Bệnh quai bị uống thuốc gì?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Quai bị là bệnh có đặc tính dễ lây, có thể gây biến chứng nghiêm trọng nếu không điều trị kịp thời, do đó mắc bệnh quai bị uống thuốc gì cho nhanh khỏi là mối quan tâm của rất nhiều người.

1. Tổng quan về quai bị

Quai bị là một bệnh lý nhiễm trùng do virus quai bị (Mumps virus) thuộc họ Paramyxoviridae gây ra. Bệnh còn có tên gọi khác là bệnh viêm tuyến mang tai hoặc viêm tuyến nước bọt vùng mang tai do virus quai bị. Đây là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây chủ yếu qua đường hô hấp và dễ bùng phát thành dịch.

Bệnh thường xuất hiện và lây lan mạnh vào mùa xuân, đặc biệt là tháng 4 và tháng 5. Các môi trường tập thể đông người như trường học, nhà trẻ, … là các địa điểm dễ lây lan bệnh nhất.

Quai bị là một bệnh lý nhiễm trùng do virus quai bị (Mumps virus) gây ra

Đối tượng mắc quai bị nhiều nhất là trẻ em và thanh thiếu niên

Nghiên cứu cho thấy, quai bị có thể gây bệnh ở bất kỳ lứa tuổi và giới tính nào, tuy nhiên khả năng mắc bệnh ở nam thường cao hơn nữ. Nhóm đối tượng mắc quai bị nhiều nhất là trẻ em và thanh thiếu niên. Trong đó, với trẻ em, nguy cơ mắc bệnh thường tăng cao với các trẻ trên 2 tuổi.

Triệu chứng điển hình của bệnh quai bị là viêm sưng tuyến nước bọt vùng mang tai (có thể có hoặc không hóa mủ). Sau khi nhiễm virus quai bị từ 14-20 ngày, người bệnh sẽ bắt đầu cảm thấy khó chịu, sốt, đau họng, sưng góc hàm, ăn kém,.,. Trong khoảng 1-2 ngày tiếp theo, tuyến mang tai sẽ sưng to dần và thường sưng cả 2 bên, trong đó một bên thường sưng to hơn bên còn lại. Cũng có trường hợp chỉ sưng 1 bên nhưng ít gặp hơn. Tuy gây đau ở vùng tuyến mang tai bị sưng nhưng da ở vùng này không bị đỏ, ấn vào không gây lõm. Vùng sưng sẽ làm cho mặt người bệnh bị biến dạng, phình to ra, cằm xệ xuống. Bệnh nhân có thể thấy đau khi nuốt, dẫn đến không muốn ăn và có nguy cơ gây suy nhược cơ thể.

Thông thường, khi mắc quai bị, nếu được chăm sóc và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể khỏi bệnh trong khoảng 10 ngày. Tuy nhiên nếu bệnh không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bệnh có thể diễn tiến nặng và gây ra những biến chứng nguy hiểm như: viêm tinh hoàn ở nam giới, viêm buồng trứng ở nữ giới, … ảnh hưởng đến cuộc sống về sau.

2. Mắc bệnh quai bị uống thuốc gì để khỏi?

“Mắc bệnh quai bị uống thuốc gì?” là vấn đề mà nhiều người quan tâm, tuy nhiên, khi thấy trẻ có những biểu hiện của bệnh quai bị, gia đình nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để các bác sĩ thăm khám và kê đơn thuốc điều trị phù hợp với tình trạng bệnh của trẻ, chứ không nên tự ý mua thuốc về điều trị cho con. Đặc biệt, cha mẹ lưu ý không tự tiện mua kháng sinh cho con uống, vì quai bị là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, sử dụng kháng sinh không có tác dụng, trừ trường hợp trẻ có dấu hiệu bội nhiễm vi khuẩn.

"Mắc bệnh quai bị uống thuốc gì?" - Các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp cho con sau khi khám

Cha mẹ nên đưa con đi khám khi nghi ngờ con mắc quai bị

Thực tế hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh quai bị, do đó phương pháp điều trị hiện tại chủ yếu là điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ nhằm hạn chế các biến chứng xấu xảy ra, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.

Tùy từng trường hợp, các bác sĩ có thể kê một số loại thuốc sau cho người bị mắc bệnh quai bị:

2.1. Thuốc hạ sốt, giảm đau

Như đã nêu ở phần đầu, bệnh quai bị có triệu chứng phổ biến nhất là viêm sưng tuyến nước bọt mang tai kèm sốt. Do đó, cha mẹ có thể sử dụng một số phương pháp hỗ trợ điều trị cho con như:

– Chườm ấm chỗ sưng đau

– Cho trẻ súc miệng bằng nước muối để vệ sinh họng

– Trường hợp trẻ đau quá hoặc bị sốt cao trên 38.5 độ C, cha mẹ có thể cho con uống thuốc hạ sốt, giảm đau paracetamol

Khi sử dụng loại thuốc này, cha mẹ lưu ý cần sử dụng liều thuốc phù hợp với cân nặng của trẻ, mỗi lần cho trẻ uống cần cách nhau tối thiểu 4-6 tiếng. Tuyệt đối không cho trẻ uống quá liều vì có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.

