Bệnh lý polyp đại tràng sigma (đại tràng xích-ma) còn khá xa lạ với nhiều người. Trong khi đó, tỷ lệ người mắc bệnh hiện nay đang có xu hướng tăng nhanh. Hãy cùng tìm hiểu xem đại tràng xích-ma là bộ phận nào và mức độ nguy hiểm cũng như cách chẩn đoán, điều trị polyp tại cơ quan này.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về polyp đại tràng sigma
1.1. Hoạt động của đại tràng sigma
Đây là phần cuối cùng của ruột, gắn với trực tràng, có hình dạng giống chữ S trong ngôn ngữ Latin, dài khoảng 40cm. Đại tràng xích-ma chứa nhiều mô cơ, được sắp xếp theo hai cách. Một số bó cơ chạy lên và xuống dọc theo chiều dài của nó. Một số bó cơ được sắp xếp quanh ống đại tràng thành các vòng tròn.
Cơ quan này hoạt động với chức năng chính là một khoang chứa phân trước khi đào thải khỏi cơ thể. Thức ăn khi được chuyển đến khu vực đại tràng xích-ma đã được hấp thụ hầu hết các chất dinh dưỡng tại dạ dày và ruột non. Tuy nhiên, việc hấp thu có thể được đại tràng xích-ma thực hiện thêm lần nữa. Cụ thể, nước và vitamin sẽ được trích xuất từ các chất này trước khi di chuyển ra ngoài cơ thể.
1.2. Đại tràng sigma xuất hiện polyp
Do là nơi chứa các chất thải, cơ quan này tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh lý trong đó có polyp. Polyp là tình trạng các khối mô tăng sinh xuất hiện trên bề mặt niêm mạc, hình dạng giống khối u. Hầu hết polyp đại tràng thường xuất hiện ở đại tràng xích-ma với nhiều kích thước to nhỏ khác nhau.
Hầu hết polyp tại cơ quan này đều lành tình, ít có nguy cơ tiến triển thành ung thư. Tuy nhiên, một số loại polyp có thể phát triển theo thời gian, kích thước càng lớn thì biến chứng ung thư càng cao.
Ung thư đại tràng chính là biến chứng nguy hiểm nhất của polyp đại tràng xích-ma. Đây là bệnh lý ung thư có tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Polyp đại tràng xích-ma được chia thành hai loại chính: polyp tăng sản và polyp tuyến. Trong đó, polyp tăng sản thường có kích thước nhỏ, nguy cơ tiến triển thành ung thư tương đối thấp. Polyp tuyến có nguy cơ ung thư cao, không chỉ xuất hiện ở đại tràng xích-ma mà còn được tìm thấy trên diện rộng của đại tràng.
2. Yếu tố nguy cơ khiến đại tràng sigma xuất hiện polyp
Thói quen sinh hoạt không lành mạnh làm tăng nguy cơ mắc polyp đại tràng xích-ma, cụ thể:
– Dư thừa đường và chất béo trong chế độ ăn uống.
– Thói quen sử dụng các chất kích thích, thường xuyên hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, các loại đồ uống có gas.
– Lười vận động, ít di chuyển.
– Tinh thần luôn căng thẳng, mệt mỏi, lo lắng kéo dài.
– Tiền sử gia đình đã từng có người mắc polyp đại tràng, đặc biệt lại polyp đại tràng sigma.
– Người cao tuổi (từ 50 tuổi trở lên) có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
3. Triệu chứng của bệnh
Triệu chứng của polyp thường bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý tiêu hóa khác. Để chẩn đoán chính xác, cách tốt nhất là đến thăm khám tại các cơ sở y tế.
Hãy đến gặp bác sĩ tiêu hóa ngay khi có các dấu hiệu cảnh báo như:
– Xuất hiện máu trong phân.
– Mệt mỏi, sụt cân, có biểu hiện thiếu máu.
– Rối loạn đại tiện, có thể bị tiêu chảy hoặc táo bón.
