Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về bệnh Ung thư phổi xâm lấn
Phổi là cơ quan có vai trò quan trọng trong hệ hô hấp, được coi là một cỗ máy để con người có thể hít thở và tồn tại. Ung thư phổi xuất hiện khi có tế bào đột biến trong phổi, sinh trưởng khó kiểm soát và làm ảnh hưởng đến đường thở hoặc các cơ quan khác.
Ung thư phổi trên thế giới chiếm đến 11,6% trong số các bệnh lý ung thư và tỉ lệ tử vong lên đến 18,4%(Theo Globocan 2018). Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh là 14,4% và tỷ lệ tử vong lên tới 18%. Trong đó, khi phát hiện bệnh đa số đã chuyển sang giai đoạn muộn hoặc di căn.
Ung thư phổi di căn là tình trạng tế bào ung thư lây lan sang các khu vực khác, mặc dù tiếp nhận điều trị nhưng cũng không thể ngăn chặn được tình trạng bệnh. Những cơ quan ung thư phổi có thể di căn đến bao gồm: não, xương, hệ thống hạch bạch huyết, gan, tuyến thượng thận, dạ dày, tuyến tụy…
Ngoài ra, người bệnh cũng cần phân biệt được ung thư phổi xâm lấn và ung thư phổi tái phát, trong đó:
– Ung thư phổi tái phát: ung thư xuất hiện tại vị trí cũ trong phổi sau khi kết thúc một đợt điều trị.
– Ung thư phổi xâm lấn: ung thư từ phổi và xuất hiện tại vị trí mới.
2. Triệu chứng điển hình của bệnh Ung thư phổi xâm lấn
Những triệu chứng khi ung thư phổi xâm lấn không rõ ràng bởi rất dễ nhầm lẫn với những căn bệnh khác, nhưng nếu chúng di căn đến các cơ quan khác nhau thì người bệnh có thể phân biệt như sau:
2.1 Ung thư phổi bị di căn đến não
– Mệt mỏi, đau đầu
– Ho mạn tính, giọng nói biến đổi
– Buồn nôn hoặc thường xuyên nôn mửa không có nguyên nhân
– Suy giảm thị lực
– Hành vi rối loạn, ý thức giảm, nhiều trường hợp co giật, động kinh.
2.2 Ung thư phổi xâm lấn đến tuyến thượng thận
Triệu chứng khi ung thư phổi khi di căn đến cơ quan này không rõ ràng.
Tuy nhiên nồng độ hormone ở tuyến thượng thận có thể giảm và lâu dài khiến người bệnh mệt mỏi.
2.3 Ung thư phổi khi di căn đến gan
– Cảm thấy ăn uống kém, không ngon miệng
– Đau ở khu vực hạ sườn phải
– Buồn nôn sau khi ăn
– Vàng da, vàng mắt.
2.4 Ung thư phổi khi di căn đến xương
– Xương đau nhức, thuyên giảm khi ngừng vận động và ngược lại
– Đau vai – gáy – lưng vào ban đêm, thường xảy ra khi ung thư phổi khi di căn đến cột sống
– Xương yếu, dễ bị gãy
– Cơ bắp tay chân yếu và dễ buồn nôn.
2.5 Ung thư phổi xâm lấn tới các hạch cổ
Thông thường, khi ung thư di căn tới hạch cổ, người bệnh có thể thấy hạch sưng ở cổ hoặc sưng tấy ở nách.
3. Đường lây truyền của bệnh Ung thư phổi xâm lấn
3.1 Xâm lấn thông qua các mô xung quanh
Khối u có thể tiến triển và xâm lấn đến các mô ở gần và sinh trưởng tới các vị trí mới. Các tế bào ung thư có thể dẫn tới tắc nghẽn mạch máu ở nơi mà chúng “kí sinh” đồng thời dẫn tối giảm oxy và máu tới các mô khỏe mạnh. Dần dần các mô khỏe mạnh chết dần và ung thư tiếp tục xâm lấn các mô khác.
3.2 Xâm lấn thông qua hạch bạch huyết và đường máu
Ung thư cũng có thể phân tách từ khối u lớn đến các hạch bạch huyết hoặc đường máu để di chuyển đến khắp cơ thể. Trong quá trình này, tế bào ung thư có thể “quá giang” một vài mạch máu và thâm nhập vào các mô. Khi đã có địa điểm cư trú, chúng sẽ lập tức tạo khối u ở nơi mà chúng dừng chân.
4. Điều trị và phòng ngừa sớm bệnh Ung thư phổi xâm lấn
Để điều trị ung thư phổi ở giai đoạn xâm lấn, người bệnh cần lưu ý nguyên tắc điều trị là loại bỏ khối u và ngăn chặn chúng lây lan. Người bệnh cần được xây dựng phác đồ chuyên biệt với chuyên gia uy tín để phù hợp với tình trạng bệnh và đánh giá được độ đáp ứng điều trị nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Những phương pháp điều trị bệnh bao gồm: xạ trị(áp dụng khi bệnh nhân bị ung thư phổi khi di căn xương với nguy cơ gãy xương cao), hóa trị, liệu pháp sinh học, điều trị laser, thuốc điều trị giảm nhẹ…
Ngoài ra, đa số bệnh nhân khi chuyển sang giai đoạn di căn thường có tâm lý lo lắng, do đó, người nhà nên giải tỏa căng thẳng và trấn an tinh thần, xây dựng suy nghĩ tích cực cho người bệnh thông qua:
– Trò chuyện, chia sẻ áp lực tinh thần với bệnh nhân
– Cùng bệnh nhân thư giãn tinh thần với việc đọc sách, nghe nhạc, đi dạo, xem phim…
Bên cạnh đó, người có nguy cơ cao cũng cần xây dựng lối sống phù hợp thông qua:
– Hạn chế tối đa tiếp xúc với khói thuốc lá và các hóa chất độc hại, đặc biệt là radon, amiang… Ngừng ngay thói quen hút thuốc lá càng sớm càng tốt.
– Vận động cơ thể, duy trì chế độ sống, ăn uống, nghỉ ngơi khoa học
– Tăng cường uống nước và bổ sung các loại hoa quả, rau củ tươi… Không ăn những loại thực phẩm chiên dầu, không rõ nguồn gốc hoặc quá hạn sử dụng…
– Thực hiện khám sức khỏe định kỳ với những người thuộc nhóm nguy cơ cao: hút thuốc, tuổi trên 55 trở lên, người có người nhà mắc ung thư phổi, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại…
Trên đây là những thông tin quan trọng người bệnh cần nắm được về bệnh ung thư phổi di căn, qua đó phòng ngừa nguy cơ và chăm sóc hiệu quả cho người bệnh. Đồng thời, khi thấy những dấu hiệu cơ thể bất thường như trên thì cần đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Người bệnh ung thư phổi cũng nên lạc quan, tích cực để quá trình điều trị diễn ra hiệu quả và đáp ứng tốt nhất.