Ung thư cổ tử cung là căn bệnh nguy hiểm có thể xảy ra với nữ giới ở mọi độ tuổi. Vì vậy, việc tầm soát ung thư cổ tử cung sớm và định kỳ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phòng ngừa và gia tăng hiệu quả điều trị nếu chẳng may mắc bệnh. Hiện nay, xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung PAP Smear là phương pháp phổ biến được sử dụng để sàng lọc ung thư cổ tử cung. Vậy xét nghiệm này nên được thực hiện khi nào và thực hiện ra sao? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu hơn về phương pháp sàng lọc hữu ích này nhé!
Menu xem nhanh:
1. Những điều cần biết về xét nghiệm ung thư cổ tử cung PAP Smear
1.1. Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung PAP Smear là gì?
Xét nghiệm PAP Smear hay còn gọi là xét nghiệm phết tế bào ung thư cổ tử cung là xét nghiệm tế bào học nhằm xác định những tế bào bất thường ở cổ tử cung gây ra bởi virus u nhú HPV.
Phương pháp này sẽ thực hiện thu thập và phân tích các tế bào ở cổ tử cung nhằm phát hiện sớm ung thư trước khi các khối u phát triển và lan rộng. Bên cạnh đó, xét nghiệm này còn có thể phát hiện bất thường ở cấu trúc và hoạt động của các tế bào cổ tử cung giúp xác định nguy cơ mắc bệnh từ sớm.
1.2. Vì sao phải thực hiện xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung PAP Smear?
Ung thư cổ tử cung hiện nay nằm trong top 3 những bệnh ung thư gây tử vong hàng đầu ở nữ giới. Bệnh ngày càng có xu hướng gia tăng nhanh và trẻ hóa. Vì vậy việc sàng lọc và phát hiện sớm có ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp phòng ngừa và tăng khả năng điều trị khỏi bệnh. Nhờ vậy, việc ngăn chặn và điều trị bệnh ung thư cổ tử cung có thể thành công lên tới 75 đến 90%.
Đặc biệt, khi ở giai đoạn đầu thì ung thư cổ tử cung không hề có triệu chứng rõ rệt và hầu hết người bệnh phát hiện ra khi mà bệnh đã ở giai đoạn cuối. Lúc này thì việc điều trị sẽ trở nên khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều. Càng phát hiện muộn khi mà các tế bào ung thư phát triển mạnh hơn hoặc bỏ lỡ thời điểm vàng điều trị thì hiệu quả điều trị khỏi sẽ giảm dần. Vậy nên tầm soát ung thư cổ tử cung sớm, chẩn đoán phát hiện được bệnh sớm thì tỷ lệ chữa được bệnh càng cao.
1.3. Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung PAP Smear được tiến hành như thế nào?
Quy trình tiến hành lấy mẫu xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung PAP Smear sẽ được thực hiện với các bước như sau:
– Trước hết chị em sẽ được hướng dẫn nằm ngửa trên giường, hai đầu gối cong lại đặt chân trên bệ đỡ.
– Tiếp đến, bác sĩ sẽ sử dụng kẹp mỏ vịt nhẹ nhàng đưa vào bên trong âm đạo, mở rộng và cố định thành âm đạo để có thể nhìn thấy rõ cổ tử cung.
– Tiếp đó, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng để lấy mẫu ở cổ tử cung.
Quá trình lấy mẫu sẽ kéo dài trong vòng vài phút và không gây đau. Sau xét nghiệm, chị em có thể thấy hơi khó chịu, bị chuột rút hoặc chảy máu âm đạo nhẹ. Tuy nhiên, cần chú ý nếu tình trạng khó chịu kéo dài và chảy máu âm đạo không ngừng. Lúc này cần thông báo ngay cho bác sĩ để có chỉ định điều trị kịp thời.
Sau khi lấy mẫu tế bào cổ tử cung, mẫu tế bào sẽ được đưa đến phòng thí nghiệm để tiến hành phân tích.
– Mẫu tế bào cổ tử cung sau khi thu thập sẽ được phết lên một nửa lam kính (phần kính mờ), phết mỏng và theo một chiều duy nhất. Phết mẫu nhẹ nhàng và tỉ mỉ để tránh hủy hoại tế bào và tránh bị vón cục.
– Tiếp tục phết phần tế bào lên một nửa lam kính còn lại, xoay vòng bàn chải theo chiều dài lam kính.
– Đặt phết thứ hai lên phết đầu tiên và chuyển đến phòng xét nghiệm để phân tích kết quả.
2. Khi nào cần thực hiện xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung PAP Smear?
Các chuyên gia khuyến cáo tất cả phụ nữ từ 21 tuổi đến 69 tuổi, đã từng có quan hệ tình dục; có một bạn tình hay nhiều bạn tình và kể cả trường hợp đã đi tiêm phòng ung thư cổ tử cung HPV,… đều nên đi làm xét nghiệm PAP định kỳ. Với từng độ tuổi sẽ có tần suất thực hiện xét nghiệm khác nhau:
– Từ 21 đến 29 tuổi: Nên thực hiện khám và sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ 3 năm/lần.
– Từ 30 đến 65 tuổi: Nếu âm tính với virus HPV thì nên thực hiện định kỳ 3 năm/lần hoặc kết hợp PAP Smear và HPV 5 năm/lần. Nếu dương tính với HPV thì nên thực hiện cùng lúc PAP Smear và HPV định kỳ hàng năm.
– Ngoài 65 tuổi: Không cần thiết thực hiện nếu các xét nghiệm trong vòng 10 năm trở lại đều cho kết quả âm tính.
3. Những lưu ý trước khi thực hiện xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung PAP Smear
Để việc xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung cho kết quả chính xác, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ, chi em cần ghi nhớ những lưu ý cực kỳ quan trọng trước khi thực hiện sau đây:
– Không sử dụng các loại kem bôi trơn âm đạo trong vòng 24 giờ trước khi làm xét nghiệm.
– Không thụt rửa âm đạo trong vòng 2 đến 3 ngày trước khi làm xét nghiệm.
– Không thực hiện xét nghiệm PAP Smear trong những ngày kinh nguyệt vì có thể ảnh hưởng đến chất lượng mẫu thu thập. Thời điểm thích hợp nhất để thực hiện là khoảng 10 đến 14 ngày sau khi kết thúc kỳ kinh nguyệt.
– Không thực hiện xét nghiệm trong vòng 24 giờ sau khi quan hệ tình dục.
– Cần thông báo ngay với bác sĩ nếu đang đặt thuốc hoặc đang điều trị viêm nhiễm phụ khoa.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, kết quả xét nghiệm PAP Smear có thể xảy ra dương tính giả hoặc âm tính giả. Nếu kết quả dương tính, chị em cần bình tĩnh và tham khảo ý kiến, tư vấn của bác sĩ để thực hiện các kỹ thuật tầm soát chuyên sâu, chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
Nếu chị em có nhu cầu thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung thì Hệ thống y tế Thu Cúc TCI chính là địa chỉ không thể bỏ qua. Với hệ thống máy xét nghiệm hiện đại cùng đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao, chị em hoàn toàn có thể an tâm khi thực hiện xét nghiệm tại đây. Trên đây là những thông tin hữu ích về phương pháp xét nghiệm PAP Smear, mong rằng chị em đã có cho mình lượng thông tin cần thiết để chăm sóc sức khỏe bản thân.