Khi nhắc tới chỉ số tầm soát ung thư buồng trứng thì có một chỉ số chúng ta cần biết đó chính là CA 125. Đây là chỉ số có giá trị quan trọng và được đánh giá là dấu ấn ung thư, góp phần sàng lọc bệnh ung thư buồng trứng. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm rõ chỉ số tầm soát ung thư buồng trứng cao nói lên được điều gì. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về điều này.
Menu xem nhanh:
1. Hiểu rõ về chỉ số tầm soát ung thư buồng trứng cao
1.1. Chỉ số tầm soát ung thư buồng trứng cao có ý nghĩa gì trong sàng lọc bệnh?
CA 125 là một loại protein và khi có tế bào khối u thì nồng độ CA 125 trong máu thường sẽ có xu hướng tăng cao. Do đó, CA 125 còn được gọi là chất chỉ điểm bệnh ung thư. Chỉ số CA 125 nếu ở mức 35 U/ml được xem là bình thường. Còn ở những bệnh nhân ung thư buồng trứng thì chỉ số này thường cao gấp nhiều lần so với mức tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, xét nghiệm CA 125 cũng được áp dụng trong công tác sàng lọc một số bệnh ung thư khác như ung thư vú, phổi, đại trực tràng, lạc nội mạc tử cung,… Tuy nhiên, với các trường hợp này, chỉ số CA 125 thường kém đặc hiệu hơn.
Đối với căn bệnh ung thư buồng trứng, chỉ số CA 125 sẽ những giá trị cụ thể như sau:
– Góp phần phát hiện sớm căn bệnh ung thư buồng trứng: Phần lớn người bệnh mắc ung thư buồng trứng đều sẽ có nồng độ CA 125 gia tăng rõ rệt, Mức độ tăng thường tỷ lệ thuận với mức tiến triển của bệnh.
– Là cơ sở nhằm đánh giá kích thước khối u: Nồng độ CA 125 sẽ tỷ lệ thuận với kích thước khối u buồng trứng.
Với những trường hợp khối u nhỏ (dưới 1cm) thì chỉ số CA 125 thường không có gì bất thường.
Với những trường hợp khối u trên 2cm thì nồng độ CA 125 có thể tăng lên ở mức 65 U/ml.
Những phụ nữ đã bước qua tuổi mãn kinh nếu có khối u phần phụ, đồng thời nồng độ CA 125 lớn hơn 65 U/ml thì sẽ có nguy cơ cao bị mắc phải căn bệnh ung thư buồng trứng.
– Đánh giá hiệu quả của việc điều trị bệnh: Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ung thư buồng trứng, các bác sĩ thường chỉ định thực hiện xét nghiệm CA 125 để đánh giá về hiệu quả điều trị bệnh. Thông thường, nếu người bệnh đáp ứng được tốt với phác đồ điều trị thì chỉ số CA 125 có thể trở về mức bình thường ngay sau khoảng 2 tới 3 tuần điều trị. Ngược lại, nếu chỉ số này không thay đổi thì bác sĩ sẽ cần thay đổi phương pháp điều trị sao cho phù hợp hơn.
– Theo dõi bệnh ung thư buồng trứng tái phát: Các trường hợp bệnh nhân sau điều trị vẫn được chỉ định xét nghiệm CA 125 nhằm đánh giá, theo dõi về tình trạng tái phát bệnh. Nồng độ CA 125 tăng cao rất có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư buồng trứng đã tái phát.
– Đánh giá tiên lượng bệnh: Qua kết quả xét nghiệm CA 125, bác sĩ có thể tiên lượng được bệnh ung thư buồng trứng. Nếu sau điều trị, nồng độ CA 125 giảm cho thấy rằng tiên lượng bệnh tốt, khả năng kéo dài tuổi thọ cao. Ngược lại, các trường hợp nồng độ CA 125 vẫn ở mức cao (lớn hơn 65 U/ml) thì tiên lượng thường sẽ rất xấu.
Bên cạnh đó, có một số trường hợp ung thư buồng trứng không sản xuất CA 125. Vì vậy, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các loại xét nghiệm chất chỉ điểm khác, cũng như những phương pháp chẩn đoán khác nhằm kết luận chính xác hơn về tình trạng sức khỏe của người bệnh.
1.2. Một số trường hợp làm cho chỉ số tầm soát ung thư buồng trứng cao
Bạn cần hiểu rằng, chỉ số CA 125 tăng cao chưa thể khẳng định về bệnh ung thư buồng trứng mà nó chỉ mang giá trị gợi ý. Do đó, bạn không nên quá lo lắng nếu thấy kết quả chỉ số này tăng cao. Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh thực hiện thêm các phương pháp khác cũngnhư tìm hiểu thêm về tiền sử bệnh, triệu chứng lâm sàng để đưa ra kết luận được chính xác nhất.
Bên cạnh đó, nồng độ CA 125 cũng có thể tăng cao trong những trường hợp như:
– Phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai vào 3 tháng đầu. Sau đó, vào những tháng giữa và các tháng cuối của thai kỳ, nồng độ CA 125 sẽ giảm dần.
– Trong những ngày kinh nguyệt thì nồng độ CA 125 cũng có thể tăng nhẹ.
– Một số bệnh lành tính như bệnh viêm gan, viêm phần phụ, viêm tụy,… cũng có thể làm cho chỉ số CA 125 trong máu tăng nhẹ.
– Hút thuốc lá cũng là yếu tố có thể làm gia tăng chỉ số này trong máu. Do đó, bạn không nên hút thuốc trước khi thực hiện xét nghiệm để tránh gây sai lệch kết quả.
2. Trường hợp nào cần thực hiện xét nghiệm CA 125?
Chỉ số CA 125 có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp sàng lọc, theo dõi điều trị và nhận biết sự tái phát ung thư buồng trứng nhưng chỉ nên thực hiện đối với một số đối tượng dưới đây:
– Trường hợp người xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ung thư buồng trứng hoặc cần thực hiện các biện pháp để xác định khối u buồng trứng.
– Thực hiện xét nghiệm với trường hợp người bệnh đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng nhằm có thêm các cơ sở quan trọng. Từ đó giúp bác sĩ đưa ra được đánh giá chi tiết hơn về bệnh và áp dụng những phác đồ điều trị sao cho phù hợp nhất. Bên cạnh đó, nồng độ CA 125 cũng góp phần đánh giá được về hiệu quả điều trị của ung thư buồng trứng.
– Người đã thực hiện điều trị ung thư buồng trứng cũng nên thực hiện xét nghiệm định kỳ nhằm đánh giá và nhận biết tình trạng tái phát của bệnh, đồng thời có cách xử trí kịp thời, hiệu quả.
– Những nữ giới có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư buồng trứng cũng nên thực hiện xét nghiệm này định kỳ. Bao gồm người có bà, mẹ, chị/ em gái từng mắc phải căn bệnh ung thư buồng trứng. Bên cạnh đó, bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ ung thư phổi, ung thư đại tràng, ung thư nội mạc tử cung cũng cần được thực hiện xét nghiệm CA 125.
Hiện nay, nhằm đáp ứng nhu cầu thăm khám sức khỏe của chị em phụ nữ, Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI đã triển khai gói tầm soát ung thư buồng trứng, trong đó có xét nghiệm CA 125 cùng các danh mục thăm khám cần thiết khác. Với đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn và giàu y đức cùng hệ thống trang thiết bị máy móc hiện đại, không gian thăm khám rộng rãi, Thu Cúc TCI sẽ giúp khách hàng hoàn toàn an tâm và tin tưởng về chất lượng dịch vụ tại đây.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về chỉ số tầm soát ung thư buồng trứng CA 125. Chị em phụ nữ hãy chú ý thực hiện tầm soát ung thư định kỳ để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình nhé!