Viêm loét dạ dày do HP là bệnh lý viêm loét dạ dày do khuẩn HP dương tính gây ra. Và một trong những thắc mắc được mọi người quan tâm hàng đầu đó là bệnh có thể lây không, nếu có thì lây qua các con đường nào và cách phòng tránh hiệu quả. Hãy cùng tìm hiểu ngay.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh viêm loét dạ dày do HP
Bệnh viêm loét dạ dày và vi khuẩn HP có mối liên hệ đặc biệt. Có tới gần 90% trong tổng số ca bệnh viêm loét đến từ nguyên nhân nhiễm vi khuẩn HP dương tính, gọi là viêm loét dạ dày HP.
Vi khuẩn HP có khả năng xâm nhập và phát triển tại lớp nhầy thành niêm mạc dạ dày. Tại đây, khuẩn Hp bắt đầu hoạt động, tiết ra các chất độc bào mòn lớp bảo vệ làm lộ ra các lớp bên dưới và gây ra các tổn thương viêm loét dạ dày.
Viêm loét dạ dày HP tuyệt đối không thể chủ quan vì nếu bệnh trở nặng có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như hẹp môn vị, thủng bao tử, xuất huyết, thậm chí là ung thư dạ dày. Người bệnh cần chủ động thăm khám để nhanh chóng phát hiện cũng như thực hiện điều trị đúng cách để chữa bệnh hiệu quả, ngăn ngừa bệnh tái phát.
2. Giải đáp: Viêm loét dạ dày HP có lây không? Lây qua đường nào?
2.1. Bệnh viêm loét dạ dày do HP có lây không?
Câu trả lời được đưa ra đó là: Bệnh viêm loét dạ dày HP có thể lây nhiễm từ người này qua người khác. Như đã nói ở trên, viêm loét dạ dày HP có nguyên nhân xuất phát từ việc nhiễm khuẩn dương tính với vi khuẩn HP. Khuẩn HP có khả năng lây nhiễm cao qua nhiều con đường nên đồng nghĩa với việc viêm loét dạ dày HP cũng có khả năng lây lan rộng.
Chính vì thế, kiểm soát đường lây vi khuẩn HP cũng đồng nghĩa ngăn ngừa nguy cơ lây lan viêm loét dạ dày.
2.2. Đường lây bệnh viêm loét dạ dày do HP
Vi khuẩn HP có khả năng lây lan rộng từ người mang vi khuẩn sang người lành thông qua 3 con đường chính như sau:
– Lây theo đường miệng – miệng: Đây là đường lây truyền vi khuẩn HP chủ yếu nhất. Lây lan do sự tiếp xúc trực tiếp của nước bọt hoặc dịch tiết từ đường tiêu hóa của người mắc bệnh và người lành.
– Lây theo đường phân – miệng: Vi khuẩn HP được đào thải qua phân sẽ là nguồn lây lan bệnh ra cộng đồng. Thông qua nhiều hình thức mà điển hình đến từ thói quen sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh, ăn đồ sống mà nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn HP cao hơn.
– Lây theo đường khác: Vi khuẩn HP còn có thể bị lây nhiễm trong quá trình khám chung, dùng chung các thiết bị y tế như soi tai mũi họng, nội soi dạ dày, dụng cụ nha khoa,… Vậy nên việc vệ sinh tiệt trùng khử khuẩn các thiết bị y tế sau mỗi lần sử dụng là yêu cầu bắt buộc để tránh nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn HP.
Thực tế rất nhiều người có thể vô tình bị lây nhiễm vi khuẩn HP mà hoàn toàn không hề hay biết vì các triệu chứng bệnh thường thầm lặng, không rõ ràng. Hãy để ý những dấu hiệu cảnh báo bệnh là cơn đau bụng vùng thượng vị, đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi, rối loạn phân,… Trong trường hợp nghi ngờ nhiễm vi khuẩn HP cần nhanh chóng thăm khám để được hướng dẫn điều trị đúng cách.
3. Cần làm gì khi được phát hiện viêm loét dạ dày HP
Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm vi khuẩn HP, người bệnh cần chủ động thăm khám với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán chính xác về bệnh và lên phác đồ điều trị phù hợp. Vì mỗi bệnh nhân sẽ có tình trạng bệnh lý khác nhau và yêu cầu điều trị cũng không giống nhau.
Nguyên tắc điều trị viêm loét dạ dày HP là tập trung vào việc tiêu diệt vi khuẩn HP. Ở các trường hợp bệnh nhẹ, chưa có biến chứng nghiêm trọng có thể được điều trị tốt bằng thuốc (có thể đạt hiệu quả điều trị tới 90%). Còn ở các ca bệnh phát hiện muộn, viêm loét phát sinh biến chứng thì cần giải quyết xong biến chứng trước, có khi còn phải làm phẫu thuật cắt dạ dày để điều trị.
Bên cạnh đó, yếu tố dinh dưỡng và thói quen sống cũng đóng vai trò quyết định trong việc điều trị viêm loét dạ dày HP. Người bệnh cần chọn thực đơn cân đối, bổ sung đủ chất xơ, vitamin, kiêng rượu bia và đồ ăn chua, cay, nóng. Duy trì thói quen ăn uống khoa học: ăn uống đảm bảo hợp vệ sinh, ăn đủ bữa, ăn đúng giờ, không nhịn đói hoặc ăn quá no trong ngày,… Việc làm này sẽ giúp thuyên giảm các triệu chứng khó chịu cũng như nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.
4. Phòng tái nhiễm viêm loét dạ dày vi khuẩn HP đúng cách
Trên thực tế là kể cả khi đã được điều trị xong thì HP vẫn có thể tái dương tính và gây lại viêm loét dạ dày HP. Chính vì thế, người bệnh cả trong và sau quá trình điều trị đều cần thực hiện tốt các yêu cầu sau đây nhằm phòng việc bệnh tái lại:
– Xây dựng chế độ ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng đặc biệt là giàu chất xơ, vitamin. Tránh đồ ăn chua, cay, các đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh và đồ ăn khó tiêu hóa,…
– Uống đủ nước.
– Bỏ thuốc lá, hãy tránh xa cả khói thuốc.
– Hạn chế tối đa uống đồ uống có cồn, điển hình nhất là bia rượu.
– Tham khảo kỹ ý kiến bác sĩ khi cần phải sử dụng nhóm các nhóm thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau chống viêm (NSAID).
– Có thói quen thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng để phòng tránh nguy cơ nhiễm khuẩn.
– Ăn chín uống sôi.
– Duy trì và thực hiện tốt lối sống lành mạnh từ thói quen ăn uống tới sinh hoạt: ăn đủ bữa đúng giờ, nhai kỹ và tập trung khi ăn, chia nhỏ bữa ăn trong ngày, không thức khuya, làm việc và nghỉ ngơi điều độ, tránh căng thẳng kéo dài, vận động luyện tập thể dục thể thao đều đặn,..
– Tái khám đều đặn, thăm khám sức khỏe định kỳ thường là 6-12 tháng/lần.
Viêm loét dạ dày do HP không phải bệnh lý quá nguy hiểm song tuyệt đối không thể chủ quan. Mỗi người hãy nâng cao việc phòng tránh bệnh cũng như chủ động thăm khám sớm khi cần, không để bệnh gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bạn.