Nhiều phụ huynh luôn trong trạng thái tâm lý căng thẳng trong giai đoạn đầu nuôi con khi bé quấy khóc nhiều vào ban đêm và tìm nguyên nhân để khắc phục giấc ngủ cho trẻ. Tuy nhiên để có thể ‘giải mã’ tiếng khóc của trẻ không phải điều dễ dàng, đặc biệt là với những người lần đầu làm cha mẹ. Có phải lúc nào bé cũng khóc vì đòi bú, vì lạnh hoặc vì mọc răng, ốm sốt? Do vậy bài viết dưới đây cung cấp cho ba mẹ những thông tin về 3 nhóm nguyên nhân trẻ quấy khóc đêm phổ biến nhất.
Menu xem nhanh:
1. Nhóm nguyên nhân sinh lý làm trẻ quấy khóc
1.1 Chưa hình thành chu kỳ ngủ là nguyên nhân trẻ quấy khóc
Đối với trẻ sơ sinh, mới làm quen với môi trường bên ngoài bụng mẹ nên cơ thể của trẻ thường chưa thích ứng kịp do đó sẽ không có một chu kỳ ngủ ổn định. Các bé trong độ tuổi này thường ngủ khoảng 8-10 tiếng vào ban ngày và 6-8 tiếng vào ban đêm. Tuy nhiên, các giấc ngủ ở trẻ sẽ không liền mạch, các bé hay bị tỉnh giấc và quấy khóc nhiều. Khoảng được 3-4 tháng tuổi, các giấc ngủ bắt đầu được cải thiện hơn, các bé sẽ ngủ sâu và liền mạch hơn, từ đó tình trạng trẻ quấy khóc đêm cũng giảm dần.
1.2 Nguyên nhân trẻ quấy khóc đêm là do mọc răng
Trường hợp đột nhiên trẻ quấy khóc nhiều vào ban đêm một cách bất thường mà không rõ nguyên do, thì khả năng cao là bé đang mọc răng. Bố mẹ hãy kiểm tra xem vùng lợi nướu răng của trẻ có răng đang nhú hay không. Lúc này những cơn đau nướu khi mọc răng, nướu sưng đỏ làm cho bé khó ngủ và quấy khóc nhiều hơn. Bên cạnh đó, việc mọc răng cũng khiến bé trở nên kén ăn uống, bứt rứt trong người. Bên cạnh đó, những thay đổi trong các giai đoạn phát triển ở tháng thứ 3,6,9 bố mẹ nên để ý hơn vì lúc này con sẽ có những thay đổi về mặt thể chất như tập lẫy, biết bò, tập đi,…
2. Nguyên nhân về bệnh lý khiến trẻ quấy khóc đêm
Có 3 nhóm bệnh mà trẻ dễ gặp nhất khiến trẻ thường xuyên quấy khóc ban đêm là:
– Bệnh về hệ tiêu hóa: trẻ khóc có thể là do bụng đang bị đầy hơi, khó tiêu. Việc này chủ yếu là do trẻ bú quá nhiều. Ở thời điểm này, bố mẹ nên chú ý đặc biệt hơn tới bé nhất là khi trẻ có hiện tượng chướng bụng, “xì hơi” nhiều nhưng không đi ngoài. Nếu bệnh kéo dài hơn 3 ngày mà không có chuyển biến tích cực thì phải được đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa để điều trị.
– Bệnh về đường hô hấp: trẻ gặp những bất thường về đường hô hấp cũng là nguyên nhân khiến trẻ hay quấy khóc đêm. Cụ thể, những vấn đề mà bé hay gặp là: chảy nước mũi, nghẹt mũi, khó thở, phải thở bằng miệng. Cũng chính vì lý do này mà miệng bé sẽ bị khô và trở nên vô cùng khó chịu, quấy khóc. Cách tốt nhất là mẹ cần phải sử dụng nước muối sinh lý chuyên dụng để vệ sinh mũi, miệng cho bé hàng ngày để bé hít thở một cách dễ dàng và có những giấc ngủ ngon hơn.
– Bệnh ngoài da hoặc dị ứng: bé bị hăm là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ quấy khóc nhiều. Do đó, mẹ cần chú ý quan sát kĩ để bôi kem trị hăm giảm khó chịu cho bé. Ngoài ra, một số bé bị dị ứng với protein sữa bò cũng khiến cơ thể trẻ không thoải mái. khó ngủ hơn. Các yếu tố như khói thuốc lá, lông động vật,… cũng khiến trẻ bị dị ứng và dẫn đến tình trạng khóc đêm do da trẻ thời điểm này rất nhạy cảm. Cách tốt nhất được bác sĩ khuyên cha mẹ là cần đảm bảo phòng ngủ sạch sẽ, thông thoáng và hạn chế những tác nhân có khả năng gây kích ứng đường hô hấp của trẻ.
3. Các yếu tố khác tác động đến giấc ngủ của trẻ
Bên cạnh những thay đổi về sinh lý hoặc yếu tố bệnh lý mà cơ thể trẻ đang gặp phải thì còn có rất nhiều tác nhân khác có thể làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ:
– Bé đói: trẻ sơ sinh chưa đủ khả năng để thể hiện con đang đói bụng vì vậy khi đói bé chỉ có thể khóc kèm theo nhóp nhép miệng. Dạ dày của bé rất nhỏ, vì thế, bé sẽ nhanh no cũng như nhanh đói hơn người lớn. Các cữ bú của bé sẽ phải chia nhỏ, cách nhau chỉ khoảng vài giờ trong một ngày. Đa số các bé ít hơn 2 tháng tuổi sẽ đều thức dậy 2-3 lần mỗi đêm để bú mẹ. Khi trẻ lớn hơn ( từ 2 tháng đến 4 tháng) thì số cữ bú trong một đêm sẽ giảm dần. Do vậy, nếu không được cho bú đủ, bé sẽ bị đói và đòi ăn bằng cách quấy khóc.
– Bé cần được thay tã: một số trường hợp quấy khóc đêm là trẻ đang gửi tín hiệu đến cha mẹ bé tè dầm và cần được thay tã.
– Trẻ muốn được vỗ về, an ủi: việc ở một mình trong bóng tối có thể rất đáng sợ với trẻ nhỏ. Lúc này bé cần được cha mẹ ở bên để cảm thấy an tâm hơn. Đôi khi trong giấc ngủ bé có thể giật mình tỉnh giấc nên cần có sự vỗ về, an ủi từ cha mẹ để tiếp tục ngủ.
– Bé đang cảm thấy quá nóng hoặc quá lạnh: nhiệt độ phòng có thể tác động đến giấc ngủ của trẻ. Các bậc phụ huynh có thể trang trí phòng ngủ cùng với các loại đèn cho ra ánh sáng ấm áp, vừa điều chỉnh ánh sáng vừa có nhiệt độ thích hợp. Việc này sẽ làm dịu cơn khóc, cho trẻ cảm giác an tâm và đưa bé sớm trở lại giấc ngủ.
4. Đâu là nguyên nhân bố mẹ cần để ý nhất khi trẻ quấy khóc đêm?
Có không ít bố mẹ cho rằng việc trẻ quấy khóc đêm là điều bình thường,tuy nhiên các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng việc các bé giật mình, hay quấy khóc thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ đặc biệt là khi trẻ quấy khóc do đang mắc một bệnh lý nào đó. Khi trẻ bị bệnh mà phụ huynh không kịp thời phát hiện để lây rất dễ gặp những hệ lụy không mong muốn. Ngoài ra cơ thể trẻ bị bệnh kết hợp việc quấy khóc hàng đêm sẽ khiến não bộ của trẻ bị ảnh hưởng, suy giảm khả năng ghi nhớ cùng với đó là hệ miễn dịch trẻ suy yếu, dễ bị ốm.
Do vậy khi trẻ quấy khóc nhiều vào ban đêm, bố mẹ cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân trẻ quấy khóc để có biện pháp khắc phục kịp thời. Nếu trẻ khóc đêm kèm theo những dấu hiệu bất thường khác của cơ thể thì phụ huynh cần liên hệ ngày với bác sĩ chuyên khoa để khám và đưa ra biện pháp can thiệp kịp thời, bảo vệ sự phát triển của trẻ nhỏ.