Bệnh viêm ruột thừa cấp: Chẩn đoán và điều trị

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Bệnh viêm ruột thừa cấp là bệnh lý đường tiêu hóa thường gặp, cần được cấp cứu kịp thời. Việc được phát hiện và điều trị sớm giúp đảm bảo sức khỏe cho người bệnh, ngăn chặn biến chứng viêm phúc mạc đe dọa đến tính mạng. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về viêm ruột thừa cấp, cách chẩn đoán và điều trị bệnh qua bài viết sau đây.

1. Thế nào là bệnh viêm ruột thừa cấp?

Ruột thừa là một đoạn ruột nhỏ, dạng túi dài vài centimet, hẹp. Cơ quan này dính vào manh tràng, nằm ở nơi nối tiếp giữa ruột non và ruột già. Hiện nay chức năng của ruột thừa đối với cơ thể vẫn chưa được xác định cụ thể.

Tình trạng viêm cấp tính xảy ra ở ruột thừa được gọi là viêm ruột thừa cấp. Nguyên nhân gây viêm có thể do sự tắc nghẽn trong lòng ruột thừa do sỏi phân, dị vật, khối u ruột thừa hoặc manh tràng, phì đại các nang bạch huyết dưới niêm mạc,… Khi ruột thừa bị viêm, lượng vi khuẩn sẽ nhân lên nhanh chóng, gây sưng và hóa mủ.

Ruột thừa có thể bị vỡ nếu không được điều trị kịp thời, khiến mủ lan tràn vào ổ bụng gây viêm phúc mạc. Đây là tình trạng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Ở một số trường hợp, viêm ruột thừa có thể bị giới hạn bởi các cơ quan xung quanh, hình thành các ổ áp xe.

Bệnh viêm ruột thừa cấp

Viêm ruột thừa cấp tính cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh

2. Chẩn đoán viêm ruột thừa cấp bằng cách nào?

2.1. Khám lâm sàng

Triệu chứng lâm sàng điển hình có thể tìm thấy ở 70% người bệnh viêm ruột thừa cấp. Do đó, phương pháp chẩn đoán được áp dụng đầu tiên là dựa trên các triệu chứng lâm sàng đặc trưng như:

– Đau vùng bụng quanh rốn hoặc vùng thượng vị (trên rốn) trong giai đoạn đầu, sau đó cơn đau xuất hiện ở hố chậu phải.

– Tình trạng đau bụng diễn ra liên tục và tăng mức độ trong vài giờ. Cơn đau tăng lên khi thở mạnh, ho, hắt hơi, xoay người, đi lại hoặc khi đụng vào.

– Rối loạn đại tiện: Thường là táo bón, đôi khi có thể bị tiêu chảy.

– Tim đập nhanh.

– Sốt cao đi kèm với cảm giác lạnh run, đây là tình trạng có thể liên quan đến biến chứng của viêm ruột thừa.

– Chán ăn, hơi thở có mùi hôi, lưỡi bẩn.

– Tiểu rắt, tiểu đau.

– Giai đoạn trễ của viêm ruột thừa cấp có thể gây chướng bụng.

Bác sĩ có thể ấn nhẹ vào vùng bụng bị đau khi trong quá trình khám lâm sàng. Cơn đau ruột thừa có xu hướng nặng hơn khi bác sĩ bỏ tay ra. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy vùng phúc mạc lân cận bị viêm. Người bệnh thường có khuynh hướng gồng cứng bụng và co cơ bụng để phản ứng lại áp lực tác động lên vùng bụng viêm nhiễm.

Bên cạnh đó, bác sĩ có thể kiểm tra trực tràng của người bệnh trong trường hợp cần thiết. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có thể được chỉ định thăm khám vùng tiểu khung nhằm mục đích loại trừ cơn đau do các bệnh phụ khoa.

2.2. Một số xét nghiệm chẩn đoán bệnh viêm ruột thừa cấp

Xét nghiệm máu: Xác định dấu hiệu nhiễm trùng trong cơ thể thông qua số lượng bạch cầu và chỉ số CRP (C-reactive protein – một loại protein được hình thành từ gan).

– Xét nghiệm nước tiểu: Giúp loại trừ nguyên nhân gây đau do sỏi thận hoặc nhiễm trùng đường tiểu.

– Thử que thử thai với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản để loại trừ mang thai ngoài tử cung.

Bệnh viêm ruột thừa cấp tính

Chụp cắt lớp CT là phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu cao trong chẩn đoán viêm ruột thừa cấp

2.3. Phát hiện bệnh bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh

Chẩn đoán hình ảnh là biện pháp tối ưu đánh giá chính xác tình trạng viêm ruột thừa cấp. Phương pháp này đóng vai trò đặc biệt quan trọng với những trường hợp có triệu chứng không điển hình.

Các nghiên cứu đã chỉ ra, nếu chỉ dựa vào lâm sàng, trường hợp chẩn đoán sai viêm ruột thừa cấp có thể chiếm tỷ lệ đến 30%. Tuy nhiên, tỷ lệ này giảm xuống còn 14% khi kết hợp với siêu âm và còn 7% nếu sử dụng chụp cắt lớp vi tính CT.

Dưới đây là các phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường được áp dụng để kiểm tra viêm ruột thừa cấp:

Siêu âm ổ bụng

Phương pháp này sử dụng đầu dò tần số cao khảo sát vùng nhạy cảm đau, nghi ngờ viêm ruột thừa cấp. Siêu âm có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, có giá trị lớn trong việc phát hiện viêm ruột thừa với tỷ lệ lên tới 98%. Bên cạnh đó, siêu âm cũng giúp chẩn đoán các bệnh lý gây đau vùng hố chậu phải như bệnh tiết niệu và phụ khoa.

Lưu ý rằng siêu âm để chẩn đoán viêm ruột thừa cấp có thể gặp khó khăn với người bệnh béo phì, phụ nữ mang thai trên 6 tháng, bụng chướng hơi, bàng quang quá căng. Trường hợp có phản ứng thành bụng hoặc vị trí ruột thừa bất thường cũng có thể dẫn đến những sai sót trong chẩn đoán bằng siêu âm.

Chụp X-quang ổ bụng

Chụp X-quang cũng có thể được chỉ định trong chẩn đoán viêm ruột thừa. Trên hình ảnh X-quang có thể quan sát được sỏi phân ruột thừa. Tuy nhiên độ tin cậy của phương pháp này ở mức thấp do hình ảnh viêm ruột thừa cấp tương tự nhiều bệnh lý khác.

Chụp Barit bằng thụt

Ruột thừa bình thường có thể chứa đầy Barit khi tiến hành thụt. Nếu Barit không đi qua được, đây có thể là dấu hiệu cho biết ruột thừa bị viêm hoặc tắc. Chẩn đoán hình ảnh này cũng có giá trị phân biệt viêm ruột thừa cấp với một số bệnh lý khác như: viêm đại tràng co thắt, viêm hồi manh tràng, ung thư đại tràng,…

Chụp cắt lớp vi tính vùng bụng

Chụp CT có độ nhạy và độ đặc hiệu cao hàng đầu trong chẩn đoán viêm ruột thừa cấp. Kỹ thuật này giúp chẩn đoán chính xác bệnh trong những trường hợp khó, không điển hình. Hình ảnh cắt lớp cũng có giá trị chẩn đoán phân biệt trong những trường hợp không rõ ràng.

3. Biện pháp điều trị bệnh viêm ruột thừa cấp

Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa bị viêm được đánh giá là “tiêu chuẩn vàng” trong điều trị viêm ruột thừa. Trước khi phẫu thuật, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng kháng sinh để ngăn chặn nguy cơ nhiễm trùng.

Điều trị bệnh viêm ruột thừa cấp

Người bệnh có thể được chỉ định mổ hở hoặc mổ nội soi cắt ruột thừa bị viêm

3.1. Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa

Đây có thể là phẫu thuật hở (hay phẫu thuật mở) hoặc phẫu thuật nội soi. Phẫu thuật hở được thực hiện bằng cách rạch da vùng bụng 5cm – 10cm. Trong khi đó, phẫu thuật nội soi được tiến hành thông qua một vài lỗ nhỏ ở bụng.

Phẫu thuật nội soi thường giúp người bệnh nhanh phục hồi hơn mổ mở, vết thương ít đau và ít để lại sẹo. Bác sĩ sẽ đưa vào ổ bụng người bệnh một camera ghi trực tiếp hình ảnh quá trình phẫu thuật nội soi và những thiết bị chuyên dụng cho việc cắt ruột thừa. Đây là lựa chọn tốt cho hầu hết người bệnh nếu không thuộc các trường hợp chống chỉ định như: bệnh lý tim mạch và bệnh lý hô hấp nặng, đã phẫu thuật ổ bụng trước đó,…

Người bệnh sẽ được chỉ định chuyển sang mổ mở nếu thuộc các trường hợp sau đây:

– Vị trí ruột thừa nằm bất thường.

– Viêm ruột thừa có biến chứng không thể thực hiện phẫu thuật nội soi hoặc không an toàn khi thực hiện phẫu thuật nội soi.

– Biến chứng viêm phúc mạc trong tình trạng ruột quá chướng hơi.

– Ổ bụng quá bẩn nhưng phẫu thuật nội soi không thể làm sạch ổ bụng.

Việc chuyển từ phẫu thuật nội soi sang mổ hở nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị. Quyết định này hoàn toàn không phải là sự thất bại của mổ nội soi.

Thông thường người bệnh cần nằm viện 1 – 2 ngày nếu ruột thừa viêm không biến chứng được phẫu thuật nội soi. Thời gian nằm viện sẽ lâu hơn (khoảng 5 ngày) trong trường hợp viêm ruột thừa có biến chứng vỡ gây viêm phúc mạc.

3.2. Điều trị bệnh viêm ruột thừa cấp không phẫu thuật

Người bệnh có thể điều trị với kháng sinh trong trường hợp viêm ruột thừa không biến chứng. Theo một số nghiên cứu, tỷ lệ thành công của việc điều trị bằng kháng sinh có thể hơn 90%. Tuy nhiên tỷ lệ tái phát khá cao (hơn 30%) sau 1 năm điều trị bảo tồn không mổ. Đây là lý do vì sao phẫu thuật cắt ruột thừa vẫn là “tiêu chuẩn vàng” cho điều trị viêm ruột thừa cấp.

Nếu viêm ruột thừa không gây biến chứng và tình trạng người bệnh không đảm bảo cho phẫu thuật, người bệnh có thể được điều trị bảo tồn với kháng sinh. Những trường hợp này bao gồm: người bệnh rối loạn đông máu, người đang có bệnh nội khoa rất nặng không thể chịu được cuộc phẫu thuật,…

Nếu viêm ruột thừa có biến chứng vỡ gây áp-xe ruột thừa, người bệnh sẽ được chọc dẫn lưu áp-xe dưới hướng dẫn của siêu âm. Sau đó người bệnh sẽ được điều trị phối hợp với kháng sinh. Bác sĩ sẽ cân nhắc cắt ruột thừa sau 6 tháng khi tình trạng của người bệnh ổn định.

Trên đây là các phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh viêm ruột thừa cấp. Đây là cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm, cần được điều trị càng sớm càng tốt. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường cảnh báo viêm ruột thừa cấp, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và can thiệp kịp thời, ngăn ngừa biến chứng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital