Triệu chứng và cách điều trị viêm khớp cổ tay hiệu quả

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CK II, Thầy thuốc ưu tú

Nguyễn Thị Kim Loan

Bác sĩ Nội Khoa

Viêm khớp cổ tay là bệnh lý thường gặp ở những vận động viên tennis, dân công sở, vận động viên tập tạ,… Bệnh không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể gây cản trở trong quá trình làm việc và sinh hoạt. 

1. Viêm khớp cổ tay là gì và có biểu hiện như thế nào?

Cấu tạo của khớp cổ tay bao gồm các mô sụn, dây chằng, dây thần kinh, màng bao hoạt dịch, đầu xương,… Các bộ phận hỗ trợ lẫn nhau để bạn có thể thực hiện xoay, gập cổ tay một cách dễ dàng và linh hoạt.

Viêm khớp vùng cổ tay là tình trạng tổn thương, viêm tại các sụn khớp ở cổ tay. Người bệnh không gặp nguy hiểm tính mạng bởi khớp cổ tay có kích thước nhỏ và không thực hiện chức năng quan trọng như nâng đỡ cơ thể. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những bộ phận dễ bị tổn thương nhất.

Viêm khớp vùng cổ tay không có nhiều biểu hiện rõ ràng khi khởi phát. Rất nhiều người bỏ qua các dấu hiệu đau, sưng cổ tay, chủ quan cho rằng cơn đau hình thành do vận động mạnh. Ở giai đoạn đầu, các cơn đau xuất hiện với tần suất nhỏ khi cử động, nắm các vật. Khi bệnh tiến triển đến các giai đoạn sau, cơn đau trở nên mạnh hơn kể cả trong cả những khoảng thời gian bệnh nhân nghỉ ngơi. Đau lan dần từ cổ tay đến ngón tay, cẳng tay và vai gáy. Một vài triệu chứng đi kèm khác có thể xuất hiện như: sốt cao, mệt mỏi, đau nhức tại các vùng cơ.

Viêm khớp vùng cổ tay là bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị ngay từ khi khởi phát để ngăn ngừa những biến chứng nghiêm trọng như biến dạng bàn tay, teo cơ, mất khả năng vận động cổ tay.

Dấu hiệu của bệnh viêm khớp cổ tay

Đau, sưng cổ tay là dấu hiệu của bệnh viêm khớp tay

2. Nguyên nhân của tình trạng viêm ở khớp cổ tay

Bệnh có thể hình thành từ nguyên nhân khách quan hoặc là triệu chứng của các bệnh lý xương khớp khác.

Nguyên nhân khách quan dẫn đến viêm khớp cổ tay gồm:

– Chấn thương, va chạm mạnh tại vùng cổ tay: Tai nạn khi làm việc hoặc tai nạn giao thông tác động mạnh vào vùng cổ tay gây trật khớp.

– Do tính chất nghề nghiệp: Theo một nghiên cứu, những người làm việc văn phòng, công nhân, người giúp việc, nhân viên kỹ thuật lắp đặt đều dễ bị đau khớp cổ tay.

– Thời tiết: Người có sức đề kháng kém dễ bị sưng đau các khớp khi thời tiết thay đổi đột ngột, trong đó có khớp tại cổ tay.

– Di truyền: Bệnh có thể xảy ra do gen di truyền từ những người thân trong gia đình đã từng mắc bệnh.

Ngoài ra, đau khớp cổ tay có thể là triệu chứng của các bệnh lý xương khớp khác như: viêm khớp dạng thấp, gout, thoái hóa khớp, hội chứng ống cổ tay (đường hầm cổ tay), viêm khớp vảy nến,… Trong đó, viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn dịch, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các khớp và mô xung quanh.

Tính chất công việc gây viêm ở khớp cổ tay

Tính chất công việc cần sử dụng nhiều đến cổ tay là một trong những nguyên nhân hàng đầu của bệnh

3. Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh lý

3.1. Chẩn đoán viêm khớp cổ tay thông qua các phương pháp khoa học

Các bác sĩ sẽ thu thập thông tin về các triệu chứng và bệnh sử, bao gồm thời gian xuất hiện triệu chứng, mức độ đau và sưng, khả năng di chuyển của cổ tay và những biểu hiện đi kèm.

Bên cạnh đó, các chuyên gia xác định tình trạng bệnh lý thông qua các phương pháp tiên tiến sau đây:

– Chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ MRI, chụp CT: Phương pháp xác định vị trí tổn thương của xương khớp thông qua hình ảnh. Trong đó, chụp cộng hưởng từ MRI cung cấp hình ảnh chi tiết về cấu trúc xương, mô mềm trong khớp cổ tay. Phương pháp giúp xác định sự tổn thương, viêm, hoặc bất thường trong các mô và cấu trúc xung quanh khớp.

– Đo xung điện: Kiểm tra hoạt động của khớp tay và mức độ dây bị chèn ép bằng cách đo xung điện thần kinh.

– Hút dịch tại khớp: Phương pháp này được sử dụng khi bác sĩ muốn xác định nguyên nhân gây bệnh là do các bệnh lý khác.

Có thể sử dụng kết hợp các phương pháp để chẩn đoán chính xác về tình trạng viêm khớp cổ tay. Quan trọng nhất, việc chẩn đoán và điều trị bệnh cần được thực hiện bởi một chuyên gia y tế, thường là bác sĩ chuyên khoa xương khớp và hệ thống thiết bị hiện đại.

3.2. Điều trị viêm khớp cổ tay

Bệnh nhân bị viêm, sưng khớp cổ tay sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau tùy vào mức độ nghiêm trọng.

Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn đầu, bệnh nhân thường chỉ cần thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống, giảm cử động cổ tay.

Với các bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng, cần được can thiệp điều trị với các bác sĩ chuyên khoa để cải thiện tình trạng bệnh. Các biện pháp điều trị được sử dụng phổ biến gồm:

– Dùng thuốc: Thông thường, các loại thuốc đặc trị viêm khớp thường có tác dụng giảm đau, giảm tê bì. Bệnh nhân nên tuân thủ đơn kê của bác sĩ, không lạm dụng để tránh tác dụng phụ.

– Vật lý trị liệu: Người bệnh nên áp dụng các bài tập vật lý trị liệu kết hợp cùng uống thuốc theo hướng dẫn của chuyên gia để quá trình trị liệu đạt hiệu quả tốt nhất.

– Nẹp cổ tay: Cố định khớp cổ tay bằng nẹp, giảm tác động vào cổ tay, giảm tình trạng đau cổ tay nhanh chóng. Bệnh nhân không nên tự ý thực hiện phương pháp này mà cần có sự hỗ trợ từ chuyên gia.

– Phẫu thuật: Bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt bỏ gai xương, thay thế bằng vật liệu nhân tạo nếu các cơn sưng đau không giảm sau khi đã áp dụng các biện pháp khắc phục trên. Trong trường hợp bệnh nhân bị nứt xương hoặc đứt dây thần kinh, bó bột cổ tay là phương pháp hiệu quả.

Biện pháp cải thiện tình trạng viêm ở khớp cổ tay

Bệnh nhân có thể không cần điều trị bằng thuốc hoặc các phương pháp ngoại khoa nếu phát hiện bệnh sớm

4. Không chủ quan với bệnh viêm khớp tay

Theo các chuyên gia, viêm khớp tay dễ dàng tái phát nếu bạn vẫn duy trì các thói quen gây bệnh. Vì vậy bệnh nhân cần có lối sống khoa học để bảo vệ xương khỏe mạnh kể cả khi đã điều trị viêm khớp thành công.

Có thể thấy, viêm khớp cổ tay là bệnh lành tính, không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu chủ quan không điều trị sớm, ủ bệnh lâu dài sẽ gây nên những nguy hại như mất khả năng cầm nắm, biến dạng cổ tay. Mỗi người cần chủ động đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám ngay khi nhận thấy những dấu hiệu từ cơ thể.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital