Tổng quan về bệnh IBD- Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ 

Chu Xuân Hưng

Bác sĩ Tiêu hóa - Nội soi

Bệnh IBD còn gọi là bệnh viêm ruột. Nguyên nhân của bệnh là gì, triệu chứng của chúng ra sao, và cách điều trị như thế nào cho hiệu quả, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Bệnh IBD là gì?

1.1. Định nghĩa bệnh

Bệnh viêm ruột– (Inflammatory bowel disease – IBD) – hay viêm ruột mạn tính, là một trong những bệnh lý tiêu hóa phổ biến hiện nay. Bệnh IBD là nhóm bệnh, bao gồm hai loại bệnh cụ thể và thường gặp là viêm đại tràng và bệnh Crohn.

Viêm ruột là căn bệnh rất phổ biến ở đường tiêu hóa

Viêm ruột là căn bệnh rất phổ biến ở đường tiêu hóa

1.2. Các loại bệnh IBD thường gặp

Viêm loét đại tràng: Bệnh viêm loét đại tràng là hiện tượng xuất hiện các vết viêm loét, các tổn thương ở khu vực đại trực tràng. Cơ thể coi các vết viêm loét đó là các vật thể lạ nên tấn công chúng. Quá trình này gây ra các biểu hiện của bệnh. Đặc biệt, bệnh có tỷ lệ mắc cao đối với người cao tuổi. Khi già đi, niêm mạc đại tràng càng mỏng đi và dễ bị viêm loét hơn.

Bệnh Crohn: Trong khi bệnh viêm loét đại tràng chỉ khu trú ở khu vực đại tràng, thì bệnh Crohn bao gồm các tổn thương ở bất cứ vùng nào trong ống tiêu hóa. Bệnh gây ảnh hưởng tới nhiều thành phần của hệ tiêu hóa. Đặc biệt bệnh gây viêm ở phần cuối của ruột non (hồi tràng) và đầu đại tràng. Các vết viêm có thể ăn sâu vào mô đường ruột gây ra các tổn thương lớn tạo ra các biểu hiện bệnh nghiêm trọng. Bệnh Crohn có thể dẫn đến các biến chứng như: rò ruột, thủng ruột, dính ruột,..

Bệnh Crohn gây ra tổn thương từng vùng của hệ tiêu hóa

Bệnh Crohn gây ra tổn thương từng vùng của hệ tiêu hóa

2. Nguyên nhân gây ra các bệnh IBD

Hiện tại, nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh viêm ruột chưa được làm rõ. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng có nhiều lý do cụ thể làm tăng nặng các triệu chứng và tình trạng bệnh. Những yếu tố này bao gồm các đặc tính di truyền, môi trường sống và chế độ ăn uống không lành mạnh, virus, sự bất thường trong hệ miễn dịch.

2.1. Đặc tính di truyền

Một điều mà nhiều người không ngờ tới là nếu như gia đình có người từng mắc bệnh IBD thì những người khác rất có nguy cơ bị bệnh. Đặc biệt là khả năng bị mắc bệnh Crohn có thể sẽ cao hơn bệnh viêm đại tràng.

2.2. Chế độ ăn uống và yếu tố môi trường

Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, nhiều chất béo và các thực phẩm khó tiêu hóa, thực phẩm tinh chế cũng là một nguyên nhân làm tăng nguyên nhân mắc bệnh IPD. Chế độ sinh hoạt không điều độ và căng thẳng kéo dài cũng khiến cho triệu chứng bệnh nặng thêm. Ngoài ra, yếu tố môi trường cũng được xem như một nguyên nhân. Khí hậu nóng, độ ẩm cao của miền Bắc sẽ khiến nguy cơ mắc cao hơn so với miền Nam.

2.3. Vi khuẩn, virus

Bệnh IBD có thể được gây ra bởi các vi khuẩn, virus, ký sinh trùng. Có thể kể đến một số cái tên như: Vi khuẩn Salmonella, Escherichia coli (hay E. coli), vi khuẩn S. aureus, vi khuẩn C. jejuni, vi khuẩn lỵ,..

2.4. Sự bất thường của hệ thống miễn dịch

Hệ thống miễn dịch có tác dụng tấn công các vi khuẩn, virus xâm nhập cơ thể và gây bệnh. Tuy nhiên khi hệ thống này gặp vấn đề bất thường sẽ tấn công ngược những tế bào có lợi trong cơ thể. Hệ miễn dịch không bảo vệ được cơ thể trước các yếu tố xâm nhập nữa. Điều này dẫn tới tình trạng viêm loét ở ruột.

3. Triệu chứng của bệnh

Bệnh IBD có nhiều kiểu triệu chứng. Hơn nữa, mỗi người lại có những biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên, đa số các bệnh nhân thường có các triệu chứng bệnh tiêu biểu dưới đây:

3.1. Tiêu chảy kéo dài

Tiêu chảy kéo dài là một biểu hiện rất dễ nhận thấy của người bị mắc bệnh IBD. Người mắc bệnh sẽ đi ngoài rất nhiều, đôi khi kèm cả máu và những cơn đau bụng. Cơn đau bụng có thể xảy ra theo nhiều cấp độ, từ đau bụng âm ỉ tới dữ dội. Cùng với đó tình trạng tiêu chảy quá nhiều khiến người bệnh kiệt sức, mất nước, mất máu. Điều này có thể dẫn đến tình trạng tụt huyết áp, thiếu máu,..

Triệu chứng tiêu chảy kéo dài ở người mắc bệnh IBD

Triệu chứng tiêu chảy kéo dài ở người mắc bệnh IBD

3.2. Táo bón

Người bị bệnh viêm ruột có thể gặp các triệu chứng táo bón. Đây là tình trạng thường gặp của bệnh nhân mắc Crohn do đường ruột bị tắc nghẽn ở một đoạn nào đó, dẫn đến tiêu hóa không ổn định.

3.3. Sốt, mệt mỏi

Cơn sốt có thể kéo đến kèm theo cơ thể mệt mỏi do các vết viêm loét bên trong đường ruột. Triệu chứng này có thể bị nhầm lẫn với các loại bệnh lý khác. Tuy nhiên, nếu triệu chứng sốt kết hợp với các triệu chứng đau bụng tiêu chảy hay táo bón như trên thì rất có thể bạn đang mắc bệnh viêm ruột.

3.4. Chán ăn, sụt cân nhanh

Khi mắc các bệnh về đường tiêu hóa nói chung và bệnh viêm ruột nói riêng, nhiều người bệnh thường có biểu hiện không muốn ăn uống. Chán ăn khiến cho cơ thể không được bổ sung đủ các chất dinh dưỡng. Từ đó dẫn đến việc sụt cân nhanh chóng.

Biến chứng của bệnh: Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh viêm ruột có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: tắc nghẽn đường ruột, suy dinh dưỡng, ung thư,..

4. Cách điều trị bệnh IBD

Hiện nay chưa có phương pháp cũng như loại thuốc nào đặc trị bệnh IBD. Cách điều trị bệnh tập trung chủ yếu vào việc làm giảm nhẹ các triệu chứng và giảm nguy cơ gây ra biến chứng nguy hiểm.

Trường hợp bệnh nhân tiêu chảy sẽ được cho uống chất điện giải, bù nước, uống thuốc chống tiêu chảy. Trường hợp bị viêm loét nặng sẽ được kê toa sử dụng một số thuốc để chống lại quá trình viêm. Một số thuốc kháng viêm có thể kể đến như corticoid, aminosalicylates,…Tùy theo tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra liều lượng phù hợp. Người bệnh cần tuân thủ theo đơn thuốc để quá trình điều trị có thể hiệu quả tối đa.

Trong nhiều trường hợp khi bệnh nhân không đáp ứng với điều trị bằng thuốc thì các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật. Ước tính có khoảng trên 50% bệnh nhân Crohn cần phẫu thuật để loại bỏ đoạn ruột tổn thương và nối hai đoạn ruột lành với nhau. Sau phẫu thuật, phần ruột còn lại sẽ đảm nhiệm chức năng của phần đã cắt bỏ.

5. Cách phòng ngừa bệnh IBD

Bệnh viêm ruột là căn bệnh kéo dài và cần rất nhiều thời gian để chữa trị. Chính vì vậy, tốt hơn hết là chúng ta nên chủ động phòng ngừa bệnh. Có thể áp dụng những phương pháp như sau:

– Đảm bảo vệ sinh, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để phòng ngừa vi khuẩn xâm nhập

– Đảm bảo nguồn nước sạch, ăn chín uống sôi, sử dụng thực phẩm an toàn.

– Hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, chiên rán không có lợi cho hệ tiêu hóa.

– Duy trì lối sống lành mạnh, tích cực, giảm căng thẳng mệt mỏi

Bệnh IBD liên quan trực tiếp đến nhiễm trùng đường tiêu hóa. Nó có ảnh hưởng tiêu cực và trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của chúng ta. Do vậy, nếu phát hiện các triệu chứng của bệnh, nên nhanh chóng thăm khám để có hướng điều trị kịp thời và hiệu quả trước khi các biến chứng nặng diễn ra.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital