Các triệu chứng của viêm loét dạ dày tá tràng thường gặp như đau thượng vị, buồn nôn, nôn, chướng bụng, ợ chua… Những dấu hiệu này kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh. Do đó, người bệnh cần đi khám ngay khi thấy xuất hiện các triệu chứng này.
Viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh thường gặp ở đường tiêu hóa, có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Menu xem nhanh:
Triệu chứng của viêm loét dạ dày tá tràng
- Đau vùng thượng vị: Khi bị viêm loét dạ dày tá tràng, người bệnh sẽ thấy xuất hiện cơn đau bụng vùng thượng vị. Cơn đau tuy không dữ dội nhưng âm ỉ kéo dài và có cảm giác nóng rát kèm theo. Cơn đau có thể xuất hiện sau khi ăn, đau nhiều về đêm.
- Ợ chua, ợ nóng: Những người bị loét dạ dày thường dễ tiết axit, lượng axit dư thừa này khi trào ngược lên phần thực quản sẽ gây ra hiện tượng ợ chua, ợ nóng, khó chịu vùng thượng vị.
- Buồn nôn hoặc nôn: Người bệnh viêm loét dạ dày tá tràng thường có cảm giác muốn nôn hay buồn nôn. Nếu những chất nôn ra ngoài có màu đen sẫm thì khả năng người bệnh bị xuất huyết tiêu hóa.
- Chán ăn, sụt cân: Khi dạ dày tá tràng bị viêm loét sẽ làm cho quá trình tiêu hóa thức ăn bị gián đoạn khiến cơ thể khó hấp thụ dinh dưỡng. Vì thế người bệnh sẽ có cảm giác chán ăn. Tình trạng chán ăn kéo dài khiến cơ thể sụt giảm cân nặng.
- Rối loạn tiêu hóa: Tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng sẽ khiến cho người bệnh có thể bị rối loạn tiêu hóa, táo bón hoặc tiêu chảy, đi ngoài phân sống kéo dài.
Các triệu chứng viêm loét dạ dày tá tràng nếu không phát hiện và điều trị sớm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Vì thế người bệnh cần đi khám và chữa trị ngay khi thấy xuất hiện các triệu chứng này.
Điều trị viêm loét dạ dày tá tràng
Hiện nay, phương pháp điều trị chủ yếu cho các trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng là dùng thuốc kết hợp với điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày.
Điều trị bằng thuốc:
Tùy vào mức độ viêm loét dạ dày tá tràng của từng người mà bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Người bệnh có thể cần sử dụng các loại thuốc như: thuốc giảm tiết axit, thuốc kháng axit, thuốc tạo màng bọc và thuốc diệt vi khuẩn HP.
Loại thuốc và liều lượng cụ thể cần có sự chỉ định của bác sĩ. Tùy từng trường hợp bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn đơn thuốc phù hợp giúp điều trị viêm loét dạ dày tá tràng.
Thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt
Bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh cần chú ý thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp. Người bệnh cần cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể cùng với những loại thực phẩm tốt cho bệnh dạ dày và kiêng sử dụng những loại thực phẩm gây tổn thương đến niêm mạc dạ dày.
Đồng thời chú ý nghỉ ngơi, sinh hoạt điều độ, tránh căng thẳng, stress trong công việc và cuộc sống.
Tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để điều chỉnh đơn thuốc chữa bệnh phù hợp.