Ung thư cổ tử cung là căn bệnh nguy hiểm, chỉ đứng sau ung thư vú mà chị em phụ nữ dễ mắc phải. Vì vậy phương pháp xét nghiệm ung thư cổ tử cung là việc làm cần phải được ưu tiên để xác định yếu tố nguy cơ gây ung thư và có biện pháp điều trị kịp thời.
Menu xem nhanh:
1. Tại sao phải xét nghiệm ung thư cổ tử cung?
Ung thư cổ tử cung được xem là căn bệnh vô cùng nguy hiểm đối với phụ nữ bởi tỷ lệ gây tử vong cao. Tại Việt Nam, ước tính cứ 100.000 phụ nữ thì có đến 20 trường hợp mắc bệnh và 11 trường hợp tử vong. Ung thư cổ tử cung thường xảy ra ở lứa tuổi trung niên, khoảng 35 – 44 tuổi, khoảng 20% xảy ra ở độ tuổi 65 trở đi.
Tuy nhiên, tiến bộ của nền y học hiện đại đã phần nào giảm thiểu rủi ro mắc bệnh ung thư cổ tử cung bởi nếu được phát hiện sớm, đảm bảo 100% chữa khỏi bệnh và phòng tránh nguy cơ tái phát. Việc thực hiện các xét nghiệm để chỉ ra dấu ấn ung thư cổ tử cung giúp bác sĩ, chuyên gia có căn cứ trước khi tiến hành chẩn đoán chuyên sâu; từ đó có biện pháp điều trị bệnh phù hợp với từng trường hợp bệnh nhân.
Theo các chuyên gia, khi tế bào ung thư mới chỉ bắt đầu hình thành trong cổ tử cung, việc phát hiện sớm sẽ kéo dài tiên lượng sống cho bệnh nhân. Ở giai đoạn I, tỷ lệ chữa khỏi là 85 – 90%. Tỷ lệ điều trị khỏi ở giai đoạn giảm xuống là 75%. Ở giai đoạn 3 là 30 – 40% do các tế bào ung thư đã lan xuống âm đạo và các phần của khung chậu làm tắc niệu quản. Giai đoạn 4 là 20% bởi lúc này ung thư đã xâm lấn bàng quang, trực tràng hoặc các cơ quan ở xa như phổi và xương, việc điều trị dứt điểm loại bỏ khối u là vô cùng khó khăn.
2. Phương pháp xét nghiệm dấu ấn ung thư cổ tử cung hiệu quả
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung. Một trong số đó là phương pháp xét nghiệm tìm ra chất chỉ điểm ung thư cổ tử cung. Đây được xem là bước khám tiền đề cho bác sĩ làm căn cứ thực hiện các bước khám khác chuyên sâu, từ đó đi đến kết luận chính xác nhất cho người bệnh.
2.1. Xét nghiệm Pap smear
Xét nghiệm Pap smear, hay còn gọi là xét nghiệm Pap, là xét nghiệm tế bào học nhằm kiểm tra sự thay đổi của các tế bào ở cổ tử cung do virus HPV gây ra. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ tiến hành lấy 1 mẫu tế bào nhỏ ở cổ tử cung bằng cách dùng thiết bị mỏ vịt đưa vào âm đạo. Việc thực hiện này diễn ra nhanh chóng trong vòng 5 phút, không gây cảm giác đau đớn.
Xét nghiệm Pap giúp phát hiện những bất thường trong cấu trúc và hoạt động của các tế bào tử cung để cảnh báo nguy cơ mắc ung thư. Tuy nhiên phương pháp này có độ nhạy thấp, khoảng 50 – 70%, do bỏ sót tế bào trong quá trình lấy mẫu mà có thể cho ra kết quả âm tính giả.
2.2. Xét nghiệm Cobas test
Cobas test là một dạng xét nghiệm HPV DNA tiên tiến, dùng một mẫu bệnh phẩm duy nhất để xác định 12 loại HPV, đặc biệt là cho ra kết quả của 2 chủng HPV 16 và 18 – 2 chủng gây ra có nguy cơ gây ung thư cổ tử cung cao.
Ưu điểm của xét nghiệm Cobas test là đáng tin cậy, độ chính xác cao lên đến 92% và đã được kiểm chứng qua thử nghiệm lâm sàng với hơn 47.000 phụ nữ. Tuy nhiên, xét nghiệm này chỉ được áp dụng tại các bệnh viện phụ sản lớn và các phòng xét nghiệm hiện đại.
2.3. Xét nghiệm Thinprep
Đây là phương pháp lấy bệnh phẩm ở tử cung, cho vào lọ Thinprep, sau đó chuyển vào phòng thí nghiệm để xử lý bằng máy Thinprep làm tiêu bản. Phương pháp xét nghiệm này có ưu điểm nâng cao chất lượng mẫu tế bào, giảm nguy cơ bỏ sót tế bào, từ đó giảm tỷ lệ kết quả cho ra âm tính giả, nâng cao hiệu quả trong việc tầm soát ung thư.
Phụ nữ trong khoảng 21 – 29 tuổi nên thực hiện xét nghiệm Thinprep 3 năm/lần giúp tầm soát ung thư cổ tử cung. Lưu ý là xét nghiệm này chỉ được tiến hành tại các bệnh viện lớn, có trang thiết bị y tế và phòng xét nghiệm hiện đại.
2.4. Xét nghiệm HPV DNA
Ung thư cổ tử cung được gây ra bởi virus HPV. Do đó, xét nghiệm HPV DNA giúp phát hiện chính xác sự hiện diện của virus HPV và chủng loại HPV mà người bệnh đang mắc phải thông qua tách chiết DNA trên hệ thống tách chiết tự động , sử dụng công nghệ giải trình mới để phân tích.
Phương pháp này có độ đặc hiệu cao, từ 90 – 95%. Tuy nhiên, ngoài yếu tố giúp phát hiện chính xác sự tồn tại của virus HPV và đánh giá nguy cơ ung thư thì xét nghiệm này không thể chẩn đoán chắc chắn người bệnh có mắc bệnh ung thư cổ tử cung hay không. Bệnh nhân vẫn nên thực hiện thêm xét nghiệm Pap để có kết quả tầm soát hiệu quả nhất.
Một lưu ý nhỏ là các phương pháp xét nghiệm trên chỉ mang lại hiệu quả tìm ra chất chỉ điểm ung thư, giúp bác sĩ xác định và đánh giá nguy cơ mắc ung thư ở người bệnh. Vậy, bạn nên thực hiện tầm soát ung thư định kỳ hàng năm để phát hiện sớm dấu hiệu bất thường của cơ thể và có biện pháp điều trị kịp thời.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho quý vị thông tin chi tiết về các phương pháp xét nghiệm dấu ấn ung thư cổ tử cung, từ đó lựa chọn cho bản thân phương pháp phù hợp nhất.