4. Phương pháp chẩn đoán polyp đại tràng sigma
Để phát hiện polyp đại tràng xích-ma cũng như các bệnh lý khác tại đây, nội soi đại trực tràng là phương pháp hữu hiệu hàng đầu. Với thăm dò chức năng này, bác sĩ sẽ đưa ống mềm có gắn camera vào đại tràng qua đường hậu môn. Nhờ đó, bác sĩ có thể quan sát trực tiếp toàn bộ khu vực đại tràng, bao gồm đại tràng xích-ma.
Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết mẫu mô để xét nghiệm chẩn đoán nguy cơ ung thư đại tràng.
Bên cạnh nội soi đại trực tràng, người bệnh có thể được chỉ định một số biện pháp chẩn đoán hình ảnh như: siêu âm, chụp X quang, chụp CT,… Ngoài ra, các xét nghiệm phân, xét nghiệm máu cần thiết có thể được tiến hành để phục vụ việc chẩn đoán.
5. Phương pháp điều trị
Giải pháp phổ biến nhất để điều trị polyp đại tràng là cắt bỏ polyp thông qua nội soi tiêu hóa. Thủ thuật này có độ an toàn cao, không cần phẫu thuật mở. Nhờ đó người bệnh ít chịu đau đớn, đồng thời nhanh chóng phục hồi.
Trong trường hợp polyp xuất hiện nhiều khối với kích thước lớn, bác sĩ có thể chỉ định loại bỏ các khối polyp bằng phẫu thuật nội soi. Trường hợp xấu nhất khi polyp đã tiến triển thành ung thư, giải pháp duy nhất lúc này là cắt bỏ một phần đại tràng. Điều này giúp loại bỏ tế bào ung thư, tránh nguy cơ tái phát cũng như di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể.
6. Lưu ý sau khi điều trị polyp đại tràng sigma
Người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định của bác sĩ để việc điều trị polyp có hiệu quả tốt nhất. Bên cạnh đó, bản thân người bệnh cũng cần điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt để rút ngắn thời gian hồi phục, giảm thiểu triệu chứng khó chịu.
6.1. Chế độ ăn uống khi mắc polyp
– Tăng cường các thực phẩm nhiều chất xơ: rau xanh, trái cây, các loại củ, ngũ cốc,…
– Bổ sung thực phẩm chứa men vi sinh tốt cho đường ruột: sữa chua, nước ép trái cây,…
– Uống đủ lượng nước cần thiết; tránh các loại đồ uống gây hại cho đường ruột như rượu, bia, nước ngọt có gas,…
– Tránh các thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, đồ ăn chế biến sẵn, thực phẩm có chất bảo quản.
– Đảm bảo sử dụng các loại thực phẩm được nấu chín, tuyệt đối không ăn các thực phẩm không vệ sinh hoặc đồ tái, sống.
– Không ăn quá no, có thể chia 3 bữa chính thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
6.2. Chế độ sinh hoạt của người mắc polyp
– Sắp xếp giờ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý; ngủ đủ giấc, không thức khuya.
– Tránh làm việc quá sức, học cách thư giãn, tránh căng thẳng, lo âu.
– Có chế độ luyện tập, vận động phù hợp, điều độ để duy trì cân nặng tiêu chuẩn và nâng cao sức khỏe.
– Ngay sau khi cắt polyp, người bệnh chỉ nên uống các loại nước để tránh nhu động ruột hoạt động mạnh gây chảy máu đại tràng. Khi đại tràng đã bắt đầu hồi phục, người bệnh nên ăn các thực phẩm mềm, lỏng, dễ tiêu hóa như canh, súp, cháo loãng, sữa,… Hai tuần sau phẫu thuật, người bệnh hãy bổ sung các loại thực phẩm đa dạng đảm bảo đủ dinh dưỡng. Tuy nhiên vẫn cần lưu ý tránh các đồ ăn cứng, khó tiêu hóa.
Bài viết đã cung cấp các kiến thức liên quan đến bệnh lý polyp đại tràng sigma. Hy vọng bạn đọc đã nắm được các nguy cơ, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị bệnh. Hãy xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, đồng thời thăm khám tiêu hóa thường xuyên để kiểm soát tốt nhất các bệnh lý đại tràng, trong đó có polyp.