Các thời điểm khám thai mà mẹ bầu không được quên sẽ được cung cấp dưới đây, nhằm giúp các mẹ bầu hiểu hơn về tầm quan trọng của việc khám, siêu âm thai định kỳ.
Menu xem nhanh:
1. Những mốc khám thai quan trọng trong 3 tam cá nguyệt
1.1. Các thời điểm khám thai trong 3 tháng đầu mẹ cần nhớ
Mẹ cần có những buổi khám thai định kỳ để theo dõi sức khỏe thai nhi trong suốt thai kỳ. Khám và siêu âm thai trong tam cá nguyệt đầu tiên (tức 3 tháng đầu thai kỳ) là một trong những việc quan trọng mà mẹ bầu phải làm.
Có nhiều mẹ bầu lần đầu làm mẹ, rất thiếu kinh nghiệm trong vấn đề thăm khám thai kỳ, thường hay tự hỏi liệu có cần phải siêu âm thai hay không? Liệu những lần khám, siêu âm như vậy có ảnh hưởng gì đến thai nhi hay không? Các mẹ không nên quá lo lắng, việc siêu âm, khám thai là việc cần thiết và không hề ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé như mẹ đang lo.
Ngược lại việc siêu âm để phát hiện những vấn đề của thai nhi có thể giúp cải thiện tình hình, giúp em bé phát triển khỏe mạnh hơn trong bụng mẹ.
Tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ rất quan trọng. Vì vậy mẹ cần phải đi khám để được theo dõi sát, nhằm đảm bảo thai nhi hình thành và phát triển đúng vị trí. Đây cũng là nền tảng để theo dõi sức khỏe cho mẹ ở những tháng mai thai kế tiếp.
Vậy trong tam cá nguyệt này, những giai đoạn nào mẹ cần phải đi khám và siêu âm? Thông thường các mẹ sẽ đi khám từ 3-4 lần trong tam cá nguyệt thứ nhất. Nếu có vấn đề gì bất thường có thể được chỉ định khám nhiều hơn.
Các giai đoạn mẹ cần đi khám trong ba tháng đầu tiên là:
– Test để kiểm tra liệu có mang thai. Giai đoạn này mẹ có thể tự mua que thử để thử thai tại nhà sau khi trễ kinh từ 1 tuần đến 10 ngày. Cũng có trường hợp que thử thai ra kết quả không chính xác thì nên làm thêm một xét nghiệm máu khác để xác định chỉ số beta hcg. Chỉ số này sẽ cho ra kết quả chính xác hơn.
– Giai đoạn sau khi đã xác định có thai hay chưa là siêu âm đầu dò để xác định thai đã nằm trong tử cung hay chưa, có một hay nhiều thai và kiểm tra xem liệu tử cung hay buồng trứng có gì bất thường không để còn điều trị kịp thời.
– Từ tuần thứ 11 đến tuần thứ 13 của thai kỳ là giai đoạn mẹ được kiểm tra độ mờ da gáy và double test để tầm soát khả năng thai nhi bị bệnh Down. Đây là mốc siêu âm thai cực kỳ quan trọng mà không mẹ bầu nào nên bỏ qua.
1.2. Các thời điểm khám thai trong 3 tháng giữa
Thời điểm 3 tháng giữa khi mẹ đi khám thai sẽ có thể nhận thấy sự phát triển của con một cách rõ ràng nhất. Thời điểm này mẹ nên chọn cho mình một cơ sở y tế tin cậy để có thể theo thăm khám lâu dài. Việc này rất có ý nghĩa trong việc theo dõi và quản lý thai kỳ một cách khoa học và bài bản nhất.
Nhiều mẹ quan niệm rằng chỉ cần khám thai 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối, mà quên rằng 3 tháng giữa cũng rất quan trọng để kiểm tra sức khỏe của con yêu. Mẹ bầu cần biết danh mục khám mà mình cần thực hiện 3 tháng giữa để có thể chủ động sắp xếp công việc và thời gian dành cho việc khám thai.
– Khám thai từ tuần 16 đến tuần thai thứ 18
Trong lần khám này, các bác sĩ sẽ tiến hành đo các chỉ số sức khỏe cơ bản như cân nặng, chiều cao, huyết áp của mẹ. Đồng thời thực hiện xét nghiệm nước tiểu, công thức máu cơ bản để đánh giá tình trạng phát triển của thai nhi. Trong thời điểm này, bác sĩ có thể chỉ định làm xét nghiệm triple test để tầm soát những rối loạn bất thường về cặp nhiễm sắc thể. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy nguy cơ cao thì sẽ cần làm thêm xét nghiệm chọc ối để kiểm tra lại.
– Khám thai thời điểm tuần 22
Thời điểm này mẹ sẽ cần thực hiện các công việc thăm khám như: kiểm tra sức khỏe tổng quát của mẹ, nghe tim thai, siêu âm 4D để kiểm tra hình thái thai nhi và các bất thường ở tim , xương sống, não, thận…thời điểm này cũng có thể phát hiện dị tật về sứt môi, hở hàm ếch.
Với những mẹ cần phải làm các thủ thuật như khâu eo tử cung có thể làm vào thời điểm này.
– Khám thai thời điểm tuần 26: Trong thời điểm này, chủ yếu mẹ sẽ được kiểm tra, khám thai tổng quát, xét nghiệm để xác định nhóm máu, yếu tố Rh và viêm gan B.
1.3 Thời điểm khám thai 3 tháng cuối
Trong tam cá nguyệt thứ 3, mẹ bầu sẽ thường xuyên được theo dõi tim thai và lượng ối một cách cẩn thận. Thời điểm này, khi khám thai có thể phát hiện một số vấn đề như:
– Ngôi thai: thường sang tuần thứ 36, thai nhi sẽ quay đầu xuống dưới, chuẩn bị cho hành trình chào đời của mình, đây là ngôi thai thuận. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp em bé không chịu quay đầu xuống dưới mà nằm ngang hoặc quay lên trên, thường được gọi là ngôi thai ngược. Các mẹ thường cảm thấy lo lắng khi ngôi thai của con không thuận vì khả năng có thể sinh thường thấp.
– Nguy cơ sinh non: Trẻ sinh trước 37 tuần sẽ được coi là trẻ sinh non. Có rất nhiều nguyên nhân khiến mẹ bị sinh non. Nếu trong những tháng cuối của thai kỳ mà mẹ có những dấu hiệu như co thắt tử cung thường xuyên, đau vùng chậu, ra máu âm đạo, rỉ ối hoặc dịch nhầy tử cung…thì hãy nghĩ ngay đến khả năng sinh non. Khi đó hãy đi khám gấp để được các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán.
– Tiền sản giật: thời điểm này các bác sĩ sẽ thường xuyên theo dõi thành phần nước tiểu và chỉ số huyết áp để đánh giá khả năng mắc tiền sản giật ở thai phụ.
– Tốc độ tăng trưởng của thai nhi: Những tháng cuối các bác sĩ sẽ tiến hàng kiểm tra trọng lượng thai nhi nhằm đánh giá tốc độ phát triển và xem xét các nguyên nhân chậm tăng trưởng như bánh nhau, lượng máu đến nhau…và có những chỉ định kịp thời dành cho mẹ để cải thiện tình hình.
2. Khi nào mẹ bầu cần tăng số lần khám thai định kỳ
Dựa trên sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của mẹ mà bác sĩ sẽ quyết định có tăng số lần khám thai của mẹ lên hay không. Những mẹ thuộc nhóm nguy cơ sau đây có thể tăng số lần đi khám, kiểm tra thai:
– Mẹ từ độ tuổi 35 trở lên: Không phải tất cả những mẹ trên 35 tuổi đều gặp vấn đề khi mang thai. Nhưng theo những thống kê về sản khoa, mẹ sau 35 tuổi sinh con ra tỷ lệ mắc dị tật bẩm sinh và các biến chứng thai kỳ nhiều hơn những mẹ ở độ tuổi trẻ hơn.
– Những mẹ có bệnh lý từ trước và sức khỏe không tốt: Những mẹ bị tiểu đường, huyết áp cao trước thai kỳ cần được đi thăm khám với số lần nhiều hơn các mẹ không có bệnh lý này. Những mẹ này cần có sự tư vấn với chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý. Những mẹ bị các bệnh lý khác như hen suyễn, tim, lupus, thiếu máu cũng cần được kiểm tra kỹ và thường xuyên hơn.
– Những mẹ gặp sự cố trong quá trình thai nghén: Mẹ dọa sảy, có nguy cơ sinh non cũng là đối tượng cần được thăm khám nhiều lần hơn để tránh những nguy hiểm thai kỳ có thể xảy ra.
Trên đây là các thời điểm khám thai mà mẹ bầu nên nhớ. Nếu mẹ hay quên hoặc quá bận rộn để có thể nhớ những mốc khám thai, hãy tìm một cơ sở y tế, bệnh viện, phòng khám có thể nhắc nhở mẹ về lịch khám một cách đầy đủ, không bỏ sót mốc khám nào trong thai kỳ mẹ nhé.