Nhồi máu cơ tim: Nguyên nhân và dấu hiệu cảnh báo

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CK II, Thầy thuốc ưu tú

Nguyễn Văn Khuê

Bác sĩ Nội Khoa

Nhồi máu cơ tim là biến cố tim mạch rất nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng, thậm chí tử vong cho người bệnh nếu không được cấp cứu kịp thời. Cùng tìm hiểu nguyên nhân và các dấu hiệu cảnh báo để nhận diện kịp thời biến cố này, ngăn nguy cơ tử vong sát sườn. 

1. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim là biến cố xảy ra khi các nhánh động mạch vành (mạch máu chịu trách nhiệm cung cấp máu cho cơ tim) bị tắc nghẽn đột ngột. Lúc này cơ tim không nhận đủ máu, có thể dẫn đến hoại tử. Đây là biến cố nguy hiểm nhất trong các bệnh lý tim mạch. Bởi khi 1 vùng cơ tim chết đi do thiếu máu sẽ gây ảnh hưởng đến sức co bóp của tim, khiến chức năng bơm máu của tim suy giảm. Nhiều trường hợp dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như suy tim, tử vong,…

Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra biến cố này là do sự hình thành và phát triển của các mảng xơ vữa động mạch. Thành phần của các mảng xơ vữa thường bao gồm cholesterol, canxi và các mảnh vỡ tế bào. Các mảng bám hình thành ở thành mạch máu, phát triển lớn dần theo thời gian làm thu hẹp diện tích mạch máu, khiến máu khó lưu thông, cuối cùng là thiếu hụt máu ở cơ tim.

Nhồi máu cơ tim là bệnh gì?

Nếu bị thiếu máu nuôi dưỡng, cơ tim có thể bị hoại tử, gây nhồi máu cấp tính.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành xơ vữa động mạch và dẫn đến cơ tim hoại tử gồm:

1.1 Các bệnh lý

– Rối loạn mỡ máu

Trong máu của mỗi người thường tồn tại 3 loại chất béo, trong đó có cholesterol tốt, cholesterol xấu và chất béo trung tính. Nếu tỷ lệ và hàm lượng các chất béo này ở mức bình thường, hệ tim mạch và sức khỏe đều tốt. Tuy nhiên nếu chất béo xấu tăng lên, nguy cơ tích tụ chất béo và hình thành các mảng bám cũng tăng lên. Khi các mảng bám phát triển đến một kích thước nhất định có thể gây tắc nghẽn mạch máu, dẫn tới thiếu máu cơ tim. Nhiều trường hợp trường hợp khác, các mảng bám có thể nứt vỡ ra, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn mạch máu cục bộ.

Vì vậy, rối loạn mỡ máu là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn tới thiếu máu và hoại tử cơ tim. Nguyên nhân chính làm tăng cholesterol trong máu, đặc biệt cholesterol xấu là do chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt thiếu lành mạnh.

– Tăng huyết áp

Huyết áp cao thường xuyên khiến động mạch phải chịu áp lực lớn hơn, nếu kéo dài chúng có thể bị giãn, yếu, dễ bị đứt và gây ra cơn nhồi máu cấp. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng gây bệnh nhồi máu cơ tim.

– Đái tháo đường

Những người bệnh đái tháo đường, gout cũng là đối tượng có nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp cao hơn người bình thường. Việc can thiệp cấp cứu và điều trị cho những bệnh nhân này cũng gặp nhiều khó khăn hơn.

1.2 Thói quen sinh hoạt, làm việc thiếu lành mạnh

Hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, chế độ dinh dưỡng kém lành mạnh, thừa cân, béo phì, lười vận động,… là những thói quen xấu làm tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu nuôi cơ tim. Bởi các thói quen này có thể gây làm tăng huyết áp, gây tổn thương lớp niêm mạc mạch máu, từ đó hình thành mảng bám và gây tắc nghẽn.

1.3 Các yếu tố không thể thay đổi

Một số yếu tố gây bệnh không thể thay đổi gồm: tuổi tác, giới tính, tiền sử gia đình hoặc bản thân mắc bệnh tim mạch,…

2. Các triệu chứng của bệnh

2.1 Triệu chứng cảnh báo nguy cơ

Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra đột ngột không có dấu hiệu báo trước nhưng nhiều trường hợp vẫn có các triệu chứng cảnh báo như:

– Đau tức ngực bên trái, cảm giác từ đè nặng hoặc nóng rát đến đau dữ dội như bị dao đâm hoặc siết chặt, thời gian đau có thể kéo dài hơn 20 phút.

– Có cảm giác lo âu, cảm giác hồi hộp

– Có thể khó thở

– Hoa mắt, chóng mặt

– Buồn nôn hoặc nôn mửa

– Tăng hoặc giảm huyết áp

– Tay và chân trở nên lạnh, ẩm

– Dễ bị kích thích, lo lắng hoặc hoảng sợ

– Mất ý thức

Ở một số trường hợp, người bệnh có thể không gặp phải tất cả các triệu chứng mô tả ở trên, chỉ cảm thấy mệt mỏi hoặc khó chịu vùng thượng vị.

Triệu chứng cảnh báo cơ tim nhồi máu

Đau thắt ngực là một dấu hiệu quan trọng cảnh báo bất thường ở cơ tim.

2.2 Triệu chứng trong trường hợp nhồi máu cấp

Đau thắt ngực là triệu chứng điển hình trong các trường hợp cơ tim nhồi máu cấp. Người bệnh có thể cảm thấy lồng ngực bị đau tức, đè nặng, cảm giác bị xoắn vặn bên trong, sau xương ức hoặc ngực bên trái. Tình trạng này xuất hiện cả khi người bệnh đang nghỉ ngơi và kéo dài hơn 15 phút. Đau có thể lan rộng ra phía sau lưng, cổ, cằm, vai hoặc cánh tay. Các triệu chứng đi kèm gồm: mệt mỏi, khó thở, mồ hôi, khó thở, hoảng loạn, ngất xỉu. Tình trạng đau không thuyên giảm cả sau khi dùng nitrate.

Một số trường hợp đặc biệt, người bệnh không hề trải qua cơn đau thắt ngực, thường ở người lớn tuổi, phụ nữ, người bệnh đái tháo đường. Thay vào đó, họ có thể bị khó thở, thay đổi tri giác, ngất hoặc hạ huyết áp.

3. Những biến chứng nguy hiểm

Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp biến chứng trong và sau cơn nhồi máu.

3.1 Biến chứng trong nhồi máu cơ tim cấp

Rối loạn nhịp tim: Tổn thương cơ tim do biến cố này có thể gây ảnh hưởng đến nhịp tim, khiến các tín hiệu điện di chuyển trong cơ tim bị rối loạn, gây ra rối loạn nhịp tim. Một số trường hợp có thể đe dọa tính mạng, gây đột tử tim.

– Sốc tim: Tình trạng cơ tim đột ngột mất khả năng bơm máu, thường xảy ra khi hơn 40% cơ tim bị tổn thương.

– Suy tim: Tổn thương các mô cơ tim sau nhồi máu có thể làm cho cơ tim không thể bơm máu hiệu quả, gây suy tim cấp hoặc suy tim mạn tính.

– Viêm màng ngoài tim: Phản ứng miễn dịch bất thường của cơ thể trong biến cố này có thể dẫn đến viêm tràn dịch màng ngoài tim (hội chứng Dressler).

– Ngừng tim: Tình trạng mà cơ tim đột ngột ngừng đập nhưng không có dấu hiệu báo trước.

Phòng ngừa cơ tim nhồi máu

Thăm khám tim mạch, kiểm soát các yếu tố nguy cơ như bệnh rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp là cách ngăn biến cố nguy hiểm này.

3.2 Biến chứng sau khi bị nhồi máu cơ tim

Các trường hợp không được cấp cứu đúng cách và can thiệp kịp thời, người bệnh có thể phải đối mặt với những biến chứng nghiêm trọng về sau như:

– Suy tim nặng hoặc sốc tim: Tình trạng cơ tim không còn khả năng bơm máu một cách hiệu quả, gây ra các triệu chứng khó thở, huyết áp thấp,… Người bệnh cần hỗ trợ bằng máy thở, thuốc vận mạch, hoặc sử dụng các dụng cụ hỗ trợ tim.

– Rối loạn nhịp tim: Sự tổn thương của cơ tim có thể gây ra rối loạn nhịp tim, dẫn đến tình trạng đột tử.

– Hở van 2 lá nặng: Khi dây chằng ở các lá van đứt, có thể gây hở van 2 lá nặng.

– Thủng cơ tim ở vách liên thất: Tình trạng cơ tim ở vách liên thất bị thủng, gây thông nối giữa thất trái và thất phải.

– Thủng vách tim ở thành tự do: Cơ tim ở thành tự do bị thủng, gây ra tràn máu vào màng tim hoặc vỡ tim.

Để ngăn ngừa biến cố này xảy ra và gây các biến chứng nguy hiểm, mỗi người cần kiểm tra tim mạch thường xuyên hoặc khi có các dấu hiệu bất thường.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital