Bệnh ung thư đại tràng là một bệnh lý khá phổ biến ở nước ta với số lượng người bệnh là nam giới chiếm tỷ lệ nhiều hơn so với nữ giới. Vậy đâu là nguyên nhân hình thành nên bệnh, các triệu chứng điển hình, phương pháp chẩn đoán và điều trị như thế nào, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân hình thành và triệu chứng của ung thư đại tràng
1.1 Nguyên nhân hình thành nên bệnh ung thư đại tràng
Phần lớn ung thư đại trực tràng là ung thư biểu mô tuyến bắt nguồn từ tế bào biểu mô. Bệnh lý này chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh nhưng tồn tại các yếu tố làm tăng nguy cơ cao hình thành nên ung thư đại tràng đó là:
– Yếu tố dinh dưỡng: Chế độ ăn giàu thịt đỏ, thức ăn chế biến sẵn, ít chất xơ, thực phẩm có chứa nitrosamin…
– Yếu tố di truyền: Tiền sử người thân trong gia đình từng mắc ung thư đại tràng, polyp tuyến,
– Một số tổn thương tiền ung thư: Polyp đại tràng, viêm đại tràng xuất huyết, bệnh crohn…
– Thói quen gây hại nghiêm trọng như: Hút thuốc lá, uống rượu bia, không hoạt động thể dục…
– Một số vấn đề về sức khỏe làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng: Béo phì, thừa cân, tiểu đường…
1.2 Triệu chứng nhận biết của bệnh nhân mắc ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng thường không được chú ý ở giai đoạn sớm vì triệu chứng nghèo nàn, ít gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bệnh nhân có thể nhầm lẫn thành các vấn đề về tiêu hóa. Dưới đây là các triệu chứng xuất hiện ở hầu hết các đối tượng mắc ung thư đại tràng:
– Có thay đổi trong thói quen đại tiện, xen kẽ giữa táo bón và tiêu chảy; cảm giác đi ngoài không hết phân.
– Có thay đổi về tính chất, hình dạng của phân như dẹt hơn, có mùi tanh bất thường, trong phân có lẫn nhầy, lẫn máu.
– Đau vùng bụng dưới, đầy hơi, bí trung tiện.
– Cơ thể suy nhược, sụt cân nhanh chóng, mệt mỏi, nôn ói…
2. Chẩn đoán và điều trị bệnh lý ác tính đường tiêu hóa – Ung thư đại tràng
2.1 Chẩn đoán bệnh lý ung thư đại tràng
Sau quá trình thăm khám ban đầu với bác sĩ để khai thác thông tin về các triệu chứng, tiền sử bệnh, tình trạng sức khỏe hiện tại… trong trường hợp có nghi ngờ bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện những kiểm tra cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh, xác định chính xác được kết quả.
– Siêu âm ổ bụng
– Xét nghiệm máu trong phân
– Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ MRI xác định ung thư đại tràng
– Nội soi đại trực tràng
– Sinh thiết mẫu mô hoặc tế bào bất thường đại tràng.
2.2 Xác định phương hướng điều trị ung thư đại tràng
Phương pháp điều trị ung thư đại trực tràng được xác định dựa vào giai đoạn – mức độ tiến triển của tế bào ung thư và các yếu tố liên quan đến tuổi tác, sức khỏe, bệnh sử, mong muốn… của người bệnh. Bệnh ung thư đại tràng có thể được can thiệp điều trị bằng nhiều phương pháp như: Phẫu thuật, hóa trị, xạ trị… Các phương pháp điều trị này có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc phối kết hợp với nhau tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ dựa trên tình trạng riêng của mỗi người bệnh.
Hiện nay phẫu thuật triệt căn vẫn là phương pháp điều trị chính cho người mắc ung thư đại tràng. Sử dụng hóa chất đơn thuần không có khả năng tiêu diệt được toàn bộ tế bào ác tính mà phương pháp này sẽ tiêu diệt được triệt để tế bào ác tính khi kết hợp với phẫu thuật và xạ trị. Sử dụng hóa chất trước phẫu thuật sẽ làm giảm được một số lượng lớn tế bào ung thư đại tràng, số còn lại sẽ sử dụng phẫu thuật để triệt căn. Hoặc hóa chất được sử dụng sau phẫu thuật để tiêu diệt những tế bào ung thư đại tràng còn sót lại mà phẫu thuật không thể lấy hết được.
Điều trị ung thư đại trực tràng bằng xạ trị cũng được kết hợp cùng phẫu thuật tuy nhiên cách kết hợp này ít phổ biến hơn so với hóa trị. Thông thường xạ trị được chỉ định cho những trường hợp mắc ung thư đại tràng không còn khả năng điều trị bằng phẫu thuật.
3. Tiên lượng sống cho bệnh nhân ung thư đại tràng và lời khuyên hữu ích
3.1 Tiên lượng sống theo từng giai đoạn ung thư đại tràng
Người bệnh ung thư đại trực tràng muốn kết quả điều trị tốt thì cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là thời điểm, giai đoạn sớm của bệnh. Nhiều nghiên cứu và khảo sát đã chỉ ra mắc ung thư đại tràng được phát hiện ở giai đoạn càng sớm và can thiệp điều trị bằng phác đồ phù hợp kịp thời có cơ hội sống khoảng 90% trên 5 năm. Và con số này sẽ giảm dần theo các giai đoạn sau là khoảng 80% đối với giai đoạn 2, 60% đối với giai đoạn 3 và chỉ khoảng 11% đối với giai đoạn 4.
3.2 Lời khuyên trong phòng tránh ung thư đại tràng
Không có cách nào để ngăn chặn hoàn toàn bệnh ung thư đại tràng, nhưng bạn có thể chủ động thay đổi các yếu tố nguy cơ và thực hiện một số phương pháp giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Cụ thể đó là thay đổi lối sống bằng cách không hút thuốc lá, hạn chế đồ uống có cồn, sử dụng chế độ ăn nhiều chất xơ, chủ động rèn luyện sức khỏe hàng ngày, duy trì cân nặng ở mức hợp lý.
Đặc biệt, cách tốt nhất để phòng và bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình, là nên thực hiện tầm soát ung thư càng sớm càng tốt. Tầm soát ung thư đại tràng định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư từ đó đem đến cơ hội sống cao hơn. Điển hình là những đối tượng có nguy cơ cao nên chủ động sàng lọc ung thư đại tràng như có độ tuổi trên 50, có tiền sử mắc ung thư đại tràng hay đa polyp, có tiền sử gia đình mắc hội chứng đa polyp gia đình, hội chứng Lynch, là đối đượng mắc viêm loét đại trực tràng, bệnh Crohn…