Ngày 22/6, WHO chính thức công nhận thành tựu về vắc xin của Việt Nam sau cuộc đánh giá toàn diện với các chuyên gia độc lập vào hồi tháng 4.
Ngày 22/6, WHO chính thức công nhận thành tựu của Việt Nam sau cuộc đánh giá toàn diện với các chuyên gia độc lập vào hồi tháng 4. Hiện nay, Việt Nam đã có một hệ thống quản lý vắc xin quốc gia được trang bị đầy đủ để đảm bảo sự an toàn và hiệu quả của vắc-xin do Việt Nam sản xuất và sử dụng.
Menu xem nhanh:
1. Vắc xin bị “đổ lỗi” oan
Tiến sĩ Shin Young-soo, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Khu vực Tây Thái Bình Dương cho biết, một trong những khoản đầu tư y tế có chi phí hiệu quả nhất, tiêm chủng cứu sống đến 3 triệu người một năm trên toàn cầu. Tuy nhiên, một số bậc phụ huynh vẫn bày tỏ những mối quan ngại về sự an toàn và chất lượng vắc xin.
Vắc-xin đã bị đổ lỗi một cách sai lầm là nguyên nhân cho một số ca tử vong ở Việt Nam trong những năm gần đây, khiến cho một số cha mẹ tránh đưa con đi tiêm chủng. Tổng thể, hàng ngàn trẻ em đã không được tiêm các vắc xin giúp cứu sinh mạng đã qua kiểm tra chất lượng, khiến trẻ dễ bị nguy cơ mắc các bệnh như viêm phổi, bại liệt, sởi và các bệnh chết người khác mà có thể phòng ngừa được.
Hiện nay, Việt Nam đã có một hệ thống quản lý vắc xin quốc gia được trang bị đầy đủ để đảm bảo sự an toàn và hiệu quả của vắc-xin do Việt Nam sản xuất và sử dụng. Ngày 22/6/2015, WHO chính thức công nhận thành tựu của việt Nam sau cuộc đánh giá toàn diện với các chuyên gia độc lập vào hồi tháng 4.
Vắc xin được sản xuất từ các tác nhân gây bệnh đã bị bất hoạt hoặc bị làm suy yếu, chẳng hạn như các vi rút và vi khuẩn. Chúng giúp cơ thể phát triển khả năng miễn dịch chống lại các căn bệnh này. Tuy nhiên, phản ứng tự nhiên của cơ thể trong quá trình phát triển khả năng miễn dịch có thể bao gồm các tác dụng phụ như sốt và đau.
Sự thành công của chương trình tiêm chủng phụ thuộc vào việc có các vắc-xin an toàn và hiệu quả. Vì lý do này, các quốc gia đã thiết lập các hệ thống quản lý vắc xin nhằm đảm bảo chất lượng, sự an toàn và hiệu quả của vắc xin. WHO cung cấp hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường các hệ thống quản lý vắc xin này.
2. Vắc xin Việt Nam có cơ hội “xuất ngoại”
Việt Nam là quốc gia thứ 5 có khả năng sản xuất vắc xin trong khu vực Tây Thái Bình Dương đạt các tiêu chuẩn toàn cầu của WHO về giám sát chất lượng đối với vắc xin sản xuất trong nước. Điều này là quan trọng vì Việt Nam đã sản xuất hàng chục loại vắc xin cho thị trường trong nước. HIện tại, Việt Nam đã được trang bị đầy đủ để thực hiện ủy quyền tiếp thị, đánh giá sản phẩm, thanh tra sản xuất, kiểm soát chất lượng và giám sát hiệu quả và độ an toàn của các vắc xin có sẵn trong nước.
Hơn nữa, các nhà sản xuất vắc xin trong nước ở Việt Nam bây giờ có cơ hội để cung cấp các sản phẩm của mình trên toàn cầu, với điều kiện là các loại vắc xin này phải trải qua quá trình tiền đánh giá của WHO.
Quá trình tiền đánh giá bao gồm đánh giá của một chuyên gia độc lập về chất lượng, an toàn và hiệu quả của vắc xin mà các cơ quan của Liên Hợp Quốc sẽ mua. Quá trình này đảm bảo rằng các vắc xin phù hợp với thị trường mục tiêu và đáp ứng được nhu cầu của các chương trình tiêm chủng quốc gia.
Giống như Việt Nam, nhiều nước đang phát triển có khả năng sản xuất vắc xin có giá cả phải chăng và có chất lượng đảm bảo cho việc sử dụng trên toàn cầu. Tuy nhiên, do năng lực quản lý vắc xin chưa đầy đủ, chỉ một số ít quốc gia khai thác cơ hội này.
Kể từ lần đánh giá đầu tiên của WHO vào năm 2001, Chính phủ Việt Nam đã làm việc bền bỉ và tích cực để trở thành quốc gia thứ 37 trên thế giới được công nhận là có hệ thống quản lý được vận hành đối với vắc xin. Thành tựu của họ sẽ là nguồn cảm hứng cho các quốc gia khác trong Khu vực và trên thế giới.
WHO sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước trong việc tăng cường hệ thống quản lý vắc xin quốc gia để đảm bảo vắc xin có chất lượng sẽ tiếp cận được tới nhiều người dân hơn bao giờ hết.
Theo Sức khỏe và đời sống