Hiện tượng liên tục chảy nước mắt mà dân gian vẫn thường gọi là chảy nước mắt sống chính là một biểu hiện của bệnh lý viêm tắc lệ đạo. Bệnh lý này có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, mọi giới tính và luôn luôn làm cho người bệnh cảm thấy khó chịu. Vậy, cụ thể thì bệnh viêm tắc lệ đạo có nguyên nhân, dấu hiệu, biến chứng, phương pháp điều trị và phương pháp phòng tránh như thế nào? Bài viết sau sẽ chia sẻ với bạn câu trả lời chi tiết.
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm viêm tắc lệ đạo
Lệ bộ là bộ phận sản xuất nước mắt, bao gồm: Tuyến lệ và lệ đạo. Tuyến lệ bao gồm tuyến lệ chính, nằm ở góc trên ngoài hốc mắt và tuyến lệ phụ, nằm rải rác tại kết mạc. Nước mắt từ 2 tuyến lệ chính và phụ được thu nhận vào lỗ lệ trên và lỗ lệ dưới ở góc trong của mi mắt rồi đi vào lệ quản trên và lệ quản dưới; sau đó, chảy qua ống lệ chung dồn về túi lệ. Từ đó, nước mắt tiếp tục đi qua ống lệ mũi để đổ xuống mũi. Tại đây, sẽ có hai tình huống: Hoặc là nước mắt sẽ bốc hơi hoặc là nước mắt sẽ tái hấp thu. Con đường nước mắt di chuyển từ tuyến lệ đến mũi gọi là lệ đạo.
Viêm tắc lệ đạo là tình trạng lệ đạo bị tắc nghẽn làm nước mắt từ tuyến lệ không di chuyển đến mũi được và liên tục chảy ra ngoài.
2. Nguyên nhân viêm tắc lệ đạo
Bệnh có thể phát sinh do 2 nguyên nhân:
– Bẩm sinh: Nguyên nhân này thường gặp ở trẻ sơ sinh và nhũ nhi,
– Nhiễm trùng hoặc chấn thương: Nguyên nhân này thường gặp ở trẻ lớn và người trưởng thành.
3. Nhận biết viêm tắc lệ đạo
Bệnh viêm tắc lệ đạo có một tổ hợp những dấu hiệu nhận biết điển hình như sau:
– Chảy nước mắt sống, tức chảy nước mắt liên tục,
– Viêm túi lệ mạn tính: Sưng nề phần góc trong mắt. Khi day ấn, phần sưng nề chảy mủ qua điểm lệ và xẹp xuống. Một thời gian sau, sưng nề trở lại.
– Đôi khi phát sinh nhiễm trùng cấp tính, khi vi khuẩn tồn tại trong nước mắt bị ứ đọng trong lệ đạo. Trong trường hợp, bệnh nhân sẽ gặp phải những triệu chứng sau: Sưng, nóng, đỏ, đau phần giữa mắt và mũi; chảy mủ từ điểm lệ; có thể bị dò, thoát mủ qua da.
4. Biến chứng viêm tắc lệ đạo
Bệnh viêm tắc lệ đạo nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, ngoài những triệu chứng khó chịu kể trên, còn có thể gây ra tình trạng viêm mủ túi lệ, abscess túi lệ và viêm hốc mắt. Các biến chứng này nếu tiếp tục không được kiểm soát đúng đắn, hợp lý, có thể tiến triển đến suy giảm thị lực và nhiều biến chứng nội sọ nguy hiểm như: Viêm màng não, áp xe não,…
5. Điều trị viêm tắc lệ đạo
5.1. Chẩn đoán
Chảy nước mắt liên tục là triệu chứng đặc trưng của viêm tắc lệ đạo. Tuy nhiên, đây cũng là biểu hiện điển hình của tình trạng tăng tiết tuyến lệ hoặc bị hỏng bơm nước mắt. Chính vì thế, để chẩn đoán xác định bệnh viêm tắc lệ đạo, chuyên gia nhãn thường tiến hành các thăm khám sau:
Lâm sàng:
– Phát hiện chảy nước mắt do mắt bị kích thích từ kết – giác mạc, như: Viêm kết mạc, viêm loét giác mạc, viêm mống mắt, glocom, dị vật xâm lấn kết – giác mạc,…
– Khám mí mắt phát hiện: Không có lỗ lệ, hẹp lỗ lệ, lỗ lệ lạc chỗ; các dấu hiệu lộn mi, lộn điểm lệ;…
– Quan sát liềm nước mắt: Một số trường hợp không chảy nước mắt những có liềm nước mắt cao. Khi đó, nước mắt đọng tại góc trong mắt, vùng hồ lệ thành ngấn. Chuyên gia nhãn khoa có thể đo độ cao ngấn này bằng ánh sáng lọc xanh cobalt của máy sinh hiển vi sau khi nhỏ vào túi cùng kết mạc một giọt Fluorescein 2%.
Thủ thuật:
– Test sạch thuốc nhuộm: Nhỏ vào 2 túi cùng kết mạc mỗi túi một giọt Fluorescein 2%. Quan sát kết quả sau 5 phút: Bình thường, không có hoặc có rất ít thuốc nhuộm ứ đọng. Nếu thuốc nhuộm ứ đọng nhiều, chứng tỏ tình trạng không thích ứng của quá trình dẫn lưu nước mắt.
– Test trào ngược: Nhỏ Fluorescein 2% vào túi cùng kết mạc. Bệnh nhân được yêu cầu chớp mắt 5 lần để kích hoạt bơm nước mắt. Sau đó, chuyên gia nhãn khoa sẽ sử dụng ngón trỏ để xoa nắn vùng túi lệ rồi kiểm tra sự trào ngược của nước mắt đã nhuộm màu qua điểm lệ dưới dưới ánh sáng xanh cobalt của đèn soi đáy mắt. Thử nghiệm dương tính khi qua điểm kệ dưới có nước mắt được nhuộm màu trào ra.
– Bơm thăm dò lệ đạo: Chuyên gia nhãn khoa bơm nước muối sinh lý qua một hoặc hai lệ quản. Tiếp theo, chuyên gia sẽ quan sát một trong các tình huống sau xảy ra:
+ Khó đưa kim vào, không bơm được nước vào lệ quản: Chẩn đoán tắc lệ quản hoàn toàn
+ Khó đưa kim vào, nước được bơm vào trào ngược lệ quản đối diện: Chẩn đoán tắc lệ quản chung
+ Đưa kim vào dễ dàng, chất nhầy trào ngược lệ quản đối diện: Tắc ống lệ mũi kèm túi lệ mãn, hai lệ quản thông
+ Đưa kim vào dễ, nước trào ngược kèm chất nhầy hoặc túi lệ căng phồng: Tắc ống lệ mũi hoàn toàn và tắc lệ quản đối diện.
+ Đưa kim vào dễ, nước đồng thời trào ngược và chảy xuống mũi: Hẹp một phần ống lệ mũi.
+ Kim vào dễ dàng, nước xuống mũi: Ống lệ mũi thông.
5.2. Điều trị
Bệnh viêm tắc lệ đao được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Tùy theo vị trí tắc, chuyên gia nhãn khoa sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật thích hợp.
5.2.1. Tắc trước túi lệ
Các phương pháp phẫu thuật tắc trước túi lệ là: Mở rộng điểm lệ, cắt chỗ hẹp lệ quản, nối thông hồ lệ với miệng (tạo một đường hầm từ hồ lệ xuống miệng), nối thông kết mạc với xương hàm, nối thông kết mạc với túi lệ, nối thông kết mạc, túi lệ và mũi.
5.2.2. Tắc sau túi lệ
Tắc sau túi lệ chủ yếu được giải quyết bằng phẫu thuật nối thông túi lệ. Có hai kiểu nối thông túi lệ xử lý tắc sau túi lệ là: Nối thông qua đường mũi và nối thông qua đường rạch da.
5.2.3. Chấn thương đứt lệ quản
Bệnh viêm tắc lệ đạo do đứt lệ quản được cải thiện bằng phẫu thuật nối lệ quản và đặt ống silicon trong lòng lệ quản.
Phía trên là thông tin cơ bản về viêm tắc lệ đạo. Hy vọng rằng với chúng, bạn sẽ biết phải làm thế nào khi không may gặp phải bệnh lý này. Thu Cúc TCI chúc đôi mắt bạn luôn luôn sáng ngời.