Về điều trị thủy đậu (TĐ) cho trẻ, dân gian lưu truyền rất nhiều quan điểm. Trong số những quan điểm đó, không ít quan điểm sai lầm mà nếu bố mẹ áp dụng, có thể khiến trẻ gặp những biến chứng nguy hiểm. Vậy cụ thể thì những quan điểm sai lầm trong điều trị TĐ cho trẻ là gì? Cùng Thu Cúc TCI làm sáng tỏ thắc mắc đó trong bài viết sau, bố mẹ nhé!
Menu xem nhanh:
1. Thủy đậu có thể tiến triển đến những biến chứng nào?
Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm lành tính, không có triệu chứng nặng ngoài những phỏng nước gây khó chịu, nhất là những phỏng nước xuất hiện ở niêm mạc miệng. Tuy nhiên, bệnh truyền nhiễm cấp tính này nếu không chăm sóc cẩn thận, vẫn có thể biến chứng, thậm chí là biến chứng nguy hiểm.
– Nhiễm trùng da: Biến chứng hay gặp nhất của thủy đậu là nhiễm trùng da, nơi mọc phỏng nước. Nhiễm trùng da thường để lại sẹo, gây mất thẩm mỹ. Nguy hiểm hơn, bắt đầu từ nhiễm trùng da, TĐ có thể tiến triển đến nhiễm trùng máu, nhiễm trùng não,…. Những biến chứng này rất khó điều trị, bởi virus Varicella Zoster (VZV) gây TĐ cũng như các loại virus khác, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
– Viêm phổi: Thủy đậu cũng có thể biến chứng đến viêm phổi. Biến chứng này thường xuất hiện vào ngày thứ 3 – 5 kể từ thời điểm những triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Biểu hiện viêm phổi do TĐ là ho nhiều, ho ra máu, khó thở, tức ngực.
– Viên thận: Thủy đậu cũng có thể gây viêm cầu thận, viêm thận cấp.
– Zona thần kinh: Một biến chứng khác liên quan đến virus Varicella Zoster (VZV) là Zona thần kinh. Zona thần kinh (bệnh giời leo) là kết quả sự tái hoạt động của virus Varicella Zoster (VZV). Zona thần kinh thường xuất hiện nhiều năm sau khi trẻ bị thủy đậu và có thể dẫn đến viêm kết mạc, viêm giác mạc, viêm màng bồ đào, rối loạn tiết niệu – trực tràng, liệt mặt, viêm não, viêm màng não. Tất cả các biến chứng này của Zona thần kinh đều rất nguy hiểm. Trong đó, biến chứng nguy hiểm nhất là đau sau Zona – là tình trạng đau dữ dội, dai dẳng, như cắt da cắt thịt vùng da có mụn nước. Tình trạng này có thể kéo dài vài tháng, vài năm hoặc suốt đời.
2. Những quan điểm sai lầm trong điều trị thủy đậu cho trẻ là gì?
Dưới đây là 7 quan điểm sai lầm trong điều trị TĐ cho trẻ, bố mẹ cần tránh để hạn chế nguy cơ bệnh truyền nhiễm cấp tính này biến chứng.
2.1. Kiêng gió
Khi trẻ bị TĐ, nhiều phụ huynh cho rằng trẻ cần tránh gió. Đây là một sai lầm.
TĐ thường bùng phát vào mùa xuân – hè. Khi bị TĐ, trẻ thường ngứa ngáy. Nếu quá kiêng gió, ở trong phòng kín, cơ thể trẻ sẽ bí bách, càng ngứa ngáy, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh mẽ
Nên: Cho trẻ mặc quần áo thoáng, mát, thấm mồ hôi; đồng thời cho trẻ ở nơi lưu thông không khí tốt và sạch sẽ.
2. Kiêng nước
Cùng với kiêng gió, nhiều phụ huynh cũng thực hiện chế độ kiêng nước – kiêng tắm khi trẻ bị TĐ. Không tắm làm vi khuẩn tích tụ trên da, khiến TĐ trầm trọng thêm, thậm chí có thể khiến nhiễm trùng da lan tỏa, viêm da bội nhiễm, nặng hơn nữa là nhiễm trùng máu.
Nên: Tắm hoặc lau người cho trẻ thường xuyên. Lưu ý, khi tắm nên thao tác nhẹ nhàng, tránh làm vỡ các nốt TĐ.
3. Tự chích các nốt thủy đậu
Có nhiều trường hợp bố mẹ lấy kim chọc vỡ phỏng nước TĐ rồi bôi thuốc đông y vào với mong muốn trẻ nhanh hồi phục. Nhưng hậu quả là, TĐ không khỏi mà phỏng nước lại nhiễm trùng, khiến việc điều trị TĐ sau đó trở nên khó khăn hơn.
Nên: Không tự ý chích phỏng nước và bôi các loại thuốc không được chỉ định bởi bác sĩ.
4. Bôi Xanh Methylen khi phỏng nước chưa vỡ
Với mong muốn trẻ nhanh hồi phục, nhiều phụ huynh bôi Xanh Methylen ngay khi phỏng nước chưa vỡ. Làm vậy là vô nghĩa. Phỏng nước chưa vỡ đã bôi Xanh Methylen chỉ gây thêm khó chịu cho trẻ.
Nên: Bôi Xanh Methylen khi phỏng nước đã vỡ. Lúc này Xanh Methylen mới có tác dụng làm khô nhanh bề mặt phỏng nước và ngăn ngừa bội nhiễm.
5. Tắm nước lá không rõ nguồn gốc
Nhiều phụ huynh mua các loại lá về đun nước tắm cho trẻ TĐ. Việc này không những không giúp trẻ nhanh hồi phục mà còn có thể làm tăng nguy cơ trẻ kích ứng da và nhiều biến chứng nguy hiểm khác…
Nên: Tắm cho trẻ bằng nước sạch và lau khô sau tắm.
6. Cho trẻ dùng kháng sinh
Cho rằng kháng sinh có thể dự phòng nhiễm trùng khi bị TĐ, nhiều phụ huynh tự ý cho trẻ sử dụng. Tuy nhiên, kháng sinh trong điều trị TĐ chỉ dùng khi trẻ bội nhiễm vi khuẩn và phải dùng theo chỉ định của bác sĩ. Kháng sinh sử dụng bừa bãi vừa vô nghĩa vừa gây hại cho gan, thận và làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh cho trẻ.
Nên: Chỉ dùng kháng sinh cho trẻ TĐ khi có chỉ định của bác sĩ.
7. Không theo dõi tiến triển của thủy đậu
Đây là sai lầm vô cùng nhiều phụ huynh mắc phải. Sau khi bác sĩ chỉ định dùng thuốc, nhiều phụ huynh yên tâm trẻ sẽ hồi phục nhanh chóng mà không theo dõi sát sao quá trình điều trị của trẻ, dẫn đến việc trẻ gặp những rắc rối khó lường. Bởi bất cứ lúc nào TĐ cũng có thể biến chứng đến nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, viêm não…
Nên: Quan sát cẩn thận sau khi trẻ dùng thuốc. Nếu trẻ bị đau, ngứa, sốt, tiêu chảy… cần cho trẻ tái khám ngay.
Phía trên là 7 sai lầm nghiêm trọng trong điều trị TĐ cho trẻ. Theo đó, để trẻ bị thủy đậu nhanh chóng hồi phục, bố mẹ cần tránh: Kiêng gió, kiêng nước, tự chích các nốt thủy đậu, bôi Xanh Methylen khi phỏng nước chưa vỡ, tắm nước lá không rõ nguồn gốc, tự ý cho trẻ dùng kháng sinh, không theo dõi tiến triển của thủy đậu.
Với những thông tin được chia sẻ trong bài viết này, hy vọng rằng bố mẹ có thể bảo vệ trẻ an toàn trước bệnh truyền nhiễm cấp tính thủy đậu. Để biết thêm các thông tin khác về bệnh truyền nhiễm cấp tính này, liên hệ ngay Thu Cúc TCI, bố mẹ nhé!