Hiện nay, việc tầm soát ung thư cổ tử cung trở nên ngày càng phổ biến và đem lại nhiều lợi ích cho chị em. Tuy nhiên, bao lâu nên kiểm tra tầm soát ung thư cổ tử cung một lần để dự phòng tốt nhất cho sức khỏe là câu hỏi mà nhiều chị em đang quan tâm. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bài viết này sẽ chỉ rõ từng mốc thời gian giúp chị em có kế hoạch sàng lọc ung thư cổ tử cung đạt hiệu quả tốt nhất.
Menu xem nhanh:
1. Tầm quan trọng của việc tầm soát ung thư cổ tử cung
Tầm soát ung thư cổ tử cung là tổng hợp các phương pháp giúp chẩn đoán, phát hiện sớm và phòng ngừa các dấu hiệu bất thường ở cổ tử cung của phụ nữ. Thông thường, các tế bào bất thường này sẽ xuất hiện và phát triển dần dần qua nhiều năm dưới tác động của các tác nhân gây bệnh. Vì vậy, ở giai đoạn đầu, bệnh rất khó nhận biết vì triệu chứng bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh lý phụ khoa khác. Và đến khi bệnh phát triển đến giai đoạn cuối và những dấu hiệu này bắt đầu hiện diện thì việc thăm khám lúc này không còn đem lại giá trị điều trị cao như trước nữa.
Nguyên nhân chính gây nên ung thư cổ tử cung chủ yếu là do virus HPV. Tuy nhiên, quá trình HPV nguy cơ cao tiến triển thành ung thư xâm lấn mất khoảng 10 đến 15 năm. Trong một số ít trường hợp đặc biệt, khoảng thời gian này rút ngắn còn 1-2 năm. Do đó, việc tầm soát phát hiện sớm bệnh khi chưa có biểu hiện đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp bệnh nhân thoát “án tử” do bệnh ác tính.
2. Các phương pháp xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung phổ biến hiện nay
2.1. Xét nghiệm tế bào cổ tử cung
Đây là xét nghiệm phổ biến nhất giúp phát hiện những thay đổi của các tế bào có nguy cơ dẫn đến ung thư cổ tử cung.
Để thực hiện xét nghiệm, các bác sĩ tiến hành thu thập mẫu tế bào từ khu vực cổ tử cung, dùng một bàn chải mềm hoặc thìa nhỏ để lấy mẫu tế bào từ cổ tử cung và gửi mẫu này đến phòng xét nghiệm để phân tích. Hai xét nghiệm tế bào cổ tử cung phổ biến nhất là PAP Smear va Thinprep.
2.2. Xét nghiệm HPV
Đây là xét nghiệm giúp phát hiện sớm các chủng virus HPV nguy cơ cao gây nên ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Mẫu xét nghiệm HPV được thực hiện băng cách lấy mẫu tế bào từ cổ tử cung đem đi phân tích nhằm xác định chính xác sự hiện diện của virus HPV.
Phương pháp xét nghiệm HPV không hoàn toàn khẳng định 100% chị em có mắc ung thư cổ tử cung hay không, tuy nhiên, phương pháp này sẽ giúp sớm tìm thấy sự hiện diện của virus HPV các dấu hiệu bất thường đang tồn tại. Từ đó các bác sĩ sẽ có những biện pháp phòng ngừa, theo dõi và điều trị từ sớm.
3. Thời điểm nên kiểm tra tầm soát ung thư cổ tử cung lại?
Sàng lọc ung thư cổ tử cung là yếu tố tiên quyết hàng đầu để tìm ra tế bào bất thường trước khi chúng biến đổi thành ung thư. Từ đó tăng cơ hội điều trị thành công và giảm thiểu gánh nặng chi phí điều trị. Việc tầm soát ung thư cổ tử cung đặc biệt quan trọng với phụ nữ ở độ tuổi trung niên. Tuy nhiên, tần suất tầm soát ung thư cổ tử cung không phải ai cũng biết. Dưới đây là các mốc thời gian cần chú ý khi tầm soát ung thư cổ tử cung.
