Bị ngứa đầu nhũ hoa khi mang thai là hiện tượng rất nhiều mẹ bầu gặp phải. Điều này khiến mẹ bầu cảm thấy khó chịu và phiền toái. Vậy nguyên nhân và cách xử trí hiện tượng này ra sao? Cùng tìm hiểu nhé!
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân bị ngứa đầu nhũ hoa khi mang thai
Bị ngứa ở đầu nhũ hoa khi mang thai xảy ra do rất nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân phổ biến nhất là do trong quá trình mang thai, hormone trong cơ thể mẹ bầu có những thay đổi nhất định. Sự thay đổi này làm gia tăng sự lưu thông máu cũng như thay đổi về các mô tại vùng ngực.
Chính vì vậy, mẹ bầu sẽ cảm thấy ngực bị đau, tức, ngứa râm ran đầu nhũ hoa trong thai kì. Khi mang thai, vùng da quầng vú, bao quanh núm vú cũng trở nên to và sậm màu hơn. Một số mẹ bầu còn gặp phải hiện tượng khô đầu nhũ hoa, quanh đầu nhũ hoa có vẩy da đóng khô lại, gây ngứa ngáy và khó chịu.
Bị ngứa nhũ hoa khi mang thai là hiện tượng không thể tránh khỏi trong quá trình mang thai bởi đó cũng chính là sự thay đổi của cơ thể để thích ứng với quá trình nuôi dưỡng trẻ sau khi sinh. Đây là hiện tượng khá bình thường, mẹ bầu không nên quá lo lắng.
Ngoài nguyên nhân kể trên, mẹ bị ngứa ở đầu nhũ hoa khi mang thai còn có thể do những nguyên nhân khác như:
– Căng da: Khi mang thai, cơ thể phải chịu sự thay đổi nhanh chóng, làm căng da để thích nghi với việc tăng trọng lượng và kích thước của thai nhi. Da căng quá mức có thể gây rạn da và gây ra cảm giác ngứa ở vùng đầu nhũ hoa và các vùng khác như bụng, mông, đùi.
-. Viêm nhiễm da dị ứng: Các tác nhân gây dị ứng như xà phòng, sợi len, chất tẩy rửa hoặc các sản phẩm dưỡng da khác có thể gây viêm nhiễm da và cảm giác ngứa ở đầu ngực.
– Bệnh nấm da: Nhiễm nấm da ở vùng đầu nhũ hoa có thể gây ngứa và một số triệu chứng khác như đỏ, bong tróc, vảy.
– Chàm da: Bệnh chàm da có thể gây ra cảm giác ngứa và thường xuất hiện với các vùng da bị viêm, đỏ, nứt nẻ, thậm chí có thể nổi vảy.
– Sẩn ngứa và mề đay: Ngứa núm vú khi mang thai có thể xuất phát từ việc mắc chứng sẩn ngứa và mề đay. Triệu chứng của bệnh là da xuất hiện các đốm đỏ sưng, các vùng ngứa theo từng cụm, và lan tỏa đến các phần khác trên cơ thể, đặc biệt là ở vùng ngực, đùi và mông.
– Bệnh Paget vú: Bệnh Paget vú là một trường hợp hiếm gặp của ung thư vú. Các dấu hiệu của bệnh này khá giống với chứng viêm da dị ứng, vì thế dễ khiến nhiều người bị nhầm lẫn. Các dấu hiệu của bệnh Paget vú bao gồm: da ngừa đỏ, núm vú bị thụt, có tiết dịch, da vú thay đổi, có khối u ở vú, cảm giác ngứa, nóng ở ngực,…
2. Ngứa nhũ hoa khi mang thai có nguy hiểm không?
Trong hầu hết các trường hợp, ngứa nhũ hoa trong quá trình mang thai thường không gây nguy hiểm nghiêm trọng nào cho cả bà bầu và thai nhi. Đây là một triệu chứng khá phổ biến và thường không đáng lo ngại. Tuy nhiên, cần theo dõi và đảm bảo rằng không có các triệu chứng bất thường đi kèm, và nếu bạn có bất kỳ lo lắng nào, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe của bạn và thai nhi.
Các triệu chứng đi kèm với ngứa nhũ hoa khi mang thai có thể gây nguy hiểm và đòi hỏi sự chú ý và điều trị từ bác sĩ là:
– Nứt nẻ, loét, viêm nhiễm nặng, rỉ máu: Nếu vùng nhũ hoa trở nên nứt nẻ, loét hoặc có dấu hiệu của viêm nhiễm nặng, đó có thể là dấu hiệu của một tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng và cần được xử lý ngay lập tức.
– Đầu nhũ hoa nổi sần, đổi màu, đau: Sự xuất hiện của các triệu chứng này là điều cần chú ý và cần kiểm tra.
– Dịch tiết bất thường, màu, mùi khác thường: Nếu bạn có dấu hiệu dịch tiết bất thường từ vùng nhũ hoa, đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc tình trạng khác đòi hỏi điều trị càng sớm càng tốt.
– Sưng hạch, hạch bất thường ở vùng xương đòn, nách: Nếu bạn phát hiện sưng hạch hoặc hạch bất thường ở vùng xương đòn hoặc nách, điều này có thể cần kiểm tra để xác định nguyên nhân và tình trạng liên quan.
Để đảm bảo sức khỏe của bạn và thai nhi, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ ngay nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng bất thường nào khi mang thai.
3. Cách chăm sóc nếu bị ngứa đầu nhũ hoa khi mang thai
Khi mẹ bầu bị ngứa đầu nhũ hoa, cần hết sức chú ý công tác vệ sinh, chăm sóc bầu ngực bằng cách:
– Lựa chọn và mặc các loại áo ngực thoải mái, phù hợp với kích cỡ của ngực. Sử dụng các loại áo lót được làm bằng chất liệu thấm hút mồ hôi.
– Bắt đầu từ tháng thứ 4 của thai kì, mẹ bầu nên dùng nước sạch để vệ sinh đầu nhũ hoa, ít nhất 1 lần/ngày để loại bỏ những căn bẩn, chất khô, da chết.
– Có thể bôi một lớp kem dưỡng da ở vùng đầu nhũ hoa để tránh khô nứt sau khi đã vệ sinh sạch sẽ.
– Thường xuyên dùng khăn mềm, sạch để xoa núm vú để thúc đẩy phần da thừa tại đây. Tuy nhiên, cần thực hiện nhẹ nhàng, tránh kích thích mạnh mẽ bởi điều này làm tử cung cũng bị co bóp nhiều, có nguy cơ sảy thai hoặc sinh sớm.
– Dùng tay massage, xoa bóp nhẹ bầu vú để tăng khả năng kháng bệnh của vú. Giúp quá trình tuần hoàn máu được tăng cường, đồng thời kích thích quá trình tiết sữa của mẹ bầu sau sinh.
– Nếu hiện tượng này kéo dài, khiến mẹ bầu khó chịu quá mức hoặc đi kèm những triệu chứng bất thường khác như đau nhức, nứt đầu nhũ hoa… mẹ bầu nên tới bệnh viện để thăm khám, kiểm tra và có hướng xử trí phù hợp.
Trên đây là những biện pháp mà mẹ bầu có thể thực hiện trong thai kì để giúp giảm ngứa đầu nhũ hoa. Để nhận tư vấn sâu hơn về cách chăm sóc, mẹ có thể liên hệ tới Thu Cúc TCI để được các bác sĩ giỏi chuyên môn thăm khám và đưa ra lời khuyên điều trị phù hợp.