Viêm amidan mủ ở trẻ em: Thông tin tổng quan

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Viêm amidan mủ ở trẻ em là bệnh viêm đường hô hấp tiềm ẩn nhiều biến chứng khó lường. Do đó, cha mẹ cần nắm rõ các thông tin về bệnh để phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho con.

1. Tổng quan bệnh viêm amidan mủ ở trẻ

1.1. Viêm amidan mủ ở trẻ em là bệnh như thế nào?

Viêm amidan mủ (hay viêm amidan hốc mủ) là một dạng mãn tính nặng của viêm amidan. Bệnh xảy ra do vi khuẩn, virus xâm nhập vào ngã 3 hầu họng của người bệnh, hình thành nên các hốc mủ trắng xung quanh amidan, hốc amidan và vòm họng. Các hốc mủ này có mùi hôi khá khó chịu.

Viêm amidan mủ có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, nhưng trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh nhất do sức đề kháng của trẻ còn yếu, vi khuẩn và virus dễ tấn công trẻ.

Trẻ em là đối tượng dễ bị viêm Amidan mủ nhất

Trẻ em là đối tượng có nguy cơ bị viêm Amidan mủ cao nhất

1.2. Do đâu mà trẻ bị viêm amidan mủ

Có nhiều tác nhân có thể gây ra bệnh viêm amidan mủ ở trẻ em, nhưng phổ biến nhất là những nguyên nhân sau:

– Trẻ bị nhiễm trùng do vi khuẩn/virus

– Cơ thể trẻ không thích nghi kịp với sự thay đổi thời tiết đột ngột

– Hệ miễn dịch của trẻ bị suy giảm do ốm, ho, cảm cúm…

– Trẻ bị mắc các bệnh liên quan đến tai mũi họng như: viêm mũi, viêm họng, viêm tai giữa, … Các bệnh này thường làm cho chất tiết, dịch nhầy chảy xuống họng, từ đó kích thích amidan và làm cho cơ quan này bị tổn thương.

– Trẻ sống trong môi trường có hóa chất độc hại hoặc nhiều khói bụi

– Trẻ không vệ sinh mũi họng, răng miệng sạch sẽ hàng ngày, từ đó tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn/ virus sinh sôi và tấn công amidan.

Trẻ bị viêm amidan cấp tính dài ngày nhưng không được điều trị kịp thời, khiến hình thành các hốc mủ ở amidan.

2. Biểu hiện bị viêm amidan mủ ở trẻ

Bệnh viêm amidan mủ ở trẻ em có khá nhiều triệu chứng, trong đó điển hình là các triệu chứng sau:

– Miệng tăng tiết nước bọt.

– Xuất hiện hạch cứng, sưng đau ở cổ hoặc phía dưới hàm.

– Trẻ bị đau rát họng, cơn đau nhiều lúc lan đến tận tai.

– Trẻ cảm thấy vướng ở cổ họng, khó nuốt, khó ăn uống hơn.

– Trẻ bị sốt nhẹ, hoặc sốt cao từ 39-40 độ C

Một trong những biểu hiện viêm Amidan mủ ở trẻ em là sốt từ nhẹ đến cao

Trẻ bị sốt nhẹ, hoặc sốt cao từ 39-40 độ C là biểu hiện viêm Amidan

– Trẻ ho thường xuyên. Khi trẻ ho, bố mẹ có thể thấy trẻ khạc ra mủ trắng/xanh

– Vòm họng của trẻ xuất hiện mủ trắng đục, vón cục lại như các đốm bã đậu, có mùi tanh

– Trẻ bị khó thở, khàn tiếng, thậm chí mất tiếng

– Nếu bệnh nặng, 2 bên tai của trẻ có thể xuất hiện các hạch, khi ấn vào sẽ làm trẻ đau

Theo các chuyên gia, các triệu chứng của bệnh viêm amidan mủ rất dễ nhầm lẫn với bệnh ung thư vòm họng. Do đó, khi thấy con xuất hiện triệu chứng bệnh, bố mẹ nên đưa con tới cơ sở y tế để các bác sĩ thăm khám, kiểm tra, chẩn đoán chính xác bệnh cho con và có phác đồ điều trị phù hợp.

3. Viêm amidan mủ có thể gây ra biến chứng gì ở trẻ em?

Viêm amidan mủ là bệnh khá phổ biến ở trẻ em, do đó nhiều phụ huynh khá chủ quan không đưa trẻ đi khám dù thấy con có những triệu chứng của bệnh. Điều này là rất nguy hiểm bởi nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ trở nên nặng hơn và có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Các biến chứng đó có thể là:

3.1. Suy dinh dưỡng

Khi bị viêm amidan mủ, trẻ thường gặp khó khăn trong việc ăn uống do họng đau, cảm giác vướng ở cổ họng. Cũng bởi vậy, trẻ rất dễ rơi vào tình trạng biếng ăn, và nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, kém phát triển về trí tuệ và thể chất.

3.2. Áp xe amidan

Viêm amidan nếu không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến áp xe quanh amidan. Đây là tình trạng nhiễm khuẩn có 1 túi đầy mủ nằm sát một bên amidan. Áp xe quanh amidan nếu không được điều trị có thể gây nhiễm trùng phổi, thậm chí là nhiễm trùng khắp cơ thể, chặn đường thở.

3.3. Viêm mũi xoang, viêm tai giữa

Khi trẻ bị viêm amidan mủ, vi khuẩn có thể di chuyển từ các hốc amidan sang tấn công các vùng lân cận như: tai, mũi, họng và khiến trẻ bị các bệnh như: viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, hay viêm phế quản.

3.4. Viêm cầu thận cấp, viêm khớp cấp, viêm cơ tim

Viêm amidan mủ còn có thể gây ra biến chứng toàn thân như: viêm cầu thận, viêm màng ngoài tim cấp, viêm cơ tim, viêm nội mạc tim, viêm khớp cấp, … Hầu hết những trường hợp này là do liên cầu khuẩn gây ra.

Trẻ vị viêm khớp cấp vì viêm Amidan mủ biến chứng

Viêm Amidan mủ có thể biến chứng đến viêm khớp cấp

3.5. Ngưng thở, ngủ ngáy

Nghiên cứu cho thấy, có khoảng 1% – 4% trẻ bị viêm amidan mủ gặp phải biến chứng ngưng thở, ngủ ngáy. Nguyên nhân là do amidan sưng to, chèn ép lên hệ thống hô hấp và gây áp lực cho phổi, khiến cho trẻ bị khó thở hoặc bị ngưng thở tạm thời.

Tình trạng ngưng thở thường xuất hiện vào ban đêm, gây ảnh hưởng tới giấc ngủ của trẻ, khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi và khó tập trung vào ban ngày.

3.7. Nhiễm trùng máu

Nhiễm trùng máu (hay còn được gọi là nhiễm trùng huyết, hội chứng rối loạn chức năng đa cơ quan) là tập hợp bệnh lý xảy ra khi vi trùng xâm nhập vào cơ thể con người, tiết ra chất độc làm suy đa cơ quan, rối loạn đông máu, hoặc suy gan, suy thận…

Nhiễm trùng máu là một biến chứng rất nguy hiểm của viêm amidan mủ. Nó có thể đe dọa đến tính mạng của bé nếu như không được điều trị kịp thời.

Tóm lại, viêm amidan mủ là bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Do đó, bố mẹ cần nắm rõ các triệu chứng của bệnh để có thể phát hiện sớm bệnh và đưa trẻ đi khám kịp thời.

Tùy vào tình trạng bệnh của con, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp. Thông thường, nếu nhẹ, bác sĩ sẽ cho trẻ dùng các chế phẩm tăng cường khả năng miễn dịch cộng thêm các loại thuốc giảm đau, kháng viêm. Nếu trẻ bị viêm amidan mủ nặng thì sẽ phải dùng kháng sinh hoặc thực hiện tiểu phẫu cắt amidan.

Ba mẹ lưu ý trong quá trình điều trị, cần tuyệt đối cho con uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý tăng/giảm liều lượng thuốc hoặc bỏ thuốc giữa chừng. Có như vậy, việc điều trị bệnh cho bé mới đat hiệu quả, tránh được các biến chứng không mong muốn có thể xảy ra.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital