Viêm ruột (hay viêm đường ruột) là bệnh lý đường tiêu hóa rất thường gặp. Bệnh gây tổn thương lớp thành ruột, dẫn đến nhiều triệu chứng khó chịu. Tình trạng viêm kéo dài nếu không được điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. đây là các triệu chứng thường gặp và cách điều trị bệnh lý ruột này.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh viêm ruột và các triệu chứng điển hình
1.1. Khái niệm bệnh viêm ruột
Bản chất bệnh viêm đường ruột là một bệnh viêm cấp tính hoặc mạn tính của đường tiêu hóa. Các cơ quan thuộc đường tiêu hóa (từ miệng đến hậu môn) đều có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng viêm nhiễm. Trong đó các vị trí thường bị viêm nhất là phần cuối ruột non, phần đầu ruột già (manh tràng) và khu vực lân cận hậu môn.
Bệnh lý này gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, làm phiền đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh. Bên cạnh đó, bệnh còn có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến ống tiêu hóa.
Viêm đường ruột tiến triển không liên tục. Điều này có nghĩa là tình trạng viêm xảy ra đột ngột, không có dấu hiệu báo trước, có thể biến mất theo thời gian và tiếp tục tái phát. Không thể dự đoán được thời điểm bùng phát/ tái phát cũng như thời gian diễn biến.
1.2. Triệu chứng viêm ruột thường gặp
Tình trạng viêm gây ra nhiều rối loạn tại đường tiêu hóa, bao gồm:
– Tiêu chảy là triệu chứng điển hình của bệnh, phân sáp và nhạt màu, có thể chứa máu, chất nhầy hoặc mủ.
– Đau ở bụng phía dưới bên phải hoặc đau xung quanh rốn. Cơn đau xuất hiện đột ngột hoặc âm ỉ, thường thuyên giảm tạm thời sau mỗi lần đại tiện.
– Đau bụng hoặc chảy máu khi đại tiện.
– Nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc nhiễm trùng âm đạo, gây ra bởi lỗ rò từ đường ruột.
– Đầy hơi sau khi ăn, táo bón là các triệu chứng ít gặp hơn của bệnh. Các triệu chứng này thường xuất hiện trong trường hợp tắc ruột.
Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp các triệu chứng lâm sàng chung như: sốt nhẹ, mệt mỏi, giảm cân.
Khi bệnh tiến triển, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng hơn như:
– Đường tiêu hóa xảy ra tình trạng loét ở nhiều cơ quan từ miệng đến hậu môn.
– Xuất hiện lỗ rò quanh hậu môn, tiết dịch và gây đau.
Các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi bệnh tiến triển, điển hình như:
– Viêm da, viêm khớp là các triệu chứng nặng mà người bệnh có thể gặp phải.
– Thiếu máu dẫn đến giảm khả năng vận động, khó thở.
Các triệu chứng trên đây chỉ mang tính chất gợi ý, biểu hiện bệnh của từng người có thể khác nhau. Khi gặp các triệu chứng bất thường, bạn cần thăm khám càng sớm càng tốt để được điều trị sớm, tránh các biến chứng nguy hiểm.
2. Cách điều trị viêm ruột
Việc điều trị nhằm mục đích khắc phục cơ bản tình trạng viêm, từ đó giảm các triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng và đảm bảo duy trì chế độ dinh dưỡng tốt.
2.1. Thuốc điều trị viêm ruột
Bệnh viêm đường ruột thường được chỉ định nhiều nhóm thuốc khác nhau: thuốc chống viêm, kháng sinh, corticosteroid, thuốc ức chế miễn dịch khác,… Trong đó, các loại thuốc được sử dụng rộng rãi nhất gồm:
– Steroid có tác dụng giảm tình trạng viêm toàn cơ thể. Tuy nhiên nó có thể gây nhiều tác dụng phụ như: sưng mặt, đổ mồ hôi ban đêm, mất ngủ, tăng động. Các tác dụng phụ nguy hiểm hơn là: cao huyết áp, tiểu đường, loãng xương, gãy xương, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, tăng khả năng nhiễm trùng,…
– Aminosalicylates giúp ngăn chặn tình trạng viêm ở ruột và khớp.
– Thuốc ức chế miễn dịch nhằm giảm mức độ viêm.
– Thuốc kháng sinh giúp tiêu diệt vi khuẩn tại vùng viêm, thường được chỉ định khi có áp xe và lỗ rò. Tuy nhiên cần tránh dùng các loại thuốc chống viêm không steroid vì chúng có thể làm trầm trọng tình trạng bệnh.
– Thuốc chống tiêu chảy: Làm chậm các cơn co thắt trong ruột, giúp thức ăn di chuyển chậm hơn.
– Thuốc nhuận tràng được chỉ định với người bệnh có triệu chứng táo bón.
– Thuốc giảm đau (như paracetamol) có thể dùng nhằm kiểm soát các cơn đau.
– Thuốc chống co thắt làm thư giãn các cơ, giảm tình trạng đau do co thắt.
2.2. Phẫu thuật
Phẫu thuật là giải pháp được chỉ định trong trường hợp việc dùng thuốc không thể ngăn chặn tình trạng viêm. Hai phẫu thuật điều trị viêm ruột phổ biến nhất là:
– Phẫu thuật tạo hình thắt chặt (còn gọi là phẫu thuật thắt chặt): Bác sĩ tiến hành phẫu thuật mở rộng phần ruột bị hẹp.
– Cắt bỏ: Loại bỏ các phần ruột bị viêm nghiêm trọng có thể gây tắc nghẽn hoặc lỗ rò. Các phần lành sau đó được nối lại với nhau, đảm bảo hoạt động tiêu hóa.
Riêng với trường hợp viêm đại tràng cần phẫu thuật, người bệnh có thể được chỉ định:
– Cắt một phần đại tràng bị tổn thương nghiêm trọng, nối các phần lành của ruột lại với nhau.
– Cắt bỏ toàn bộ đại tràng và trực tràng, phần cuối của ruột non được đưa ra ngoài qua một lỗ ở thành bụng.
– Nối thông hậu môn và trực tràng, trong trường hợp cắt bỏ toàn bộ đại tràng và giữ nguyên trực tràng. Lúc này hồi tràng (phần cuối cùng của ruột non) sẽ được nối với phần trên của trực tràng.
– Tạo lỗ thông tạm thời (thông tắc hồi tràng hoặc thông tắc ruột kết) nhằm chuyển chất thải tiêu hóa ra khỏi ruột đang bị viêm.
2.3. Các biện pháp hỗ trợ điều trị
Điều quan trọng để kiểm soát hiệu quả bệnh viêm ruột là duy trì lối sống khoa học, ngay cả khi bệnh đã thuyên giảm trong thời gian dài. Người bệnh cần lưu ý:
– Bổ sung vitamin D, do người bệnh thường thiếu hụt vitamin D.
– Chế độ ăn uống điều độ, lành mạnh, cân bằng, tránh các loại thực phẩm gây kích thích đường ruột. Hãy tham khảo bác sĩ tiêu hóa hoặc bác sĩ dinh dưỡng trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào liên quan đến chế độ ăn.
– Tập thể dục và vận động thường xuyên nhằm kích thích nhu động ruột, tăng cường miễn dịch và cải thiện tâm trạng, tránh stress.
– Thăm khám tiêu hóa định kỳ 6 tháng – 1 năm/ lần để tầm soát và theo dõi các bệnh lý đường tiêu hóa nói chung.
Trên đây là thông tin về triệu chứng và cách điều trị bệnh viêm ruột. Khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh, hãy gặp bác sĩ Tiêu hóa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.