các thành phần có trong nước tiểu như bạch cầu, hồng cầu sẽ gợi ý cho sự hiện diện của các loại vi khuẩn hay nếu số lượng hồng cầu lớn hơn bình thường cũng là một trong những nguyên nhân do sỏi gây nên.
– Soi cặn lắng nước tiểu có thể phát hiện các tinh thể rắn như oxalat, photphat, canxi có trong nước tiểu.
– Cấy nước tiểu: Việc cấy nước tiểu sẽ cho biết chính xác tình trạng nhiễm khuẩn của đường tiết niệu giúp đưa ra phác đồ điều trị sỏi phù hợp nhất.
3.2. Siêu âm đường niệu
Siêu âm là một biện pháp phổ biến, an toàn, chi phí hợp lý. Siêu âm không những đánh giá được sự xuất hiện của sỏi tiết niệu thông qua hình ảnh trực quan mà còn có thể đánh giá mức độ giãn của đài và bể thận, thông qua đó để có được những biện pháp can thiệp kịp thời.
3.3. Chụp X quang
X-Quang là một trong những biện pháp chẩn đoán có giá trị cao và độ nhạy chính xác trong việc phát hiện sỏi tiết niệu. X quang sẽ cho biết hầu hết các vấn đề liên quan tới sỏi từ vị trí, số lượng, hình dạng, kích thước,…
Ngoài ra, một số kỹ thuật chụp X-Quang hiện đại như chụp X-Quang kết hợp thuốc cản quang thông qua đường tĩnh mạch hay chụp thận ngược dòng còn đánh giá được chức năng bài tiết của 2 quả thận hay mức độ giãn nở của đài và bể thận… nhờ đó giúp bác sĩ đưa ra những phương án điều trị hợp lý và hiệu quả cho từng trường hợp bệnh.
Việc hiểu rõ và nhận biết sớm các dấu hiệu sỏi tiết niệu là vô cùng quan trọng, đây chính là cơ sở đầu tiên giúp phát hiện và điều trị sỏi hiệu. Người bệnh cần chủ động thăm khám định kỳ với bác sĩ chuyên khoa tiết niệu để kiểm tra và đánh giá tình trạng sỏi một cách tốt nhất, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm và có phương án đối phó kịp thời.