Viêm tai giữa ở trẻ em là bệnh lý phổ biến. Bệnh thường gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn. Bài viết dưới đây đưa ra những kiến thức về bệnh viêm tai giữa ở trẻ em để phụ huynh có hướng phòng tránh bệnh cho trẻ.
Menu xem nhanh:
1. Những vấn đề chung viêm tai giữa trẻ em
Tại sao trẻ em dễ bị viêm tai giữa? Theo các chuyên gia, ở trẻ em có hệ thống bạch huyết vùng hầu họng còn yếu nên hay bị viêm. Đồng thời, trẻ em có cấu tạo vòi nhĩ thông giữa họng và tai giữa tương đối ngang nên vi khuẩn hoặc vi rút rất dễ xâm nhập hơn.
Có hai nguyên nhân phổ biến gây viêm tai giữa trẻ em do vi rút và vi khuẩn. Các mầm bệnh này không tự nhiên xâm nhập vào cơ thể mà chúng xâm nhập theo con đường duy nhất: qua vòi nhĩ, nằm ở thành sau họng. Do đó, bệnh viêm tai giữa là bệnh thường đi kèm hoặc đi sau 3 bệnh phổ biến: viêm họng cấp, viêm mũi cấp và viêm amiđan cấp ở trẻ em.
Bệnh viêm tai giữa trẻ em có khả năng tái phát cao. Khoảng 1/3 số trẻ mắc bệnh sau chữa trị sẽ có ít nhất 6 lần tái bệnh trong vòng 7 năm (gần 1 lần/năm). Do vậy, khi trẻ đã một lần mắc bệnh, thì sau đợt điều trị đã ổn định, cần cho trẻ tái khám định kỳ thường xuyên . Đặc biệt là những trẻ có hiện tượng suy giảm thính lực, chậm nói.
2. Triệu chứng viêm tai giữa trẻ em
Tai giữa là bộ phận khuất sâu bên trong của tai, nằm ở sau màng nhĩ – nếu nhìn từ vành tai vào trong ống tai. Do đó, bệnh viêm tai giữa ở trẻ khó để quan sát trực tiếp, trừ khi bệnh đã quá điển hình.
– Có thể nhận ra dấu hiệu trẻ bị viêm tai giữa là khu vực tai giữa bị viêm, sưng, đau và xuất hiện các triệu chứng liên quan khác.
– Dấu hiệu ban đầu: Trẻ bị sốt, viêm họng, viêm amiđan, viêm mũi trước đó vài ngày cho đến một tuần. Sau đó bệnh nặng thêm hoặc đã khỏi nhưng có dấu hiệu tái phát. Trẻ sốt cao trở lại, người mệt mỏi, quấy khóc, ngủ không yên.
– Dấu hiệu định khu: Trẻ có biểu hiện đau ở tai. Khi soi tai thấy màng nhĩ xung huyết, bóng lên và phồng lên do có chứa mủ trong tai giữa. Một thời gian sẽ có dịch mủ chảy ra. Soi họng thấy họng đỏ, viêm, amiđan sưng to, cửa mũi sau viêm sưng.
Đến giai đoạn này, nếu không điều trị hoặc điều trị không thỏa đáng, bệnh sẽ chuyển thành viêm mạn tính và lây lan sang vùng khác lân cận như viêm tai xương chũm, viêm xoang, viêm phổi phế quản,… ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ.
3. Phòng bệnh viêm tai giữa trẻ em
Để phòng bệnh viêm tai giữa trẻ em, phụ huynh cần tránh để trẻ tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây bệnh như: môi trường độc hại, yếu tố gây dị ứng (bụi bặm, khói thuốc lá…). Nên giữ vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý. Ở trẻ sơ sinh cần cho trẻ bú mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu.
Khi trẻ nôn trớ, không nên đặt trẻ nằm đầu thấp vì chất nôn dễ tràn vào tai giữa. Khi gội đầu cho trẻ, không nên hạ thấp đầu trẻ quá khiến nước bọt dễ chảy vào tai giữa.