Viêm đường tiết niệu cần xét nghiệm gì là thắc mắc của không ít người khi mắc phải căn bệnh này. Viêm đường tiết niệu hiểu đơn giản chính là hiện tượng vi khuẩn xâm nhập vào hệ tiết niệu gây ra những phản ứng của cơ thể để chống lại sự xâm nhập đó. Và các xét nghiệm chính là kỹ thuật hỗ trợ để bác sĩ có thể đưa chẩn đoán viêm đường tiết niệu chính xác nhất nhằm tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Menu xem nhanh:
1. Viêm đường tiết niệu là gì?
Về nguyên tắc, nước tiểu trước khi được thải ra ngoài là vô trùng. Có nghĩa là trong nước tiểu không chứa vi khuẩn hay bất kỳ vi sinh vật nào khác. Tuy nhiên, vi khuẩn từ bên ngoài có thể xâm nhập qua niệu đạo rồi lội ngược dòng lên các cơ quan khác của hệ tiết niệu gây viêm nhiễm. Một cách khác, vi khuẩn có thể theo máu đi đến thận gây nhiễm trùng tại thận, rồi lại theo nước tiểu đến các vị trí khác của đường niệu lại tiếp tục gây viêm nhiễm.
Như vậy, viêm đường tiết niệu là tình trạng viêm nhiễm ở bất kỳ cơ quan nào của hệ tiết niệu do vi khuẩn, nấm, vi rút, và đặc biệt là vi khuẩn E.coli gây ra. Tỷ lệ mắc viêm đường tiết niệu dưới (bàng quang, niệu đạo) có xu hướng cao hơn viêm đường tiết niệu trên (thận, niệu quản).
Nhiễm trùng đường tiết niệu thường gặp ở nữ giới nhiều hơn so với nam giới. Nguyên nhân là do niệu đạo của nữ ngắn hơn và gần hậu môn hơn nên tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập vào đường niệu.
Kháng sinh là phác đồ điều trị đầu tay cho viêm đường tiết niệu. Tuy nhiên, mỗi loại vi khuẩn gây bệnh sẽ nhạy với một loại kháng sinh khác nhau. Vì vậy cần làm xét nghiệm chẩn đoán viêm đường tiết niệu để tìm ra nguyên nhân cũng như đánh giá mức độ bệnh để đưa ra liệu pháp điều trị thích hợp và mang lại hiệu quả cao nhất.
2. Viêm đường tiết niệu cần xét nghiệm gì?
2.1. Xét nghiệm nước tiểu thông thường
Xét nghiệm nước tiểu là xét nghiệm thông thường và đơn giản nhất vừa nhằm mục đích kiểm tra sức khỏe tổng quát vừa tìm các tế bào bạch cầu, hồng cầu hoặc vi khuẩn có trong nước tiểu để chẩn đoán viêm đường tiết niệu.
Tuy nhiên, để tránh mẫu bệnh phẩm không bị nhiễm bẩn, làm sai lệch kết quả, người bệnh cần vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài sạch sẽ và phải lấy nước tiểu giữa dòng.
Để chẩn đoán viêm đường tiết niệu, mẫu nước tiểu đã lấy sẽ được đánh giá theo 3 cách: kiểm tra bằng thị giác, kiểm tra bằng que nhúng và kiểm tra bằng kính hiển vi.
Đối với kiểm tra bằng mắt, người bị nhiễm trùng đường tiết niệu có thể dẫn đến nước tiểu có màu đục, lợn cợn thay vì trong suốt; có màu đỏ nếu gây viêm chảy máu. Ngoài ra, nước tiểu cũng có mùi hôi bất thường.
Với cách kiểm tra bằng que nhúng sẽ sử dụng một que nhựa mỏng có dải hóa chất đặt trong mẫu nước tiểu. Dải hóa chất sẽ chuyển màu sắc nếu trong nước tiểu có mặt một số chất bất thường hoặc nồng độ của chúng cao hơn bình thường. Người bệnh được xác định là nhiễm trùng đường tiểu khi có nitrit hoặc leukocyte esterase trong nước tiểu.
Cuối cùng là kiểm tra nước tiểu bằng kính hiển vi. Khi quan sát dưới kính hiển vi thấy các tế bào bạch cầu là dấu hiệu gián tiếp của nhiễm trùng. Sự có mặt của vi khuẩn hoặc nấm men là dấu hiệu trực tiếp chẩn đoán viêm đường tiết niệu.
2.2. Xét nghiệm cấy nước tiểu
Nuôi cấy nước tiểu để tìm kiếm vi trùng được xem là “tiêu chuẩn vàng” để chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu. Kết quả nuôi cấy nước tiểu thường có sau 2-3 ngày, một số loại vi khuẩn khác có thể cần nhiều thời gian hơn để tránh tình trạng âm tính giả. Tuy không có được kết quả ngay nhưng bằng cách này,bác sĩ có thể biết được chính xác tác nhân gây bệnh là gì. Từ đó, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Nước tiểu sau khi lấy sẽ được thêm vào một số chất thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn. Sau 2-3 ngày nuôi cấy, nếu không có vi trùng phát triển, kết quả là âm tính, có nghĩa là không bị nhiễm trùng tiết niệu. Ngược lại, nếu phát hiện ra vi khuẩn, kết quả là dương tính, người bệnh bị nhiễm trùng đường tiểu.
Sau khi xác định được vi khuẩn gây bệnh, kỹ thuật viên sẽ đánh giá độ nhạy của vi khuẩn với các loại kháng sinh để đưa ra phác đồ điều trị. Không phải kháng sinh nào cũng điều trị được tất cả các loại vi khuẩn. Thậm chí, một số loại vi khuẩn đã có khả năng đề kháng kháng sinh nhờ những đột biến về mặt di truyền của chúng. Khi ấy, nếu tiếp tục sử dụng kháng sinh đó sẽ không mang lại kết quả điều trị. Như vậy, việc lựa chọn kháng sinh điều trị ở mỗi người bệnh là khác nhau.
2.3 Một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh của hệ niệu
Trường hợp người bệnh bị viêm đường tiết niệu thường xuyên hoặc xảy ra trên những đối tượng ít nguy cơ (nam giới, trẻ em..) thì cần phải siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ để quan sát hình ảnh hệ niệu.
Nếu thấy có bất thường trong cấu trúc hệ tiết niệu như các dị tật bẩm sinh, các khố chèn ép tại chỗ hay xâm lấn,..thì cần được can thiệp ngoại khoa để giải quyết tình trạng tắc nghẽn. Mặt khác, từ hình ảnh quan sát được cũng sẽ giúp phát hiện chính xác những tổn thương cấu trúc do viêm đường tiết niệu gây ra.
2.4 Nội soi bàng quang
Nội soi bàng quang giúp kiểm tra toàn bộ niêm mạc đường tiểu dưới, bao gồm bàng quang và niệu đạo. Phương pháp này thường được thực hiện với những trường hợp nhiễm trùng tiết niệu tái phát nhiều lần.
Bác sĩ sẽ thực hiện nội soi bàng quang bằng cách đưa ống nội soi qua niệu đạo lên bàng quang và quan sát bên trong. Bất kỳ những tổn thương nào trên bề mặt niêm mạc bàng quang hay niệu đạo đều là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn bám dính và tăng sinh gây bệnh. Nếu không giải quyết được nguyên nhân tiềm ẩn này thì việc điều trị bằng kháng sinh chỉ có tác dụng nhất thời mà không điều trị dứt điểm được bệnh.
Ngoài ra, viêm đường tiết niệu có thể được chẩn đoán bằng một số phương pháp khác như: phân tích tế bào máu, đo nồng độ protein C, sản phẩm chuyển hoá của thận,..
Hy vọng bài viết trên giúp bạn giải đáp được thắc mắc viêm đường tiết niệu cần xét nghiệm gì. Viêm đường tiết niệu có thể được điều trị hiệu quả bằng kháng sinh. Nhưng trong các trường hợp nhiễm trùng đường tiểu tái phát thì các xét nghiệm chẩn đoán đóng vai trò rất quan trọng góp phần điều trị hiệu quả và phòng ngừa bệnh.