Khi trẻ bị sốt co giật, nhiều cha mẹ tỏ ra lúng túng không biết làm gì hoặc có những hành động xử trí không đúng vô tình làm tổn thương trẻ. Vậy cha mẹ cần làm gì trong khi trẻ co giật và sau khi co giật? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về sốt co giật ở trẻ cũng như các bước xử trí đúng cách giúp trẻ an toàn qua bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Sốt co giật là gì?
Sốt co giật là tình trạng sốt kèm theo các cơn co giật, thường xuất hiện ở trẻ từ 6 tháng đến dưới 6 tuổi. Ở độ tuổi này, sự phát triển của não bộ chưa hoàn thiện dẫn đến khó thích ứng nhanh chóng với những thay đổi đột ngột về nhiệt độ của cơ thể và gây ra tình trạng co giật. Đây cũng là lý do mà tình trạng sốt co giật thường xảy ra khi trẻ bị sốt cao.
Khi sốt co giật, trẻ thường có các triệu chứng điển hình như: sốt cao; mất tri thức tạm thời, tay chân (các cơ) bị gồng cứng, co duỗi bất ngờ; trẻ bị sùi bọt mép; mắt thời trợn ngược; có thể bị nôn ói từng cơn; thở gấp.
Sốt co giật thường không đáng ngại bởi khi cơ thể thích ứng được nhiệt độ, cơn co sẽ nhanh chóng qua đi. Tuy nhiên một số ít trường hợp sốt co giật lại là dấu hiệu cảnh báo cho tình trạng nhiễm trùng hay viêm não ở trẻ. Trong trường hợp này, sốt co giật có xu hướng kéo dài trên 15 phút thay vì vài phút như co giật thông thường. Đồng thời các cơn sốt co giật sẽ tái phát trong vòng 24 giờ.
2. Xử trí đúng cách khi trẻ bị sốt co giật
Sốt co giật bản chất không khiến trẻ nguy hiểm, tuy nhiên những va đập và tình huống bất ngờ xảy ra trong khi sốt co giật không được xử lý đúng sẽ gây nguy hiểm tới tính mạng của trẻ. Khi trẻ bị sốt co giật, cha mẹ phải giữ bình tĩnh và cần lưu ý các bước xử trí đúng sau đây để không gây nguy hiểm cho trẻ.
2.1. Đặt trẻ nằm nơi bằng phẳng
Trẻ có dấu hiệu co giật, cần nhanh chóng đặt trẻ nằm xuống nơi bằng phẳng như giường hay nền đất và cần tránh các đồ vật có thể va chạm hoặc rơi vào trẻ.
2.2. Tư thế đúng của trẻ
Khi trẻ đang trong cơn co giật, các cơ sẽ bị tác động mạnh mẽ. Cha mẹ cần nhanh chóng đặt trẻ nằm nghiêng một bên và điều chỉnh một chân duỗi, 1 chân cho cho trẻ. Khi co giật, trẻ có thể kèm theo tình trạng nôn trớ. Việc đặt trẻ nằm nghiêng một bên sẽ giúp trẻ dẫn lưu chất nôn ra ngoài, tránh các dị vật này có thể lọt xuống đường thở gây tắc nghẽn đường thở của trẻ.
2.3. Thực hiện nới lỏng quần áo và bỏ khăn quấn cổ
Quần áo cần được nới rộng để giúp trẻ được thoải mái, đồng thời chân tay đang co giật không bị giới hạn bởi quần áo. Khăn quấn cổ hoặc quần áo quanh cổ cũng cần nới lỏng để giúp trẻ thở dễ dàng hơn.
2.4. Không kiềm chế cơn co giật
Co giật là phản ứng tự nhiên của cơ thể, các cơ bị co rút gây co giật. Cha mẹ tuyệt đối không được giữ chân tay trẻ kiềm chế co giật bởi lúc này lực co rút của các cơ rất mạnh. Việc giữ chân tay có thể khiến trẻ trật khớp, gãy xương, bong gân. Ngoài ra, tuyệt đối không nhét khăn miệng trẻ hay đặt các vật vào miệng để trẻ không cắn lưỡi bởi các hành động này vô tình cản trở oxy vào đường thở, khiến bé bị ngạt và rơi vào hôn mê do thiếu oxy,.. nguy hiểm đến tính mạng. Trên thực tế, trẻ bị co giật không thể cắn vào lưỡi gây tử vong do lúc này các cơ đều co. Trong trường hợp răng trẻ nghiến chặt cũng không thể nào cắn vào cơ lưỡi. Vì thế không nên cố dùng sức cậy răng của bé, có thể gây chấn thương hàm, gãy răng,….
2.5. Hạ sốt cho trẻ
Dùng khăn ấm thực hiện hạ sốt cho trẻ bằng cách lau tại các vị trí: trán, lách, bẹn để giúp trẻ hạ nhiệt. Theo dõi nhiệt độ của trẻ liên tục và trong trường hợp bé sốt trên 38.5 độ cần nhanh chóng sử dụng viên hạ sốt hậu môn để hạ sốt. Viên hạ sốt đặt trong hậu môn của trẻ với liều lượng 10 – 15 mg/kg cân nặng. Sử dụng bằng cách nhúng qua nước để thuốc trơn và đặt trực tiếp vào hậu môn của trẻ.
2.6. Theo dõi đến khi cơn co giật qua đi
Thông thường, các cơn co giật kéo dài không quá 5 phút và thường chỉ xuất hiện duy nhất 1 lần. Nếu trẻ bị co giật tái phát trong vòng 24 giờ, cha mẹ cần duy trì các thao tác như trên để sơ cứu cho trẻ.
3. Xử trí đúng sau khi trẻ bị sốt co giật
Cơn co giật qua đi, cha mẹ cần tiếp tục chăm sóc trẻ theo các hướng dẫn sau đây:
– Sau khi trẻ bị sốt co giật, không vội dựng trẻ dậy mà vẫn đặt nghiêng trẻ một bên, đồng thời để trẻ ngửa cổ về phía sau để các chất nôn được ra ngoài một cách an toàn.
– Sau khi trẻ tỉnh, hãy nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện để kiểm tra nguyên nhân gây sốt co giật. Trong trường hợp trẻ tiếp tục có các cơn co, trong khi di chuyển bé, cần thực hiện đúng các thao tác xử trí đã nêu trên.
– Sau khi sốt co giật, trẻ đều mệt mỏi và bị mất nước. Để giúp trẻ lấy lại được thể trạng bình thường cũng như phòng ngừa sốt co giật cho trẻ, cha mẹ cần bù nước cho trẻ bằng cách cho trẻ bú mẹ (trẻ còn bú), uống nhiều nước hoặc uống oresol điện giải.
– Cho trẻ nghỉ ngơi tại nơi thoáng mát, mặc trang phục thoải mái, tránh ủ ấm trẻ quá kỹ.
– Theo dõi thân nhiệt của trẻ và sử dụng phương pháp hạ sốt thủ công như lau người bằng khăn ấm. Trong trường hợp vẫn sốt cao, cần báo bác sĩ theo dõi hoặc sử dụng đơn thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ.
– Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ.
Trên đây là một số lưu ý xử trí đúng khi trẻ bị sốt co giật. Hi vọng rằng những thông tin này sẽ mang đến những điều hữu ích cho các bậc phụ huynh trong chăm sóc trẻ.