6 nguyên nhân gây ra polyp đại tràng

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ

Lê Xuân Thắng

Trưởng Đơn vị Thăm dò chức năng - Nội soi tiêu hóa

Các nguyên nhân gây ra polyp đại tràng khá đa dạng. Mỗi người có thể mắc bệnh do các yếu tố khác nhau. Hiểu rõ về các nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp việc điều trị và phòng bệnh trở nên dễ dàng hơn.

1. Polyp đại tràng là gì?

Trước khi đi tìm hiểu về nguyên nhân gây ra polyp đại tràng bạn cần hiểu đây là bệnh lý gì. Polyp đại tràng là khối nhỏ của các tế bào hình thành trên niêm mạc đại tràng ( ruột già). Phần lớn các polyp đại tràng là lành tính. Tuy nhiên qua thời gian một số polyp có thể phát triển thành ung thư. Bệnh thường được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn vì vậy sẽ nguy hiểm tới tính mạng. Một người có thể có một hoặc nhiều polyp ở đại tràng. Bất cứ ai dù già hay trẻ cũng đều có nguy cơ mắc bệnh này.

Polyp đại tràng thường ít gây ra triệu chứng vì vậy mọi người cần khám đại tràng định kỳ. Tầm soát bệnh giúp phát hiện polyp ở giai đoạn sớm và loại bỏ kịp thời.

Polyp đại tràng là bệnh thường gặp ở hệ tiêu hóa
Polyp đại tràng là bệnh thường gặp ở hệ tiêu hóa

2. Nguyên nhân chủ yếu nào gây ra polyp đại tràng?

Hiện nay vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây polyp. Tuy nhiên các chuyên gia dự đoán việc phân chia và phát triển tế bào nhiều hơn bình thường có thể là nguyên nhân. Polyp là kết quả của những thay đổi di truyền của tế bào trong đại tràng. Điều này gây ảnh hưởng tới chu kỳ sống của tế bào bình thường. Dưới đây là một số yếu tố được cho là có khả năng gây bệnh.

2.1 Tuổi tác là nguyên nhân gây ra polyp đại tràng

Đa số người bị polyp đại tràng ở lứa tuổi 50 trở lên. Theo con số thống kê có khoảng 90% trường hợp cắt polyp ở độ tuổi 50 trở lên. Rất ít trường hợp mắc bệnh trước 40 tuổi. Do vậy các bác sĩ khuyến cáo những người 50 tuổi trở lên nên khám định kỳ đại tràng.

2.2 Tiền sử gia đình

Polyp có yếu tố di truyền vì vậy bạn có thể bị bệnh nếu người nhà bị polyp. Trong gia đình càng có nhiều người mắc bệnh thì bạn càng có nguy cơ cao. Polyp xuất hiện do một số rối loạn di truyền: Hội chứng Gardner, hội chứng Lynch, Polyposis vị thành niên,…

2.3 Nghiện rượu, thuốc lá

Thuốc là và rượu là hai thứ không hề tốt cho sức khỏe nói chung và đại tràng nói riêng. Khi sử dụng cả hai loại này sẽ càng làm tăng nguy cơ phát triển của polyp.

2.4 Béo phì

Thừa cân, béo phì, ăn nhiều chất béo cũng là một trong các yếu tố sản sinh ra polyp. Khi cơ thể thừa chất sẽ gây khó khăn cho tiêu hóa. Các bộ phận này  không còn hoạt động tốt và sinh ra nhiều bệnh.

2.5 Chủng tộc

Theo nghiên cứu của các chuyên gia trên Thế giới thì chủng tộc cũng là yếu tố ảnh hưởng tới sự xuất hiện của polyp. Những người Mỹ gốc Phi sẽ bị polyp nhiều hơn và có thể tiến triển tới ung thư.

2.6 Nguyên nhân gây ra polyp đại tràng do chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt

– Nhiều người có thói quen ăn uống thiếu lành mạnh: Ăn quá nhiều dầu mỡ, thực phẩm không hợp vệ sinh, thường uống bia rượu,…

– Nằm hoặc ngồi nhiều, ít vận động

– Thói quen thức khuya

– Căng thẳng kéo dài

Tuổi tác là nguyên nhân gây ra polyp đại tràng
Tuổi tác là nguyên nhân gây ra polyp đại tràng

3. Các triệu chứng của polyp đại tràng phổ biến

Hầu như các polyp đại tràng sẽ không gây ra triệu chứng. Bệnh thường được phát hiện khi kiểm tra định kỳ hoặc chẩn đoán bệnh khác. Tuy nhiên polyp cũng có thể gây ra một số triệu chứng như:

3.1 Chảy máu từ trực tràng

Quan sát đồ lót hoặc giấy vệ sinh sau khi đi ngoài có thể thấy máu. Đây là dấu hiệu của polyp, ung thư hoặc bệnh lý nào đó. Các trường hợp bị nứt hậu môn hoặc bệnh trĩ cũng có thể gây chảy máu.

3.2 Thay đổi thói quen đại tiện

Người bệnh có thể bị táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài hơn một tuần khi xuất hiện polyp. Khi gặp triệu chứng này bạn cần theo dõi kết hợp thêm các dấu hiệu khác. Rất nhiều bệnh lý ở hệ tiêu hóa đều có triệu chứng tương tự.

3.3 Màu phân khác lạ

Màu sắc của phân cũng phần nào phản ánh vấn đề ở hệ tiêu hóa. Người bị polyp trong phân sẽ có những vệt đỏ, phân màu đen như hắc ín. Tuy nhiên màu sắc của phân cũng có thể thay đổi do thực phẩm, thuốc uống gây ra.

3.4 Đôi khi xảy ra buồn nôn, đau bụng

Khối polyp đại tràng lớn có thể gây cản trở đường ruột. Triệu chứng là người bệnh đau quặn bụng, buồn nôn do tắc ruột.

3.5 Thiếu máu

Tình trạng chảy máu ở đại tràng kéo dài có thể dẫn tới mất máu. Cơ thể sẽ thiếu sắt để sản xuất các chất cho phép hồng cầu mang oxy cho cơ thể. Kết quả của thiếu máu là người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi, khó thở.

Đôi khi người bệnh có thể bị đau bụng
Đôi khi người bệnh có thể bị đau bụng

4. Điều trị polyp đại tràng cách nào hiệu quả?

Dựa trên kích thước và loại polyp đại tràng mà bác sĩ sẽ lựa chọn một trong các biện pháp phẫu thuật dưới đây:

4.1 Cắt polyp trong lúc nội soi

Trong quá trình nội soi bác sĩ sẽ dùng kẹp hoặc thòng lọng (snare) để cắt khối polyp. Nếu polyp có kích thước lớn sẽ cần tiêm thêm chất lỏng ở bên dưới giúp nâng và cô lập khối polyp để cắt.

4.2 Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu

Trường hợp polyp đại tràng quá lớn không thể loại bỏ trong khi nội soi thì cần phẫu thuật xâm lấn tối thiểu. Dụng cụ phẫu thuật được đưa vào ổ bụng để loại bỏ phần ruột có polyp.

4.3 Cắt bỏ đại tràng

Với những người bệnh có polyp di truyền thì cần cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ đại tràng. Sau khi cắt bỏ các polyp được gửi đi làm xét nghiệm mô bệnh học. Kết quả thu được sẽ đánh giá mức độ nghịch sản của polyp. Đồng thời có thể biết bờ cắt có còn tế bào ung thư hay không.

Một khi đã có polyp thì bạn có nguy cơ tái nhiễm. Vì vậy trong quá trình điều trị bệnh nhân sẽ được tư vấn thực hiện thêm các sàng lọc sau này. Tần suất và thời điểm làm xét nghiệm dựa trên số lượng, kích thước của polyp và các yếu tố khác.

– Sàng lọc trong 5 – 10 năm: Khi có 1, 2 polyp nhỏ

– Sàng lọc trong 3 – 5 năm: Khi có từ 3 polyp trở lên

– Sàng lọc trong 3 năm khi có 5 – 10 polyp

– Sàng lọc trong nửa năm tới một năm khi có nhiều hơn 10 polyp hoặc có polyp kích thước lớn

5. Các biện pháp phòng ngừa bệnh polyp đại tràng

Bệnh polyp đại tràng tuy khá phổ biến nhưng chúng ta vẫn có thể phòng bệnh. Cách tốt nhất để ngăn ngừa là thường xuyên tầm soát để loại bỏ polyp nếu có. Mọi người có thể giảm bớt nguy cơ gây bệnh bằng các thói quan sau:

– Tăng cường ăn nhiều ngũ cốc, các loại đậu, rau xanh

– Duy trì cân nặng ổn định, số cân phù hợp

– Hạn chế ăn nhiều các loại thịt đỏ: Thịt dê, thịt bò, thịt cừu,…

– Tập thể dục mỗi ngày

– Tránh xa bia rượu, thuốc lá hoặc các chất kích thích

– Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung vitamin D, canxi hoặc dùng thuốc aspirin

Luyện tập thể dục giúp nâng cao sức khỏe
Luyện tập thể dục giúp nâng cao sức khỏe

Bài viết đã cung cấp đầy đủ các nguyên nhân gây ra polyp đại tràng. Mong rằng với các kiến thức bổ ích này sẽ giúp bạn trong việc điều trị và phòng tránh bệnh hiệu quả.

 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital