Một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày là chế độ ăn uống không khoa học. Vì thế, cách phòng ngừa ung thư dạ dày đơn giản, hiệu quả mà bạn nên áp dụng chính là thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt.
Theo các chuyên gia y tế, 35% ung thư bắt nguồn từ chế độ ăn uống. Một trong những bệnh ung thư do ăn uống mà ra là ung thư dạ dày. Để phòng ngừa căn bệnh này, bạn nên áp dụng theo những cách sau:
Menu xem nhanh:
1. Hạn chế ăn đồ lên men
Những đồ ăn lên men, muối chua như dưa, cà muối là món khoái khẩu của nhiều người tuy nhiên ít ai biết rằng, chúng chứa nhiều nitrit và các axit amin. Khi thực phẩm này đi vào dạ dày chúng sẽ kết hợp thành chất nitrosamine độc hại gây ung thư dạ dày. Chất này còn làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng và ung thư ở đường tiêu hóa khác nếu ăn quá nhiều dưa cà muối xổi.
2. Hạn chế đồ ăn nhiều muối
Muối là loại gia vị không thể thiếu trong chế biến món ăn, làm tăng vị đậm đà cho thực đơn ăn uống. Thế nhưng việc bổ sung nhiều muối hoặc có thói quen ăn mặn hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe. Bạn cũng nên hạn chế sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, mì ăn liền, lạp xưởng… vì chúng chứa nhiều muối, có thể làm tăng khả năng mắc bệnh ở thận cũng như gây ung thư dạ dày.
3. Hạn chế đồ nướng, đồ chiên rán ở nhiệt độ cao
Đồ nướng và đồ chiên rán chứa nhiều dầu mỡ được chế biến ở nhiệt độ cao sẽ sản sinh ra các chất gây ung thư. Đặc biệt khi dầu chiên rán được sử dụng lại nhiều lần có chứa chất gây ung thư như benzopyrene. Nếu ăn quá nhiều có thể làm tăng ung thư đường tiêu hóa, trong đó có ung thư dạ dày. Vì thế để phòng ngừa bệnh bạn nên hạn chế sử dụng những thực phẩm này.
4. Hạn chế rượu bia
Rượu bia là thủ phạm gây ra nhiều bệnh ung thư như ung thư gan, ung thư thực quản, vòm họng, ung thư dạ dày… Vì thế để cơ thể khỏe mạnh và đẩy lùi nguy cơ mắc ung thư dạ dày, bạn nên hạn chế sử dụng rượu bia, đặc biệt là loại rượu trắng.
5. Ăn nhiều rau quả tươi
Thói quen ăn ít chất xơ, thiếu vitamin và khoáng chất từ rau củ quả có thể làm tăng khả năng mắc ung thư dạ dày. Chính vì thế, cách đơn giản để phòng ngừa ung thư dạ dày hiệu quả là bạn nên bổ sung trái cây, rau xanh hàng ngày. Đặc biệt là các loại trái cây giàu vitamin C như cam, quýt, bưởi và những loại củ giàu beta carotene như bí ngô, cà rốt…
6. Có thói quen ăn uống hợp lý
Ăn không đúng giờ, ăn quá nhiều cùng lúc hoặc để bụng quá đói… cũng khiến dạ dày bị tổn thương nghiêm trọng, lâu dầu làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Do đó bạn nên tạo cho mình thói quen nhai kỹ khi ăn, nghỉ ngơi sau ăn, không nên ăn quá no để giảm gánh nặng cho dạ dày, hạn chế khả năng tổn thương niêm mạc dạ dày gây ung thư trong tương lai.
7. Điều trị triệt để vi khuẩn HP
Ngoài việc thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt phòng ngừa ung thư dạ dày, bạn cũng chú ý điều trị triệt để vi khuẩn HP trong dạ dày (nếu có). Bởi vi khuẩn HP có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày, gây ra các bệnh viêm loét dạ dày. Nếu không điều trị triệt để, vi khuẩn này tiếp tục phát triển mạnh gây tổn thương nghiêm trọng dẫn tới loét nặng, lâu ngày làm tăng nguy cơ hình thành khối u ở dạ dày. Theo nghiên cứu, có tới 70% dân số Việt Nam nhiễm loại vi khuẩn này, vì thế bạn cũng không nên chủ quan cần đi khám để xác định mình có nhiễm vi khuẩn HP hay không để có biện pháp xử trí triệt để, phòng ngừa ung thư.
8. Tầm soát ung thư dạ dày định kỳ
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, ung thư dạ dày có thể gặp ở bất cứ độ tuổi và giới tính nào, việc phòng tránh bệnh chỉ mang tính tương đối bởi có nhiều nguyên nhân chủ quan gây bệnh như tiền sử bệnh lý bản thân hoặc có người nhà từng bị ung thư dạ dày. Vì thế, chủ động tầm soát ung thư dạ dày định kỳ là cách tốt nhất giúp bạn phát hiện sớm ung thư nhằm điều trị kịp thời, tăng tỷ lệ chữa khỏi bệnh.