Bệnh bạch hầu ở trẻ em là một bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp phổ biến và nguy hiểm. Bệnh hình thành do hoạt động của trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae (hay còn gọi là trực khuẩn Klebs-Leoffler), có thể bùng phát thành dịch và làm trẻ tử vong.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân
Như đã đề cập phía trên, bạch hầu hình thành do hoạt động của trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae (hay còn gọi là trực khuẩn Klebs-Leoffler). Đây là trực khuẩn gram dương, hình chùy, dài và rộng lần lượt 1 – 9 µm và 0,3 – 0,8 µm. Corynebacterium diphtheriae sẽ chết ở nhiệt độ 58 độ C trong 10 phút, dưới ánh mặt trời, chúng bị tiêu diệt trong vài giờ. Tuy nhiên, trong điều kiện thiếu sáng và nhiệt độ thấp, Corynebacterium diphtheriae có thể tồn tại đến 6 tháng.
2. Phân loại và dấu hiệu nhận biết
Bạch hầu có nhiều thể. Một số thể bạch hầu phổ biến nhất chúng ta có là: Bạch hầu họng (70%), bạch hầu thanh quản (20 – 30%), bạch hầu mũi (4%), bạch hầu mắt (3 – 8%),…
2.1. Bạch hầu họng
Quá trình phát triển của bạch hầu họng bao gồm 4 giai đoạn: Giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn khởi phát, giai đoạn toàn phát và giai đoạn lui bệnh. Trong đó, bố mẹ có thể nhận biết bạch hầu ở từng giai đoạn bằng các dấu hiệu sau:
– Giai đoạn ủ bệnh: Không có biểu hiện rõ ràng
– Giai đoạn khởi phát: Sốt nhẹ (37,5 – 38 độ C), đau họng, chảy mũi, nước mũi có thể lẫn máu, Amidan xuất hiện điểm trắng mờ hoặc giả mạc ở một bên, có thể nổi hạch cổ, hạch di chuyển được, ấn không đau.
– Giai đoạn toàn phát: Sốt tăng (38 – 38,5 độ C), đau họng tăng, chảy mũi tăng, nước mũi có thể kèm mủ, giả mạc Amidan lan xuống lưỡi gà và màn hầu (ở những trường hợp nặng), chuyển từ trắng sang vàng, khó bóc tách, hạch cổ sưng và đau.
– Giai đoạn lui bệnh: Các triệu chứng trên thuyên giảm và biến mất.
2.2. Bạch hầu thanh quản
Trẻ mắc bạch hầu thanh quản thường có những triệu chứng sau: Thanh quản xung huyết, phù nề, xuất hiện giả mạc tương tự như giả mạc bạch hầu họng. Ngoài triệu chứng này, trẻ mắc bạch hầu thanh quản còn ho, khàn giọng, khó thở, thở rít,…
2.3. Bạch hầu mũi
Bạch hầu mũi có những dấu hiệu nhận biết sau: Sốt nhẹ (hoặc không sốt) hảy mũi một bên, nước mũi trong hoặc có thể kèm máu, lỗ mũi loét, nôn, rối loạn tiêu hóa,…
2.4. Bạch hầu mắt
Bạch hầu mắt thường xuất hiện sau bạch hầu họng hoặc bạch hầu mũi. Biểu hiện bạch hầu mắt là viêm màng tiếp hợp có giả mạc, phù mi mắt trên.
2.5. Bạch hầu da
Tỷ lệ trẻ mắc bạch hầu da là rất thấp, thường chỉ những trẻ có tổn thường ngoài da mới mắc bạch hầu thể này. Bạch hầu da cũng biểu hiện thông qua tình trạng sản sinh giả mạc, màu xám, bao phủ vùng da bị thương tổn.
2.6. Bạch hầu rốn
Bạch hầu rốn là một hình thái của bạch hầu da. Bạch hầu rốn chỉ xuất hiện ở trẻ sơ sinh. Trẻ sơ sinh mắc bạch hầu rốn thường có giả mạc bao phủ rốn, giả mạc này dính chặt vào niêm mạc nhưng sẽ tự rụng sau 2 – 3 tuần.
2.7. Bạch hầu âm đạo
Trẻ nữ mắc bạch hầu âm đạo môi lớn thường viêm loét đồng thời có giả mạc khó bóc tách.
3. Biến chứng
Bệnh bạch hầu ở trẻ nhỏ là một bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp nguy hiểm. Bệnh có nhiều biến chứng tai hại, có thể phân loại thành 3 nhóm là: Biến chứng thần kinh, biến chứng tim mạch và biến chứng thận.
3.1. Biến chứng thần kinh của bệnh bạch hầu ở trẻ em
Bệnh bạch hầu ở trẻ nhỏ có thể biến chứng đến liệt màn hầu, liệt mắt, liệt chi dưới, liệt chi trên, liệt các cơ quan khác như liệt dây thần kinh số 10, liệt các cơ vùng gáy, liệt thanh quản, liệt thực quản, liệt cơ hoành, liệt hành tủy,… Tuy nhiên các biến chứng thần kinh của bệnh bạch hầu sẽ biến mất hoàn toàn sau một thời gian.
3.2. Biến chứng tim mạch của bệnh bạch hầu ở trẻ em
Do độc tố bạch hầu gây thoái hóa nhu mô, thoái hóa mỡ cơ tim và rối loạn dẫn truyền nên trẻ bị bạch hầu có thể sẽ phải đối diện với một số biến chứng tim mạch như viêm cơ tim, rối loạn dẫn truyền cơ tim, huyết khối tim,…
3.3. Biến chứng thận
Bạch hầu làm tổn thương cầu thận và ống thận của trẻ. Sự tổn thương này có thể biểu hiện dưới 1 trong 3 thể: Nhẹ, nặng và ác tính.
4. Chẩn đoán và điều trị
Chẩn đoán xác định bạch hầu chủ yếu phải dựa vào các xét nghiệm: Nhuộm soi mẫu bệnh phẩm (lấy ở rìa giả mạc) dưới kính hiển vi; nuối cấy mẫu bệnh phẩm trong môi trường thích hợp tìm kiếm trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae,… Còn để theo dõi, phát hiện các biến chứng bạch hầu, các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh sau sẽ được áp dụng: Xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm sinh hóa máu, xét nghiệm men tim, xét nghiệm nước tiểu, điện tâm đồ, X-quang ngực thẳng,…
Sau chẩn đoán xác định, trẻ được tiêm/truyền tĩnh mạch huyết thanh kháng độc tố bạch hầu và kháng sinh, liều lượng cụ thể tùy thuộc thể bạch hầu trẻ mắc. Ngoài ra, trẻ có thể sẽ được hỗ trợ hô hấp (mở thanh quản cấp cứu, thở Oxy, thở máy xâm nhập,…), hỗ trợ tuần hoàn (trẻ sốt cao, khó thở, nôn,… cần được cung cấp đầy đủ nước và điện giải theo nhu cầu), điều chỉnh rối loạn nhịp tim và viêm cơ tim, kết hợp điều trị Corticoid,…
5. Dự phòng
Mặc dù nguy hiểm, bạch hầu có thể được dự phòng đặc hiệu bằng chủng ngừa vắc xin. Trong Chương trình Tiêm chủng quốc gia có những loại vắc xin dự phòng bạch hầu cho trẻ như sau:
– Vắc xin 5 trong 1 phòng bạch hầu – ho gà – uốn ván – Hib – viêm gan B: Cho trẻ từ 2 – 4 tháng tuổi.
– Vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván: Cho trẻ từ 16 – 18 tháng tuổi.
Như vậy, bài viết đã chia sẻ với bố mẹ thông tin cơ bản về bệnh bạch hầu ở trẻ nhỏ. Liên hệ ngay Thu Cúc TCI nếu bố mẹ còn thắc mắc muốn giải đáp chi tiết một cách nhanh chóng, bố mẹ nhé!