3.1. Các mốc thời gian quan trọng cần lưu ý khi kiểm tra tầm soát ung thư cổ tử cung
Để trả lời cho câu hỏi “Bao lâu nên kiểm tra sàng lọc ung thư cổ tử cung?”, cần phải dựa vào các loại xét nghiệm, tuổi đời và tiền sử bệnh lý của mỗi người để có câu trả lời chính xác nhất. Dưới đây là 2 mốc thời gian chị em nên lưu ý. Cụ thể:
Phụ nữ từ 21 đến 29 tuổi
Đối với chị em ở độ tuổi này, nên thực hiện xét nghiệm PAP smear hoặc Thinprep 3 năm/1 lần nếu kết quả xét nghiệm hoàn toàn bình thường.
Đặc biệt chú ý, xét nghiệm virus HPV không được khuyến cáo ở độ tuổi này.
Phụ nữ trung niên từ 30 đến 65 tuổi
Ở độ tuổi này, chị em cần lưu ý thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung với tần suất như sau:
– Nếu thực hiện lẻ xét nghiệm PAP smear hoặc Thinprep chỉ cần tầm soát 3 năm/lần nếu kết quả xét nghiệm bình thường.
– Nếu thực hiện lẻ xét nghiệm virus HPV chỉ cần tầm soát 5 năm/lần nếu kết quả xét nghiệm bình thường.
– Thực hiện đồng thời Xét nghiệm PAP Smear/Thinprep và xét nghiệm virus HPV 5 năm/1 lần nếu kết quả xét nghiệm bình thường.
Nếu có kết quả bất thường thì chị em nên tầm soát thường xuyên hơn dựa trên những tư vấn của bác sĩ chuyên môn.
3.2. Đến lúc nào có thể ngưng kiểm tra tầm soát ung thư cổ tử cung?
Phụ nữ sau 65 tuổi nếu không có tiền sử xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung biến đổi bất thường, đồng thời có kết quả thực hiện xét nghiệm Pap/ HPV âm tính liên tiếp trong vòng 10 năm thì có thể dừng kiểm tra sàng lọc ung thư cổ tử cung.
Ngoài ra, với trường hợp chị em đã thực hiện phẫu thuật cắt toàn bộ tử cung, bao gồm cả cổ tử cung để điều trị bệnh u xơ tử cung có thể cân nhắc ngừng sàng lọc dấu ấn ung thư. Tuy nhiên, với những người phẫu thuật loại bỏ tế bào tiền ung thư hoặc ung thư cổ tử cung vẫn nên duy trì việc thực hiện sàng lọc này.
4. Những lưu ý trước khi kiểm tra ung thư cổ tử cung
Chị em cần ghi nhớ một số lưu ý sau đây để đảm bảo quy trình khám diễn ra an toàn, hiệu quả:
– Không làm xét nghiệm vào những ngày trong chu kỳ kinh nguyệt. Thời gian tốt nhất để tiến hành thăm khám là sau khi kết thúc chu kỳ kinh nguyệt tối thiểu 3 ngày.
– Không sử dụng tampon, kem thoa âm đạo hoặc thụt rửa âm đạo trong 2 đến 3 ngày trước khi khám.
– Tránh quan hệ tình dục 2 ngày trước khi thăm khám
– Trường hợp chị em đang đặt thuốc hoặc trong quá trình điều trị viêm nhiễm phụ khoa, hãy thông báo với bác sĩ trước buổi xét nghiệm.
Nhìn chung, có thể thấy, việc sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung là hoạt động có ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp đem lại cơ hội chữa trị cao hơn cho người bệnh.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính an toàn và chính xác, chị em nên thăm khám ở những cơ sở y tế được trang bị máy móc khám bệnh hiện đại cùng đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao. Điển hình có thể kể đến Hệ thống y tế Thu Cúc TCI.
Trên đây là những thông tin về tần suất kiểm tra sàng lọc ung thư cổ tử cung, mong rằng những thông tin trên có thể giúp chị em có thêm hiểu biết để có cho mình kế hoạch thăm khám phù hợp.