2.2. Thuốc Oresol bổ sung điện giải

Khi trẻ bị sốt do mắc quai bị, cơ thể sẽ bị mất nước cùng với các chất điện giải. Do đó, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng Oresol để bù nước và điện giải cho trẻ.

Bác sĩ có thể chỉ định sử dụng Oresol để bù nước và điện giải cho trẻ.

Cho trẻ uống Oresol để bù nước và điện giải

2.3. Thuốc chứa corticoid

Corticoid có khả năng chống viêm và giảm đau rất hiệu quả. Do đó, bác sĩ có thể chỉ định thuốc chứa Corticoid khi người bệnh xuất hiện biến chứng viêm tinh hoàn. Khi dùng thuốc, bác sĩ thường cho người bệnh uống liều cao, sau đó giảm liều từ từ. Người bệnh cần uống thuốc liên tục trong vòng từ 4 – 7 ngày, mỗi ngày 1 liều.

Mặc dù có công dụng kháng viêm, giảm đau, nhưng Corticoid không có khả năng làm giảm nguy cơ teo tinh hoàn ở bệnh nhân nam giới. Bên cạnh đó, loại thuốc này cũng có thể đem đến nhiều tác dụng phụ như viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hóa, hay ức chế miễn dịch,… Cũng bởi vậy, các bậc phụ huynh không nên tự ý mua thuốc cho con uống mà chỉ sử dụng khi có chỉ định và sự hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa.

2.4. Vitamin B, C, E

Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc bổ sung các vitamin như B, C, E sẽ giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể, đồng thời củng cố hàng rào miễn dịch cho trẻ. Nhờ đó, trẻ có thể nhanh chóng phục hồi và đẩy lùi tác nhân gây bệnh ra khỏi cơ thể.

2.5. Thuốc trợ tim và kháng sinh

Bác sĩ sẽ chỉ áp dụng loại thuốc này trong trường hợp người bệnh bị biến chứng nặng như: viêm cơ tim, viêm não, viêm màng não,…

2.6. Thuốc an thần

Mắc bệnh quai bị uống thuốc gì đây? Một câu trả lời có thể khiến nhiều người khá bất ngờ, đó là thuốc an thần. Khi bị bệnh quai bị, người bệnh sẽ cảm thấy đau ở vùng sưng, đau hàm, … khiến khó ngủ, mệt mỏi. Do đó, bác sĩ có thể chỉ định thêm loại thuốc này để giúp người bệnh giảm bớt căng thẳng và dễ ngủ hơn.

2.7. Một số biện pháp điều trị hỗ trợ khác khi trẻ mắc quai bị

Bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người mắc bệnh quai bị cũng cần có chế độ chăm sóc kỹ lưỡng hơn. Cụ thể, nếu trẻ bị mắc bệnh quai bị, bố mẹ nên:

– Chườm ấm cho con tại vị trí sưng, đau để con cảm thấy dễ chịu hơn

– Vệ sinh sạch sẽ tai mũi họng cho con hàng ngày để giảm tác nhân gây hại

– Loại bỏ các thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ trong thực đơn cho trẻ, thay vào đó chế biến các món dễ nuốt như súp, cháo để con dễ ăn, qua đó cơ thể trẻ có thể đảm bảo được dinh dưỡng và nhanh khỏi bệnh hơn

– Nhắc trẻ uống bổ sung thêm nhiều nước, bên cạnh Oresol

– Khi tắm cho trẻ, không dùng nước lạnh vì tắm nước lạnh có thể khiến các vị trí sưng bị sưng to hơn cũng như đau nhiều hơn.

– Nhắc trẻ không dùng chung các vật dụng cá nhân với các thành viên trong gia đình để tránh lây bệnh.

Trên đây là tất cả những thông tin giải đáp cho câu hỏi “bệnh quai bị uống thuốc gì?”, hy vọng đã có thể giúp bố mẹ nắm được cơ bản các loại thuốc cũng như phương pháp điều trị cho trẻ khi trẻ không may mắc bệnh quai bị. Tuy nhiên, vẫn cần phải nhắc lại, cha mẹ nên đưa con đi khám rồi mới sử dụng thuốc theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ để việc điều trị bệnh được an toàn và hiệu quả.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital