Bất kỳ phụ nữ nào đều có rủi ro lây nhiễm HPV, một trong những nguyên nhân chính gây nên căn bệnh ung thư cổ tử cung nguy hiểm. Các trường hợp mắc ung thư cổ tử cung liên quan đến HPV đang ngày một tăng lên và có xu hướng trẻ hóa hơn. Để bảo vệ sức khỏe trước nguy cơ lây nhiễm HPV, việc tầm soát HPV từ sớm là rất cần thiết.
Menu xem nhanh:
1. Vai trò quan trọng của việc tầm soát HPV trong sàng lọc ung thư cổ tử cung
1.1. Tại sao chị em phụ nữ cần tầm soát HPV?
Hầu hết phụ nữ khi đã quan hệ tình dục đều có khả năng nhiễm HPV vào một lúc nào đó trong cuộc đời. Cụ thể theo thống kê của Bộ Y tế, 80% phụ nữ có khả năng nhiễm vi rút HPV ít nhất 1 lần trong đời, nhất là từ 20 đến 30 tuổi. Dù vậy, phần lớn chị em đều không phát hiện mình mắc bệnh cho đến khi có dấu hiệu rõ rệt, bởi hầu hết các trường hợp bị nhiễm HPV đều không có triệu chứng và có thể tự khỏi.
Nhiễm vi rút HPV là dạng lây nhiễm phổ biến, có thể lây truyền từ người này sang người khác thông qua rất nhiều dạng, cụ thể:
– Tiếp xúc giữa niêm mạc với niêm mạc khi quan hệ tình dục.
– Tiếp xúc giữa da với da hoặc da với niêm mạc khi quan hệ tình dục.
– Đặc biệt, nhiều trường hợp bị lây nhiễm HPV khi chưa từng quan hệ tình dục như tiếp xúc với vật dụng cá nhân của người bị mắc HPV như cắt móng tay, kim bấm sinh thiết, đồ lót,…
Trong trường hợp nhiễm dai dẳng các chủng HPV nguy cơ cao, khả năng tiến triển thành ung thư cổ tử cung trong tương lai là rất cao nếu không được phát hiện sớm để xử trí kịp thời. Vậy nên, việc tầm soát HPV từ sớm không chỉ giúp chị em chủ động phòng ngừa ung thư cổ tử cung mà còn giúp ngừa các bệnh lý phụ khoa do HPV gây nên như viêm nhiễm, mụn cóc sinh dục,…
1.2. Ý nghĩa của việc tầm soát HPV trong sàng lọc ung thư cổ tử cung
Tầm soát HPV là một trong những phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung hiệu quả, góp phần chẩn đoán sớm ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Tuy nhiên, chị em cần biết rằng xét nghiệm HPV không thể đánh giá hoàn toàn người bệnh có mắc ung thư cổ tử cung hay không mà phải kết hợp với các phương pháp tầm soát khác như khám phụ khoa, xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung Pap Smear/ Thinprep để chẩn đoán bệnh chính xác nhất.
Nhờ việc phát hiện sớm hơn nguy cơ ung thư cổ tử cung, các bác sĩ sẽ có các biện pháp phòng ngừa để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung tiến triển.
2. Tìm hiểu về xét nghiệm HPV giúp sàng lọc ung thư cổ tử cung
2.1. Xét nghiệm HPV là gì?
Xét nghiệm HPV là giải pháp tiên tiến góp phần đánh giá nguy cơ và chẩn đoán sớm ung thư cổ tử cung. Từ đó, giúp giảm nguy cơ tử vong và hạn chế các can thiệp y khoa không cần thiết cho bệnh nhân. Với độ nhạy cao, xét nghiệm HPV giúp phát hiện sự hiện diện của 14 chủng HPV nguy cơ cao, trong đó có hai chủng HPV 16 và 18 gây nên ung thư cổ tử cung.
Xét nghiệm này được khuyến nghị thực hiện cho phụ nữ từ 25 tuổi trở lên và từ 3 đến 5 năm sau mới cần xét nghiệm lại nếu kết quả âm tính.
2.2. Xử trí như thế nào nếu kết quả xét nghiệm HPV dương tính?
Khi nhận được kết quả dương tính với HPV, chị em cần phải thực sự bình tĩnh và nghe theo những tư vấn, chỉ định khám chuyên sâu của các bác sĩ chuyên khoa. Với những trường hợp dương tính với HPV, chị em nên thực hiện các kiểm tra chuyên sâu nhằm đánh giá chính xác nhất tình hình sức khỏe bản thân.
Ngoài ra, sau khi thăm khám chuyên sâu, mỗi năm chị em đều nên thực hiện tầm soát HPV định kỳ để theo dõi diễn tiến bệnh và phát hiện sớm những thay đổi bất thường có nguy cơ gây bệnh nguy hiểm.
2.3. Những phương pháp tầm soát chuyên sâu sau khi dương tính với HPV
Để chẩn đoán và xác định chính xác nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung của người bệnh, bác sĩ thường khuyến nghị chị em thực hiện các biện pháp sau:
Soi cổ tử cung
Đây là phương pháp chẩn đoán được sử dụng trong trường hợp người bệnh có kết quả xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung bất thường. Mục đích của phương pháp này nhằm phát hiện những bất thường trong cổ tử cung của người bệnh bảng thiết bị phóng đại chuyên dụng. Với ống soi chuyên dụng, hình ảnh thật được phóng to từ 10 – 30 lần, từ đó bác sĩ có thể dễ dàng quan sát được những tổn thương tại cổ tử cung.
Đồng thời, các bác sĩ có thể sử dụng thêm dung dịch Acid Acetic 3-5% (chứng nghiệm Hinselmann) và dung dịch Lugol 2% (chứng nghiệm Schiller) lên cổ tử cung để định vị chính xác khu vực tổn thương của cổ tử cung.
Sinh thiết tế bào cổ tử cung
Nếu phát hiện những bất thường trong quá trình soi cổ tử cung, các bác sĩ sẽ lấy một vài mảnh mô nhỏ để tiến hành sinh thiết tế bào.
Tuy nhiên, quá trình này có thể khiến chị em bị chảy máu âm đạo kéo dài, tối đa là 6 tuần. Nếu sau khi thực hiện phương pháp có các dấu hiệu bất thường khác hoặc tình trạng chảy máu kéo dài hơn 6 tuần, chị em nên liên hệ ngay bác sĩ để được thăm khám và tư vấn điều trị.
3. Lưu ý trước khi thực hiện xét nghiệm HPV sàng lọc ung thư cổ tử cung
Trước khi chị em có ý định thực hiện xét nghiệm HPV thì nên chú ý những điều sau để có được kết quả xét nghiệm chính xác nhất có thể. Cụ thể:
– Không nên quan hệ tình dục trước khi xét nghiệm 2 ngày để tránh những tổn thương làm ảnh hưởng kết quả xét nghiệm.
– Không nên sử dụng các loại thuốc đặt/ bôi âm đạo hoặc các sản phẩm dành cho vùng kín.
– Không làm xét nghiệm khi đang trong chu kỳ kinh nguyệt. Mặc dù xét nghiệm vẫn có thể thực hiện được nhưng kết quả sẽ không chính xác bằng khi xét nghiệm trong ngày thường.
Trên đây là những thông tin chúng tôi muốn cung cấp đến chị em về việc tầm soát HPV để sàng lọc ung thư cổ tử cung. Việc thực hiện tầm soát định kỳ sẽ giúp chị em phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và có kế hoạch phòng ngừa bệnh hiệu quả. Vậy nên hãy chủ động tầm soát định kỳ nhé!