Dấu hiệu nhồi máu cơ tim trên ECG là gì?

Tham vấn bác sĩ
Đại tá, PGS.TS, BSCK II, Thầy thuốc nhân dân

Nguyễn Văn Quýnh

Bác sĩ Nội Khoa

Trong các phương pháp chẩn đoán nhồi máu cơ tim, điện tâm đồ (ECG) là một kỹ thuật phổ biến, có vai trò quan trọng trong việc phân biệt các loại nhồi máu cơ tim cũng như mức độ của bệnh. Nhờ đó, các bác sĩ có thể đưa ra phương pháp cấp cứu phù hợp. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu được ý nghĩa của điện tâm đồ trong chẩn đoán bệnh này và các dấu hiệu nhồi máu cơ tim trên ECG đáng lưu tâm. 

1. Giá trị của phương pháp điện tâm đồ trong nhồi máu cơ tim

1.1 Điện tâm đồ là gì, giá trị trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim

Điện tâm đồ (ECG) là hình ảnh dưới dạng đồ thị ghi lại hoạt động điện học của tim, cụ thể là những xung điện do tế bào cơ tim phát ra, tiếp nhận qua các điện cực ngoài da. Trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim, sự tổn thương hoặc hoại tử cơ tim do thiếu máu và dưỡng khí có thể khiến khả năng dẫn truyền điện của cơ tim thay đổi. 

Sự thay đổi này được ghi nhận trên điện tâm đồ, có vai trò chính là phân biệt giai đoạn gồm tối cấp, cấp hay đã ổn định của nhồi máu, xác định loại nhồi máu cơ tim.

Điện tâm đồ là một kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng quan trọng trong điều trị nhồi máu cơ tim.

Điện tâm đồ là một kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng quan trọng trong điều trị nhồi máu cơ tim.

1.2 Dấu hiệu nhồi máu cơ tim trên ECG

– Sự thay đổi sóng T: sự thay đổi của sóng T biểu hiện tình trạng thiếu máu

– Sự chênh lên của đoạn ST: sự thay đổi của đoạn ST bắt đầu chênh lên là dấu hiệu cơ tim bị tổn thương

– Sự thay đổi sóng Q: khi sóng này xuất hiện có thể kết luận rằng đã có sự hoại tử cơ tim. Thực tế trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim, cần phân biệt nhồi máu cơ tim có sóng Q và không có Q vì mỗi trường hợp có giá trị tiên lượng khác nhau. 

– V3R và V4R: thường là chỉ số khảo sát thêm khi có nhồi máu cơ tim thành dưới kèm nhồi máu cơ tim thất phải.

2. Nhồi máu cơ tim thể hiện trên hình ảnh điện tâm đồ như thế nào?

2.1 Các giai đoạn của ECG nhồi máu cơ tim

– Giai đoạn cấp: Trong 1, 2 ngày đầu, sóng có dạng cong vòm, xuất hiện Q bệnh lý, QT dài ra.

– Giai đoạn bán cấp: Có thể gặp từ vài ngày đến vài tuần sau nhồi máu cơ tim. Lúc này, ST chênh lên thấp hơn, T âm sâu, nhọn, đối xứng. Q bệnh lý rõ rệt, QT dài ra.  Có thể kèm theo rối loạn nhịp tim hay block nhĩ – thất, nhất là ở loại nhồi máu vách liên thất.

– Giai đoạn mạn tính: Tồn tại từ vài tháng đến vài năm. ST đã đồng điện, T có thể dương hay âm, Q bệnh lý thường tồn tại vĩnh viễn.

2.2 Chẩn đoán phân biệt nhồi máu cơ tim ST chênh lên và không chênh lên

– Nhồi máu cơ tim trên ECG không có ST chênh lên

Đau ngực kèm theo: đoạn ST chênh xuống, T âm nhọn, đảo chiều, ST chênh lên thoáng qua. Tuy nhiên, có tới 20% bệnh nhân không có sự thay đổi tức thì trên điện tâm đồ, do đó phải đo điện tâm đồ nhiều lần.

– Nhồi máu cơ tim ST chênh lên

Hình ảnh đặc trưng trên điện tâm đồ là đoạn ST chênh lên do động mạch vành bị tắc cấp hoàn toàn. Phần lớn các trường hợp này sẽ tiến triển thành nhồi máu có sóng Q. 

Sự chuyển đạo ST chênh lên và sóng Q giúp xác định vùng nhồi máu cơ tim. Cùng với đó, ST chênh xuống ở các chuyển đạo xuyên tâm đối của vùng nhồi máu.

2.3 Xác định vị trí vùng nhồi máu cơ tim trên ECG

Nhồi máu có thể xuất hiện ở nhiều vùng khác nhau trên thất trái. Mỗi dạng có đặc điểm khác nhau trên ECG. Tùy theo vùng bị tổn thương, người ta phân thành các loại chính:

– Nhồi máu trước vách

Đây là tình trạng cơ tim bị ở thành trước thất trái và phần trước vách liên thất bị tổn thương hoặc hoại tử. Hình ảnh trực tiếp trên điện tâm đồ gồm: ST chênh lên, T âm ở chuyển đạo V2, V3, V4.

Nếu vùng thiếu máu ăn lan sang thành bên trái của thất trái thì có thể thấy T thấp hay âm ở V5, V6, aVL, D1 (T1>T3)

– Nhồi máu thành trước – bên

Vùng nhồi máu cơ tim ở ngoài thành trước và thành bên của thất trái sẽ cho hình ảnh trên điện tâm đồ như sau: Q sâu rộng, ST chênh lên, T âm sâu ở V5, V6, D1, aVL; chuyển đạo ở vùng đối xuyên tâm có ST chênh xuống, T dương rất cao ở D3 hoặc aVF.

– Nhồi máu sau – dưới

Đây là loại nhồi máu thường gặp ở thành sau và dưới của thất trái.

Hình ảnh trực trên điện tâm đồ là: Q sâu, rộng, ST chênh lên, T âm sâu ở D3, aVF, có khi cả D2. Chuyển đạo đối vùng xuyên tâm đối có T dương cao, nhọn, đối xứng, ST chênh xuống ở V1, V2, V3, V4.

Hình ảnh nhồi máu cơ tim trên ECG thành trước .

Hình ảnh nhồi máu cơ tim thành trước trên ECG.

– Nhồi máu cơ tim dưới nội tâm mạc, thất trái

Chủ yếu xảy ra ở thành trước – bên. Trên điện tâm đồ thấy ST chênh xuống, đôi khi T biến dạng ở V5, V6, D1, aVL. Một số trường hợp nhồi máu thành sau dưới sẽ thấy ST chênh xuống ở D3, D2, aVF.

– Nhồi máu có thêm block nhánh

Các trường hợp nhồi máu cơ tim do thiểu năng vành có thể làm một nhánh bó His bị kém nuôi dưỡng, gây block nhánh. Các dấu hiệu của nhồi máu cơ tim block nhánh sẽ phối hợp với các dấu hiệu cơ bản của nhồi máu.

3. Các phương pháp chẩn đoán khác

Bên cạnh điện tâm đồ, một số phương pháp khác có thể được tiến hành nhằm chẩn đoán nhồi máu cơ tim bao gồm:

– Xét nghiệm men sinh học: Hiện tượng nhồi máu cơ tim khiến các màng tế bào của cơ tim bị rạn nứt khiến các chất bên trong bị phóng thích, di chuyển vào máu. Nồng độ của một số loại men tim cơ tim, điển hình là troponin-I hay troponin-T có thể phản ảnh tình trạng hoại tử của cơ tim.

– Chụp CT động mạch vành: Phương pháp chẩn đoán hình ảnh này giúp xác định được mạch nào bị nghẽn, có ý nghĩa lớn trong việc quyết định phương thức điều trị nhồi máu cơ tim. Phương pháp thường được tiến hành khi bệnh nhân bị đau ngực trên 20 phút, điện tâm đồ hoặc men tim thay đổi thất thường.

Siêu âm tim: Có giá trị cao trong chẩn đoán phân biệt nhồi máu cơ tim không Q hay nhồi máu có block nhánh. Kết quả thường cho thấy hình ảnh của rối loạn hệ vận động vùng liên quan đến điểm nhồi máu cơ tim.

Ngoài điện tâm đồ, các phương pháp khác có thể được chỉ định để chẩn đoán nhồi máu cơ tim một cách toàn diện.

Ngoài điện tâm đồ, các phương pháp khác có thể được chỉ định để chẩn đoán nhồi máu cơ tim một cách toàn diện.

Tùy từng trường hợp bệnh nhân mà các phương pháp này được chỉ định một cách phù hợp, nhằm đưa ra những kết luận chính xác và phương pháp điều trị tối ưu.

Hi vọng qua bài viết trên đây bạn đã biết cách nhận diện các dấu hiệu nhồi máu cơ tim trên ECG. Thường xuyên đi khám để theo dõi các chỉ số trên điện tâm đồ là cách kiểm soát và phát hiện sớm bệnh nhồi máu cơ tim hiệu quả.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital