Viêm gan B có lây qua sữa mẹ không? Mẹ cần lưu ý những gì?

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Viêm gan B có lây qua sữa mẹ không là thắc mắc hàng đầu của các bà mẹ mắc viêm gan B. Việc nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ tốt cho em bé mà đây còn là điều mà mọi người mẹ đều mong muốn. Hãy cùng đi tìm giải đáp về thắc mắc nêu trên trong bài viết sau đây.

1. Viêm gan B có lây qua sữa mẹ không và các đường lây của bệnh

1.1. Trả lời: Viêm gan B có lây qua sữa mẹ không?

Bệnh viêm gan B không lây qua sữa mẹ, người mẹ mắc bệnh viêm gan B vẫn có thể cho con bú và nuôi con bằng sữa mẹ bình thường. Giải thích cho điều này đó là, trong sữa mẹ vẫn có một phần virus HBV nhất định, tuy nhiên số lượng là rất thấp không đủ để tạo thành nguy cơ lây lan.

Virus HBV không lây qua sữa mẹ nhưng không vì thế mà mẹ có thể chủ quan vì nguy cơ lây bệnh thông qua các đường lây khác trong quá trình sinh hoạt, cho con bú là vẫn có.

Viêm gan B có lây qua sữa mẹ không

Người mẹ mắc viêm gan B vẫn có thể nuôi con và cho con bú bình thường vì bệnh không lây qua sữa mẹ.

1.2. Đường lây chủ yếu của virus viêm gan B

Tìm hiểu rõ về đường lây của virus HBV giúp các mẹ có thể phòng tránh và cách xử lý tốt hơn trong việc ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm virus sang con. Virus HBV có khả năng lây lan nhanh chóng từ người này sang người khác thông qua 3 đường lây chính như sau:

– Lây qua đường máu

Máu là con đường lây lan virus HBV có nguy cơ cao nhất. Trong máu có lượng HBV rất cao, khi da hoặc niêm mạc của người thường không mang virus viêm gan B bị xây xước mà có tiếp xúc với máu của người đã nhiễm bệnh thì khả năng bị lây nhiễm virus lên tới 70-80%.

– Lây từ mẹ sang con

Trong quá trình mang thai, mẹ bầu đã nhiễm viêm gan B có thể truyền virus từ mẹ sang con. Theo nghiên cứu chỉ có khoảng 10-20% những em bé may mắn khi sinh ra đã có khả năng tự phục hồi hoàn toàn sau khi bị lây nhiễm virus HBV từ người mẹ. Những em bé còn lại đều có nguy cơ cao bị viêm gan B mạn tính.

– Lây bệnh khi quan hệ tình dục không đảm bảo an toàn

Virus HBV có ở tinh dịch của người đàn ông và ở dịch âm đạo của người phụ nữ. Vì thế, trong quá trình thực hiện quan hệ tình dục nhưng không đảm bảo yếu tố an toàn thì dịch tiết của người nhiễm bệnh sẽ thâm nhập vào cơ thể đối phương thông qua các vết xước nhỏ hoặc di chuyển vào máu và gây ra tình trạng lây nhiễm HBV.

Đường lây bệnh viêm gan B

3 con đường chính gây nguy cơ lây lan virus HBV: Đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con.

2. Những điều mẹ cần lưu ý để không lây nhiễm virus HBV sang con

2.1. Tiêm phòng virus viêm gan B cho bé

Với trường hợp mẹ bầu đã mang virus, sau khi em bé được sinh ra sẽ cần tiến hành tiêm vaccine ngay trong vòng 12 giờ đầu tiên (sẽ tiêm ở 2 vị trí khác nhau). Theo các nghiên cứu chỉ ra rằng, trong vòng 12-24h sau sinh, vaccine có khả năng phòng được lên tới 85%-90% các trường hợp lây truyền virus từ mẹ sang con và hiệu quả phòng ngừa giảm dần theo thời gian và không có hiệu lực nếu tiêm sau 7 ngày (tính từ thời điểm em bé chào đời).

Khi trẻ đã được tiêm chủng ngừa viêm gan B sẽ giúp ngăn ngừa lây nhiễm virus HBV từ tất cả các đường lây nhiễm khác. Điều này sẽ đảm bảo mức độ an toàn tốt hơn trong quá trình người mẹ mắc viêm gan B chăm sóc con nhất là trong việc cho con bú.

Những điều mẹ cần lưu ý

Tiêm vaccine cho bé là biện pháp phòng ngừa bệnh viêm gan B hiệu quả nhất hiện nay.

2.2. Những lưu ý cụ thể cho mẹ trong quá trình cho con bú

– Trong thời gian cho con bú, nếu người mẹ viêm gan B mắc các bệnh như nứt cổ gà, chảy máu đầu ti hay bất kỳ một tổn thương vú nào thì không nên cho bé bú trực tiếp. Điều có thể khiến bé tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết huyết thanh của mẹ. Lúc này, mẹ nên vắt sữa ra bình và xử lý sữa (đun sôi, chưng cách thủy) trước khi cho bé uống.

– Mẹ cũng cần thường xuyên theo dõi và chú ý tới các dấu hiệu bên ngoài của trẻ. Trong trường hợp nhận thấy trẻ bị tưa lưỡi, nứt miệng hoặc các thương tổn có máu thì dừng ngay việc cho con bú.

– Ở một số trường hợp đặc biệt, người mẹ phải tiến hành điều trị kháng virus viêm gan B trong quá trình cho con bú thì cần tham khảo hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa về các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Lưu ý, các mẹ tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định từ bác sĩ vì điều này rất dễ dẫn tới các tác dụng phụ gây ảnh hưởng tới chất lượng sữa và không tốt với em bé.

3. Những điều cần lưu ý khi tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ em

Thực hiện tiêm ngừa viêm gan B cho trẻ em trong trường hợp mẹ nhiễm virus viêm gan B cần tuân thủ phác đồ được chỉ định từ bác sĩ. Đảm bảo đúng trình tự, liều lượng, thời gian tiêm.

Sau 5 năm cần cho trẻ tái xét nghiệm kháng thể chống virus HBV (HBsAb) xem đã đủ chưa. Trường hợp nếu kháng thể HBsAb < 10mUI/ml thì cần tiến hành tiêm thêm mũi nhắc lại.

Lưu ý trong theo dõi sau tiêm:

Trong vòng 24-48 giờ đầu sau khi tiêm, trẻ sơ sinh cần được theo dõi sát sao ở tất các các dấu hiệu. vaccine viêm gan B được đánh giá đảm bảo an toàn cho trẻ, kể cả trẻ sơ sinh. Tuy nhiên tùy theo từng cơ địa, trẻ có thể có một số phản ứng phụ như:

– Quấy khóc, đau vết tiêm

– Vết tiêm tấy đỏ, sưng

– Sốt nhẹ

Mặc dù các phản ứng này là rất ít xảy ra nhưng vẫn cần phải tuân thủ và theo dõi toàn diện để tránh gặp phải các vấn đề phát sinh không đáng có. Các bậc cha mẹ cũng có thể yên tâm hơn khi tiếp nhận liệu trình tiêm vaccine cho trẻ.

Viêm gan B có lây qua sữa mẹ không, câu trả lời là không. Tuy nhiên, mỗi người mẹ mắc viêm gan B cần tìm hiểu đầy đủ thông tin liên quan đến bệnh cũng như cách phòng tránh lây nhiễm hiệu quả để bảo vệ bé một cách tốt nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital