Phẫu thuật nội soi lấy sỏi là phương pháp điều trị can thiệp ngoại khoa an toàn và hiệu quả. Phương pháp giúp loại bỏ nhanh chóng các loại sỏi tiết niệu, chấm dứt các triệu chứng khó chịu và ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm của căn bệnh này. Bài viết sau sẽ giới thiệu về 4 phương pháp nội soi lấy sỏi phổ biến nhất hiện nay.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan bệnh sỏi đường tiết niệu
Sỏi tiết niệu là hiện tượng xuất hiện các khối rắn như sỏi trong hệ niệu. Các khối rắn này được hình thành do các tinh thể khoáng chất có trong nước tiểu bị lắng đọng lâu ngày kết tinh lại. Sỏi tiết niệu phần lớn được hình thành tại thận. Sau đó, theo dòng chảy của nước tiểu, chúng di chuyển và rơi xuống những vị trí thấp hơn như niệu quản, bàng quang và niệu đạo.
Căn cứ theo thành phần hóa học, sỏi tiết niệu bao gồm sỏi canxi, sỏi oxalat, sỏi acid uric, sỏi phosphat và sỏi cystin. Trong đó sỏi canxi chiếm khoảng 85% trong tổng số các trường hợp sỏi đường tiết niệu.
Bệnh có thể diễn biến âm thầm hoặc dữ dội kèm theo những biến chứng khá phức tạp. Người bệnh có thể bị đau thắt lưng kèm theo những bất thường khi đi tiểu. Hoặc khi sỏi di chuyển cọ sát vào niêm mạc đường niệu gây tổn thương, chảy máu và nhiễm trùng. Từ đó gây tình trạng viêm đường tiết niệu, viêm thận ứ mủ. Nguy hiểm hơn, sự hiện diện của sỏi có thể cản trở dòng chảy của nước tiểu, khiến nước tiểu bị ứ đọng gây giãn đài bể thận và suy giảm chức năng thận.
Do đó, sỏi đường tiết niệu cần phải được can thiệp và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
2. Điều trị sỏi tiết niệu và phương pháp phẫu thuật nội soi
Vị trí và kích thước sỏi tiết niệu quyết định phương án điều trị bệnh.
Với sỏi nhỏ chưa gây biến chứng, người bệnh sẽ được chỉ định uống thuốc làm tan sỏi kết hợp với thuốc giãn cơ trơn, giảm đau và lợi tiểu. Sỏi sẽ được đào thải dần ra ngoài cơ thể theo đường tiểu. Thời gian dùng thuốc kéo dài từ nhiều tháng đến vài năm gây nhiều tác dụng phụ cho cơ thể. Và phần lớn người bệnh đều bị tái phát lại sỏi sau vài năm ngưng điều trị.
Với sỏi kích thước lớn và gây biến chứng, người bệnh buộc phải can thiệp lấy sỏi càng nhanh càng tốt. Trước đây, mổ hở là phương án lựa chọn duy nhất. Người bệnh phải chịu nhiều đau đớn, mất nhiều máu, mất nhiều thời gian để hồi phục sức khỏe và có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm sau hậu phẫu. Tuy nhiên hiện nay, với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, việc ứng dụng công nghệ cao vào y học đang chiếm được nhiều ưu thế. Trong đó, phẫu thuật nội soi lấy sỏi là phương pháp an toàn, xâm lấn tối thiểu và hiệu quả để điều trị bệnh sỏi đường tiết niệu.
3. Các phương pháp phẫu thuật nội soi lấy sỏi tiết niệu
3.1. Phẫu thuật nội soi lấy sỏi qua da đường hầm nhỏ bằng laser
Nội soi lấy sỏi qua da là phương pháp lấy sỏi thông qua một đường hầm nhỏ từ bên ngoài cơ thể. Để thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ tiến hành rạch một vết rạch rất nhỏ (khoảng 5mm) vùng lưng hoặc thắt lưng để tạo đường hầm tiếp cận sỏi. Một máy nội soi được đưa qua đường hầm vừa tạo để vào xác định chính xác vị trí viên sỏi. Sau đó, thông qua màn hình nội soi, bác sĩ sẽ sử dụng nguồn năng lượng từ tia laser “bắn phá” sỏi thành những nhỏ. Những vụn sỏi sẽ được hút bỏ ra ngoài cơ thể thông qua đường hầm.
Phương pháp này được thực hiện cho người bệnh có sỏi niệu quản >15mm vị trí ⅓ trên nằm sát bể thận hoặc sỏi thận kích thước >15mm.
Tán sỏi qua da là phương pháp nội soi lấy sỏi xâm lấn tối thiểu, vết mổ nhỏ, ít đau, ít chảy máu nên hạn chế được tối đa các biến chứng trong và sau khi mổ. Người bệnh chỉ cần nằm viện 3 ngày là được xuất viện có thể quay trở lại làm việc bình thường khoảng từ 5-7 ngày sau tán sỏi.
Phẫu thuật nội soi lấy sỏi qua da không thực hiện được cho người bệnh suy thận; người bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu; phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ…
3.2. Nội soi lấy sỏi ngược dòng bằng laser
Nội soi ngược dòng bằng laser là phương pháp lấy sỏi theo đường “tự nhiên”. Bác sĩ dùng ống nội soi niệu quản đi từ niệu đạo đến bàng quang hoặc niệu quản để tiếp cận viên sỏi. Sau đó sử dụng nguồn năng lượng laser tán vụn sỏi thành những mảnh nhỏ. Tiến hành bơm rửa và gắp hết các vụn sỏi ra ngoài cơ thể.
Phương pháp thực hiện được trong các trường hợp:
– Người bệnh có sỏi niệu quản vị trí ⅓ giữa và vị trí ⅓ dưới.
– Người bệnh có sỏi bàng quang kích thước >10mm.
– Người bệnh có sỏi bàng quang kích thước <10mm nhưng không thể di chuyển xuống vị trí thấp hơn của đường niệu để đi ra ngoài.
Nội soi lấy sỏi ngược dòng bằng laser không cần phẫu thuật nên không có vết mổ, không chảy máu và không để lại sẹo. Người bệnh nằm viện 1 ngày là có thể về nhà và sớm quay trở lại sinh hoạt và làm việc bình thường.
Phương pháp này không thực hiện cho người bệnh bị suy thận; người bệnh nhiễm trùng đường niệu hoặc người bệnh bị hẹp hay gấp khúc niệu quản.
3.3. Phẫu thuật nội soi lấy sỏi ngược dòng ống mềm bằng laser
Nội soi lấy sỏi ngược dòng ống mềm bằng laser cũng là kỹ thuật làm sạch sỏi theo đường “tự nhiên”. Bác sĩ sử dụng ống soi mềm đi từ niệu đạo của người bệnh, qua bàng quang lên niệu quản, đến bể thận, vào các đài thận để tiếp cận sỏi. Sau đó kết hợp với nguồn năng lượng từ tia laser tán sỏi thành những mảnh nhỏ rồi hút bỏ ra ngoài.
Phương pháp thực hiện cho người bệnh có sỏi thận kích thước <25mm.
Nội soi lấy sỏi bằng ống soi mềm là kỹ thuật hiện đại, làm sạch sỏi nhanh chóng, không vết mổ, không đau, không chảy máu và bảo tồn tối đa chức năng thận. Người bệnh lưu viện khoảng 2 ngày là có thể xuất viện. Thời gian phục hồi sức khỏe nhanh và sớm trở lại cuộc sống sinh hoạt và làm việc.
Tuy nhiên, phương pháp này chống chỉ định với người bệnh có niệu quản hẹp hoặc gấp khúc; Người bệnh bị viêm đường niệu.
3.4. Phẫu thuật nội soi lấy sỏi tiết niệu sau phúc mạc
Phẫu thuật nội soi lấy sỏi sau phúc mạc là phương pháp sử dụng ống nội soi đi qua đường sau phúc mạc vào vị trí có sỏi rồi tiến hành lấy sỏi thông qua lỗ Trocar.
Phương pháp thực hiện cho người bệnh có sỏi thận hoặc sỏi nằm sát bể thận có kích thước lớn >25mm mà không thực hiện được tán sỏi qua da tay tán sỏi ngược dòng.
Đây là điều trị can thiệp ngoại khoa an toàn, ít xâm lấn và hiệu quả. Vết mổ nhỏ và ngắn chỉ khoảng 10mm nên người bệnh không phải chịu nhiều đau đớn cũng như mất quá nhiều máu.Đồng thời, nguy cơ xảy ra các biến chứng sau phẫu thuật thấp hơn rất nhiều so với mổ hở. Người bệnh nằm viện từ 3-5 ngày và có thể sớm trở lại với cuộc sống ngày thường.
Tuy nhiên phương pháp này thường là lựa chọn cuối khi các phương pháp trên không có hiệu quả.
4. Biến chứng sau phẫu thuật nội soi lấy sỏi
Phẫu thuật nội soi lấy sỏi là kỹ thuật can thiệp ngoại khoa an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên người bệnh vẫn có thể gặp một vài biến chứng sau phẫu thuật như:
– Tổn thương hoặc bị thủng bàng quang, niệu quản do đốt laser nhầm vị trí hoặc bị lan.
– Tổn thương các cơ quan lân cận quanh khu vực nội soi lấy sỏi.
– Thận ứ nước bên tán sỏi kèm theo hiện tượng đau thắt lưng và lan xuống bộ phận sinh dục.
– Chảy máu trong và sau phẫu thuật, hoặc nhiễm trùng vết mổ khi thực hiện tán sỏi qua da hoặc mổ sau phúc mạc lấy sỏi.
– Sốt nhẹ.
– Nước tiểu có lẫn máu.
– Nhiễm trùng đường tiết niệu.
5. Chăm sóc người bệnh sau nội soi lấy sỏi
Cách chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật nội soi lấy sỏi chu đáo và cẩn thận. Người bệnh cần đặc biệt lưu ý:
– Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học: tăng cường ăn nhiều rau xanh, rau củ quả tươi… để bổ sung chất xơ, chất chống oxy hóa, các vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Không ăn các thực phẩm nhiều dầu mỡ, ăn quá mặn hay đồ ăn cay nóng, các thực phẩm giàu chất oxalat…để ngăn nguy cơ hình thành và kết tinh tạo sỏi.
– Xây dựng chế độ sinh hoạt và lối sống lành mạnh: uống nhiều nước mỗi ngày, không hút thuốc lá và uống rượu bia, luyện tập thể dục thể thao thường xuyên hàng ngày…
– Khám bệnh theo định kỳ hàng năm để theo dõi tình trạng sức khỏe và có thể sớm phát hiện các dấu hiệu bệnh (nếu có).
Trên đây là những thông tin về các phương pháp phẫu thuật nội soi lấy sỏi trong điều trị bệnh sỏi đường tiết niệu. Hy vọng bài viết đã phần nào giúp ích được cho người bệnh hiểu rõ hơn về ưu – nhược điểm của các phương pháp, từ đó lựa chọn phương án điều trị phù hợp. Tốt nhất khi có biểu hiện nghi ngờ mắc sỏi tiết niệu, cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá chính xác tình trạng bệnh và tư vấn kế hoạch điều trị hiệu quả nhất.