Đau dạ dày uống thuốc gì? Những điều cần lưu ý?

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Đau dạ dày uống thuốc gì để giảm cơn đau nhanh chóng là thông tin được mọi người quan tâm. Bên cạnh việc sử dụng đúng loại thuốc, người bệnh đau dạ dày còn cần lưu ý thêm gì để đạt hiệu quả giảm đau tốt nhất?

1. Đau dạ dày khi nào cần uống thuốc?

Đau dạ dày là tình trạng phổ biến gặp phải ở mọi đối tượng với những mức độ đau khác nhau tùy thuộc vào từng tình trạng bệnh cụ thể. Cơn đau dạ dày gây ra những khó chịu cho người bệnh, đôi khi có thể kèm theo các triệu chứng như khó tiêu, trào ngược, ợ chua, ợ hơi, cảm giác buồn nôn hoặc nôn,…

Xử lý cơn đau dạ dày nhẹ ở giai đoạn khởi phát có thể thực hiện bằng cách điều chỉnh chế độ ăn lành mạnh, không ăn đồ chua cay nóng, không uống rượu bia và duy trì nếp sống lành mạnh. Trong trường hợp, cơn đau có phần dữ dội kèm theo các triệu chứng như đã nói, người bệnh cần chủ động thăm khám để được chỉ định dùng đúng loại thuốc giúp điều trị cơn đau dạ dày hiệu quả.

Đau dạ dày khi nào cần uống thuốc?

Thuốc giúp giảm nhanh cơn đau dạ dày và các triệu chứng tiêu hóa khó chịu khác nếu có.

2. Đau dạ dày uống thuốc gì?

Việc dùng thuốc chữa đau dạ dày cần được tuân thủ đúng đơn kê của bác sĩ. Thông thường, người bệnh đau dạ dày sẽ cần đến các nhóm thuốc sau đây:

2.1. Đau dạ dày uống thuốc gì? Uống loại thuốc kháng axit (antacids)

Nhóm thuốc kháng axit (antacids) có tác dụng trung hòa axit dạ dày để giảm chứng ợ nóng, khó tiêu, đau dạ dày do dư thừa axit gây ra. Một số loại thuốc kháng axit còn có chứa simethicon – một thành phần giúp cơ thể giảm bớt triệu chứng đầy hơi.

Sử dụng thuốc kháng axit cần tuân thủ đúng loại dùng, liều dùng theo chỉ định của bác sĩ. Trường hợp uống thuốc viên cần nhai thật kỹ trước khi nuốt sẽ cho hiệu quả giảm đau nhanh hơn. Tuyệt đối không được lạm dụng hay dùng quá liều thuốc kháng axit vì có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn bao gồm táo bón, tiêu chảy do bị rối loạn nhu động ruột và hoạt động co thắt dạ dày. Ngoài ra, không dùng thuốc kháng axit cho người bệnh bị thận mãn tính.

Đau dạ dày uống thuốc gì?

Thuốc kháng axit có tác dụng trung hòa axit dạ dày giúp giảm đau dạ dày hiệu quả.

2.2. Thuốc ức chế bơm proton (PPI)

Thuốc ức chế bơm proton (PPI) giúp ngăn ngừa chứng ợ nóng, bị đau dạ dày thường xuyên (khoảng trên 2 lần một tuần). Cơ chế hoạt động của thuốc PPI là ngăn chặn các vị trí sản xuất axit trong tế bào thành dạ dày.

Để đạt hiệu quả cao, người bệnh cần dùng thuốc ức chế bơm proton PPI mỗi ngày một lần khi bụng đói. Thông thường, người bệnh sẽ uống thuốc vào mỗi buổi sáng, khoảng 30-60 phút trước khi ăn sáng sẽ giúp  kiểm soát axit dạ dày trong ngày.

Các tác dụng phụ có thể gặp của thuốc ức chế bơm proton thường khá hiếm gặp như tiêu chảy, đau đầu, đau bụng, cảm giác buồn nôn và nôn ói. Ngoài ra, thuốc có thể làm tăng khả năng nhiễm trùng đường ruột hoặc phổi, tăng nguy cơ bị gãy xương ở đùi, cổ tay và cột sống. Nguy cơ xảy ra tác dụng phụ sẽ cao nhất ở những người dùng thuốc từ trên một năm trở lên.

2.3. Đau dạ dày uống thuốc gì? Uống thuốc ức chế thụ thể H2

Thuốc ức chế thụ thể H2 là nhóm thuốc có thể được sử dụng điều trị các tình trạng gây ra dư thừa axit dạ dày. Mặc dù chúng sẽ không có tác dụng nhanh như thuốc kháng axit nhưng tác dụng của thuốc tồn tại lâu hơn.

Thuốc ức chế thụ thể H2 sử dụng phổ biến nhất trong điều trị đau dạ dày do viêm dạ dày hoặc viêm loét dạ dày – tá tràng gây ra, giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh trào ngược dạ dày thực quản như ợ nóng, ợ chua, buồn nôn hoặc khó nuốt.

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng axit và thuốc ức chế thụ thể H2 cùng nhau với thời gian ngắn để đạt hiệu quả giảm nhanh cơn đau dạ dày. Người bệnh nên dùng thuốc trước bữa ăn đầu tiên trong ngày hoặc uống trước bữa ăn tối vì phải mất 30-90 phút để các thuốc này hoạt động. Sau đó, thuốc sẽ cho tác dụng kéo dài vài giờ, các triệu chứng có thể cải thiện trong 24 giờ sau khi dùng thuốc.

Các tác dụng phụ của thuốc ức chế thụ thể H2 thường là đau đầu, buồn nôn hoặc nôn mửa, táo bón, tiêu chảy,..

2.4. Uống thuốc kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn HP

Vi khuẩn HP là một trong những tác nhân hàng đầu gây ra bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng. Theo đó, việc điều trị giảm cơn đau dạ dày sẽ chỉ là điều trị triệu chứng, chỉ có triệt tiêu vi khuẩn HP mới có thể loại bỏ hoàn toàn bệnh viêm loét và dứt điểm cơn đau dạ dày.

Các thuốc kháng sinh dùng trong phác đồ tiêu diệt H.pylori thường được phối hợp nhiều nhóm để tăng hiệu quả điều trị. Bạn cần chắc chắn rằng thực hiện tuân thủ đúng loại được bác sĩ chỉ định, dùng đúng liều lượng và thời gian điều trị. Thông thường sẽ uống thuốc trong 2 tuần và có thể cần điều trị duy trì thêm 4-8 tuần với trường hợp bị viêm loét dạ dày HP).

Thuốc điều trị HP dạ dày

Vi khuẩn HP là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý ở dạ dày.

3. Những lưu ý trong việc sử dụng thuốc giảm đau dạ dày

Việc sử dụng đúng loại thuốc giảm đau dạ dày sẽ giúp người bệnh thuyên giảm các triệu chứng khó chịu, giảm trừ các cơn đau nhanh chóng. Tuy nhiên, như đã nói việc giảm đau không phải là mục đích cuối cùng mà cần đi sâu xử lý tận cùng căn nguyên bệnh. Chính vì thế, người bệnh cần trực tiếp thăm khám chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán chính xác về tính trạng bệnh và được chỉ định loại thuốc phù hợp.

Bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh đau dạ dày song song thực hiện chế độ ăn uống khoa học: ăn đủ chất, không ăn đồ khó tiêu hóa, không ăn đồ chua cay nóng, hạn chế tối đa rượu bia, cai thuốc lá,.. cùng thói quen sinh hoạt lành mạnh: nghỉ ngơi điều độ, không thức khuya, tránh căng thẳng kéo dài, tăng cường vận động thể chất và thăm khám sức khỏe định kỳ cũng rất quan trọng.

Như vậy, giải đáp cho câu hỏi đau dạ dày uống thuốc gì sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể khi người bệnh tiến hành thăm khám với bác sĩ. Tuyệt đối không chủ quan với bệnh hay tự ý mua thuốc điều trị ở bất kỳ trường hợp nào.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital