Mặc dù viêm tụy cấp có khả năng chữa khỏi, nhưng nguy cơ biến chứng và tử vong vẫn luôn hiện hữu. Do đó, việc chẩn đoán viêm tụy cấp sớm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều trị hiệu quả và hạn chế tối đa những hậu quả nghiêm trọng. Có nhiều phương pháp chẩn đoán hiệu quả và chính xác cho viêm tụy cấp, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu căn bệnh viêm tụy cấp: Nguyên nhân và triệu chứng
1.1. Nguyên nhân chính gây nên tình trạng viêm tụy cấp ở người bệnh
Sỏi mật và lạm dụng rượu là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm tụy cấp. Cụ thể:
Sỏi mật
Sỏi mật là những khối nhỏ hình thành trong túi mật, thường hình thành do sự cholesterol dư thừa trong mật. Khi sỏi mật di chuyển từ đường mật và bị kẹt tại ngã ba mật tụy sẽ khiến tắc nghẽn đường lưu thông của dịch tụy
Nếu tình trạng tắc nghẽn chỉ xảy ra tạm thời thì tổn thương thường ngắn và phục hồi nhanh. Tuy nhiên, nếu tắc nghẽn kéo dài thì các enzyme được hoạt hóa trong tuyến tụy sẽ tích tụ ngày càng nhiều, dẫn đến tổn thương và viêm tụy cấp.
Lạm dụng rượu
Lạm dụng rượu bia là một trong những nguyên nhân chính gây ra viêm tụy cấp. Việc sử dụng rượu bia có thể khiển tuyến tụy tăng cường sản xuất enzyme và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình di chuyển của các enzym này đến ruột. Kết quả là, các enzym này hoạt hóa và thực hiện chức năng của chúng ngay trong tuyến tụy, khiến chúng tấn công ngược lại tuyến tụy.
Thêm vào đó, rượu bia cũng có thể làm hẹp các ống nhỏ trong tuyến tụy, gây ra sự cản trở trong quá trình lưu thông dịch tụy và gây viêm tụy.
Ngoài ra còn những nguyên nhân khác có thể gây nên tình trạng viêm tụy cấp bao gồm: nhiễm trùng, nồng độ canxi cao trong máu tăng, tổn thương tuyến tụy, rối loạn di truyền, dùng một số loại thuốc,…
1.2. Nhận biết những triệu chứng thường gặp khi bị viêm tụy cấp
Các dấu hiệu viêm tụy cấp thường gặp bao gồm:
– Đau bụng: Đây là triệu chứng phổ biến nhất của viêm tụy cấp, thường xuất hiện đột ngột và dữ dội ở vùng bụng trên rốn. Cơn đau có thể lan ra sau lưng và có thể kéo dài trong vài ngày.
– Buồn nôn và nôn mửa: Buồn nôn và nôn mửa là những triệu chứng thường gặp khi bị viêm tụy. Người bệnh có thể cảm thấy buồn nôn và nôn nhiều lần trong ngày.
– Sốt: Sốt là một triệu chứng thường gặp của viêm tụy cấp, thường là do phản ứng viêm trong cơ thể.
– Tiêu chảy: Tiêu chảy có thể xảy ra do sự ứ đọng dịch trong ruột.
– Chướng bụng: Chướng bụng có thể xảy ra do sự ứ đọng dịch trong ruột và do sự giãn nở của tuyến tụy.
– Thở nhanh: Thở nhanh có thể xảy ra do sự ứ đọng dịch trong phổi.
– Vàng da và vàng mắt: Vàng da và vàng mắt có thể xảy ra do sự ứ mật, có thể do viêm tụy cấp gây ra.
2. Các phương pháp thường dùng để chẩn đoán viêm tụy cấp
Các phương pháp chẩn đoán đóng vai trò quan trọng trong việc xác định mức độ nghiêm trọng, nguyên nhân gây bệnh và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Các phương pháp chẩn đoán thường được bác sĩ chỉ định bao gồm:
2.1. Khám lâm sàng: Bước đầu chẩn đoán viêm tụy cấp
Khám lâm sàng đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán viêm tụy cấp. Phương pháp sẽ được thực hiện với các bước như sau:
– Hỏi về triệu chứng và tiền sử bệnh lý: Bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về các triệu chứng mà bệnh nhân đang gặp phải và tiền sử bệnh lý trước đây.
– Kiểm tra sức khỏe tổng quát: Bác sĩ sẽ kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn như huyết áp, nhịp tim, nhịp thở,… Ngoài ra, bác sĩ có thể sẽ sờ nắn bụng để tìm vị trí đau, sưng tấy hoặc các dấu hiệu bất thường khác.
– Chỉ định thăm khám: Nếu bệnh nhân có các triệu chứng điển hình của viêm tụy cấp, bác sĩ có thể chỉ định các dưới đây để chẩn đoán xác định bệnh. Bác sĩ sẽ cân nhắc các yếu tố như tình trạng bệnh nhân, khả năng tiếp cận phương pháp chẩn đoán và chi phí để lựa chọn phương pháp phù hợp nhất.
2.2. Xét nghiệm máu để chẩn đoán viêm tụy cấp
Xét nghiệm máu là một trong những phương pháp chẩn đoán quan trọng trong các trường hợp nghi ngờ viêm tụy cấp, đặc biệt khi có các bất thường nghi ngờ do ứ mật, tăng lipid máu, hay tăng calci huyết,… gây nên. Bác sĩ có thể dựa vào kết quả xét nghiệm để chẩn đoán xác định hoặc tìm ra nguyên nhân của vấn đề viêm tụy.
2.3. Chẩn đoán hình ảnh
Siêu âm bụng
Siêu âm bụng là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn có thể giúp phát hiện các dấu hiệu của viêm tụy cấp. Phương pháp phổ biến nhất, giúp phát hiện sỏi mật, nang tụy, và tình trạng sưng tấy của tuyến tụy.
Ngoài ra, siêu âm bụng còn được chỉ định để đánh giá các nguyên nhân gây viêm tụy khác như sỏi mật, giãn đường mật, viêm ruột thừa, viêm túi mật,…
Chụp X-quang hoặc chụp CT
Chụp X-quang thường được chỉ định để phát hiện tràn dịch màng phổi và tổn thương nhu mô phổi. Đây là một dấu hiệu cho thấy mức độ nghiêm trọng của viêm tụy cấp và người bệnh có nguy cơ tử vong cao.
Trong trường hợp chẩn đoán trên không đem lại kết quả rõ ràng và vẫn nghi ngờ viêm tụy, bác sĩ sẽ chỉ định chụp cắt lớp vi tính (CT) với thuốc cản quang tĩnh mạch để chẩn đoán xác định. Chụp cắt lớp vi tính là phương pháp chẩn đoán hình ảnh tiên tiến, giúp tạo ra hình ảnh chi tiết của các cơ quan bên trong cơ thể. CT scan đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán viêm tụy cấp, đặc biệt là trong các trường hợp phát hiện biến chứng nghiêm trọng.
Chụp MRI mật tụy
Chụp MRI (chụp cộng hưởng từ) mật tụy là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh tiên tiến sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết của tuyến tụy và các cơ quan xung quanh. Phương pháp này có thể giúp phát hiện các dấu hiệu của viêm tụy cấp một cách rõ ràng và chính xác hơn so với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác.
Bác sĩ sẽ dựa vào kết quả MRI cùng với các thông tin lâm sàng và xét nghiệm khác để đưa ra chẩn đoán chính xác và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là chìa khóa giúp cải thiện tiên lượng và giảm nguy cơ tử vong cho bệnh nhân viêm tụy cấp. Hãy đến gặp bác sĩ TCI ngay nếu bạn có các triệu chứng nghi ngờ viêm tụy cấp để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả.