Bệnh thủy đậu ở trẻ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Tham vấn bác sĩ

Bệnh thủy đậu ở trẻ là một loại bệnh truyền nhiễm cấp tính, thường gặp ở trẻ em. Mặc dù là bệnh lành tính nhưng thủy đậu rất dễ lây lan và nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong.

1. Về bệnh thủy đậu

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, chủ yếu là ở trẻ em dưới 15 tuổi. Bệnh dễ lây lan ở những nơi có mật độ dân cư đông đúc và thời điểm chuyển mùa. Nhiều người cho rằng thủy đậu chỉ là một bệnh ngoài da và thường chỉ quan tâm đến việc trị mụn nước để lại sẹo làm mất thẩm mỹ. Tuy nhiên trên thực tế, bệnh thủy đậu tiềm ẩn nguy cơ cao bị viêm phổi, rối loạn tâm thần, hôn mê, viêm não, co giật và nguy hiểm nhất là tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Trẻ nhỏ có thể lây nhiễm virus thủy đậu qua các con đường chính như:

– Tiếp xúc với người hoặc trẻ đang mắc bệnh thủy đậu.

– Hít thở chung bầu không khí chứa virus từ người bị bệnh khi thở, hắt hơi, ho…

– Tiếp xúc với các loại dịch từ mắt, mũi hoặc miệng của trẻ em bị bệnh.

– Cầm nắm, sờ vào đồ chơi hoặc sử dụng chung đồ dùng với trẻ mắc bệnh.

Thủy đậu là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ, có khả năng lây lan và bùng phát thành dịch

Thủy đậu là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ, có khả năng lây lan và bùng phát thành dịch

2. Nguyên nhân gây bệnh

Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster (VZV) thuộc họ herpesviruses gây ra. Virus gây bệnh thủy đậu có thể sống vài ngày trong vảy mụn nước thủy đậu hoặc trong không khí, nhưng dễ chết khi tiếp xúc với các chất sát khuẩn thông thường.

Thủy đậu lây truyền ở trẻ em thông qua đường hô hấp và dễ dàng lây lan qua giọt bắn từ người bệnh khi ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Đặc biệt, trẻ em chưa được tiêm phòng vắc xin thủy đậu và sinh hoạt chung trong môi trường như nhà trẻ, trường học… có nguy cơ cao bị lây nhiễm thông qua tiếp xúc với các vật dụng chung như đồ chơi hoặc vật dụng cá nhân.

Trẻ em có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, là đối tượng dễ bị tấn công bởi virus thủy đậu. Hơn nữa, do trẻ còn quá nhỏ để tự bảo vệ khỏi các tác nhân gây bệnh trong môi trường xung quanh nên thường tiếp xúc chung, chơi, ăn và ngủ cùng nhau. Điều này tình cờ làm cho bệnh lây lan một cách dễ dàng hơn. Thậm chí, bệnh có nguy cơ cao bùng phát thành dịch nếu như không được kiểm soát, phòng ngừa và xử lý đúng cách.

3. Nhận biết bệnh thủy đậu ở trẻ

Thủy đậu ở trẻ nhỏ thường biểu hiện thành các mụn nước nhỏ, màu đỏ, xuất hiện rải rác trên da của trẻ. Bệnh thường được chia thành 4 giai đoạn chính như sau:

– Giai đoạn ủ bệnh: Thời gian ủ bệnh của thủy đậu kéo dài khoảng 14-16 ngày, và phát bệnh trong khoảng 10-21 ngày. Trong giai đoạn này, trẻ thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng không quá rõ ràng nên cha mẹ có thể khó nhận biết.

– Giai đoạn khởi phát: Giai đoạn này, trẻ có thể gặp phải một số triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn… Một số trường hợp còn có thể xuất hiện hạch sau tai hoặc viêm họng. Triệu chứng trong giai đoạn này dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng của cảm lạnh thông thường.

– Giai đoạn phát bệnh: Trong giai đoạn này, triệu chứng của bệnh trở nên rõ ràng hơn với các ban đỏ rải rác trên da. Mụn nước gây khó chịu cho trẻ và nếu bị vỡ thì sẽ dẫn tới nguy cơ bị nhiễm trùng.

– Giai đoạn hồi phục: Nếu được điều trị đúng cách, trẻ có thể hồi phục sau khoảng 7-10 ngày. Các mụn nước sẽ khô và hình thành vảy, sau đó bong tróc, trẻ cắt sốt, giảm mệt mỏi, khó chịu và khỏe mạnh trở lại.

Trẻ mắc thủy đậu thường có những mụn nước đỏ li ti, nằm rải rác trên bề mặt da

Trẻ mắc thủy đậu thường có những mụn nước đỏ li ti, nằm rải rác trên bề mặt da

4. Nguyên tắc điều trị thủy đậu

Hiện tại, vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh thủy đậu ở trẻ em. Nguyên tắc điều trị thủy đậu chính là hỗ trợ làm giảm triệu chứng, giảm ngứa, tránh bội nhiễm da và tăng cường đề kháng cho trẻ. Phương pháp điều trị cần có sự chỉ định của bác sĩ sau khi đã thăm khám kỹ lưỡng cho trẻ, cha mẹ tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc hoặc trị mẹo vì có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.

4.1. Điều trị y khoa

Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị tùy thuộc vào tình trạng của từng trẻ. Thuốc được sử dụng với mục đích làm giảm ngứa, giảm đau rát, ngăn ngừa bội nhiễm ở các nốt mụn nước trên da của trẻ:

– Bôi thuốc Xanh Methylen lên các nốt mụn nước trên cơ thể để kháng viêm, giúp chống bội nhiễm da, ngăn ngừa sẹo hình thành.

– Thuốc kháng virus: Cải thiện tình trạng bệnh do tác nhân chính gây ra bệnh thủy đậu chủ yếu là virus.

– Thuốc giảm đau: Giảm đau, khó chịu, cảm giác bứt rứt trên da của trẻ khi bị mọc mụn nước.

– Thuốc hạ sốt: Sử dụng cho trẻ bị sốt cao trên 38,5 độ, có tác dụng hạ sốt nhanh chóng, hiệu quả.

– Thuốc kháng Histamin: Giúp giảm ngứa rát trên da trẻ khi mọc mụn nước.

4.2. Chăm sóc tại nhà

Khi chăm sóc trẻ bị thủy đậu, cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

– Hãy cho trẻ mặc đồ rộng rãi, mềm mại và chất liệu thấm hút mồ hôi để tránh làm vỡ các nốt mụn nước.

– Trẻ bị thủy đậu cần hạn chế tiếp xúc với gió và tránh gãi vào các vùng có nốt mụn. Việc vỡ các nốt mụn nước có thể làm bệnh lây lan sang các vị trí khác trên cơ thể.

– Vệ sinh cơ thể của trẻ bằng nước ấm, tránh sử dụng nước quá lạnh hoặc nước quá nóng.

– Cách ly trẻ khi trẻ bị thủy đậu, để ngăn ngừa việc lây truyền bệnh cho người khác.

Nếu trong quá trình điều trị và theo dõi, cha mẹ thấy trẻ không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc xuất hiện các triệu chứng bất thường thì cần tái khám ngay để được xử trí.

Cha mẹ lưu ý chỉ sử dụng thuốc điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ khi có chỉ định của bác sĩ

Cha mẹ lưu ý chỉ sử dụng thuốc điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ khi có chỉ định của bác sĩ

5. Phòng ngừa thủy đậu đúng cách

Để phòng ngừa bệnh thủy đậu cho trẻ, cha mẹ có thể thực hiện các biện pháp sau:

– Tiêm vắc-xin: Tiêm vắc-xin thủy đậu là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất, giúp cải thiện hệ miễn dịch cho trẻ để có thể chống lại sự tấn công của virus.

– Tránh tiếp xúc với người bị bệnh: Hạn chế để trẻ tiếp xúc trực tiếp với những người đang mắc bệnh thủy đậu để tránh lây nhiễm.

– Giữ vệ sinh cá nhân: Dạy trẻ cách giữ vệ sinh sạch sẽ bằng cách rửa tay thường xuyên, đặc biệt trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với người khác.

– Tránh dùng chung đồ cá nhân: Không nên cho trẻ sử dụng chung đồ chơi, ấm bình, chăn gối và các vật dụng cá nhân khác với trẻ bị bệnh thủy đậu.

– Đảm bảo không gian sạch sẽ: Vệ sinh đồ đạc và không gian sống thường xuyên để loại bỏ bụi bẩn, virus và ngăn chặn sự lây lan của bệnh.

– Dinh dưỡng khoa học: Đảm bảo trẻ có chế độ ăn uống đủ chất, bổ sung dinh dưỡng từ thực phẩm tươi xanh và nghỉ ngơi khoa học để tăng cường hệ miễn dịch.

Bệnh thủy đậu ở trẻ em không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe, tính mạng trẻ. Hy vọng bài viết trên giúp các bậc phụ huynh có thêm những kiến thức hữu ích để phòng ngừa và điều trị thủy đậu ở trẻ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital