Viêm dạ dày là bệnh lý thường gặp ở hệ tiêu hóa. Triệu chứng của viêm dạ dày khi mới xuất hiện rất khó nhận biết và dễ nhầm lẫn với đau bụng thông thường. Vì vậy người bệnh cần hiểu rõ về các dấu hiệu nhằm phát hiện bệnh sớm để có phương pháp điều trị kịp thời.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan bệnh viêm dạ dày
Trước khi tìm hiểu về các triệu chứng của viêm dạ dày chúng ta cần hiểu rõ hơn về bệnh lý này. Viêm dạ dày là tình trạng xuất hiện các tổn thương viêm loét trên bề mặt niêm mạc dạ dày. Lớp bảo vệ cuối cùng của dạ dày bị bào mòn làm lộ ra lớp mô bên dưới. Bệnh có thể gặp ở nhiều lứa tuổi, đặc biệt là những người lớn tuổi chiếm tỳ lệ đa số. Tuy nhiên hiện nay đối tượng bị viêm dạ dày đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Viêm dạ dày nếu không được điều trị đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
2. Triệu chứng của viêm dạ dày
Các trường hợp bệnh mới khởi phát rất khó để nhận biết dấu hiệu. Tuy nhiên triệu chứng của viêm dạ dày thường có một số điểm đặc trưng như:
2.1 Triệu chứng của viêm dạ dày là đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn
Khi dạ dày bị viêm sẽ tiết ra nhiều acid dẫn tới hiện tượng trào ngược dạ dày. Bệnh nhân sẽ thường xuyên có cảm giác buồn nôn. Thức ăn khi đưa vào dạ dày tiêu hóa chậm khiến lượng thức ăn cũ bị ứ đọng lại gây ra cảm giác đầy bụng thường xuyên. Điều này khiến người bệnh ăn không ngon miệng, chán ăn.
2.2 Đau phần trên rốn ( Vùng thượng vị)
Triệu chứng đặc trưng của viêm dạ dày là người bệnh thường có cảm giác đau ở vùng bụng trên, dưới xương ức hay thường gọi là thượng vị. Cơn đau có thể diễn ra âm ỉ hoặc dữ dội tùy thuộc vào mức độ viêm loét.
2.3 Khó ngủ, ngủ không ngon giấc do cơn đau xuất hiện
Viêm dạ dày không chỉ ảnh hưởng tới khả năng tiêu hóa mà còn ảnh hưởng tới giấc ngủ của bệnh nhân. Cơn đau thường xuất hiện vào ban đêm khiến người bệnh tỉnh giấc, gây mất ngủ.
2.4 Ợ hơi thường xuyên, nóng rát ở phần dạ dày
Trong thời kỳ bệnh mới khởi phát, người bệnh thường hay bị ợ hơi, ợ chua. Một số trường hợp khi ợ sợ bị nóng rát phần ngực và dạ dày.
2.5 Rối loạn tiêu hóa là triệu chứng của viêm dạ dày
Triệu chứng này rất dễ nhận biết khi có hiện tượng đau bụng liên tục, táo bón hoặc tiêu chảy diễn ra xen kẽ. Xảy ra hiện tượng này do dạ dày bị viêm nên chức năng hoạt động không ổn định gây rối loạn tiêu hóa.
3. Nguyên nhân viêm dạ dày
Khi lớp hàng rào bảo vệ dạ dày bị suy yếu hoặc tổn thương sẽ là điều kiện thuận lợi cho dịch tiêu hóa tấn công và gây viêm lớp niêm mạc dạ dày. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, dưới đây là một số nguyên nhân chủ yếu.
3.1 Nhiễm khuẩn HP
Nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh về dạ dày là do vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori – HP). Loại vi khuẩn này khi xâm nhập vào cơ thể sẽ sinh sống tại dạ dày và sinh ra độc tố gây tổn thương lớp niêm mạc.
3.2 Sử dụng thuốc giảm đau trong thời gian dài
Các loại thuốc giảm đau khi sử dụng trong thời gian dài sẽ gây tác dụng phụ. Chúng làm giảm tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày gây ra viêm dạ dày cấp và mạn tính.
3.3 Tuổi tác
Những người có tuổi dễ bị viêm dạ dày hơn do lớp niêm mạc dạ dày có xu hướng mỏng dần theo thời gian. Hơn nữa nguy cơ bị rối loạn tự miễn ở người cao tuổi cũng cao hơn các đối tượng khác.
3.4 Sử dụng nhiều đồ uống có cồn
Các độc tố trong rượu bia sẽ làm kích ứng và ăn mòn lớp niêm mạc dạ dày khiến chúng bị tổn thương bởi dịch tiêu hóa. Viêm dạ dày cấp tính thường gặp ở những người thường xuyên uống rượu.
3.5 Stress
Tinh thần căng thẳng kéo dài cũng là nguyên nhân gây viêm dạ dày. Các căng thẳng về thể chất như: Nhiễm trùng nặng, phẫu thuật, chấn thương cũng ảnh hưởng tới chức năng dạ dày.
3.6 Các bệnh lý và vấn đề sức khỏe khác
Mọt số trường hợp rối loạn tự miễn do cơ thể tạo ra kháng thể tấn công niêm mạc khỏe mạnh ở dạ dày khiến dạ dày bị viêm nhiễm. Bên cạnh đó các bệnh lý như: Đái tháo đường, bệnh Crohn, HIV/AIDS,… cũng là nguyên nhân gây bệnh.
4. Điều trị viêm dạ dày đúng cách
Nhiều người khi bị bệnh thường thắc mắc nên điều trị viêm dạ dày như thế nào. Phác đồ điều trị bệnh sẽ thay đổi ở mỗi người tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
Đối với trường hợp viêm dạ dày do sử dụng thuốc kháng viêm NSAIDs, corticosteroid hoặc do uống nhiều rượu thì cần dừng sử dụng ngay.
4.1 Điều trị nội khoa
Phương pháp điều trị phổ biến nhất khi bị viêm dạ dày là sử dụng thuốc. Tùy theo tình trạng bệnh mà các bác sĩ sẽ có sự điều chỉnh loại thuốc phù hợp.
– Thuốc kháng sinh: Áp dụng cho bệnh nhân dương tính với vi khuẩn HP. Đơn thuốc có thể kết hợp 2,3 loại kháng sinh nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Thời gian điều trị thường kéo dài trong khoảng 1-2 tuần.
– Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Thuốc có tác dụng giảm tiết acid bằng cách ức chế hoạt động của tế bào sản xuất acid dạ dày. Cần lưu ý các loại thuốc này nếu sử dụng liều cao có thể làm tăng nguy cơ gãy xương cột sống, xương hông, xương cổ tay,…
– Thuốc chẹn Histamin H2: Thuốc giúp làm giảm lượng acid phóng thích vào hệ tiêu hóa, giảm đau và thúc đẩy chữa lành tổn thương.
– Thuốc trung hòa, kháng acid dạ dày: Khi uống các loại thuốc này sẽ giúp người bệnh giảm đau nhanh chóng. Thuốc sẽ gây một số tác dụng phụ như: Tiêu chảy hoặc táo bón tùy thuộc vào hoạt chất trong thuốc.
4.2 Thay đổi lối sống và các biện pháp tại nhà
Bên cạnh các biện pháp điều trị bằng thuốc hoặc can thiệp ngoại khoa khi cần thiết thì bệnh nhân có thể kết hợp các biện pháp tại nhà. Thay đổi lối sống và sinh hoạt sẽ phần nào giúp giảm các dấu hiệu của viêm dạ dày.
– Nên ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để giảm áp lực lên dạ dày
– Tránh xa các thực phẩm gây kích ứng dạ dày như: Thực phẩm chua, cay, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ,…
– Tuyệt đối tránh xa các đồ uống có cồn hoặc chất kích thích
– Bạn nên cân nhắc khi sử dụng các loại thuốc kháng viêm, giảm đau. Nếu người bệnh đang bị viêm dạ dày thì cần nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ
– Nên hình thành thói quen ăn ngủ đều đặn, đúng giờ, tránh bỏ bữa, thức khuya,…
– Mọi người nên giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan
Các triệu chứng của viêm dạ dày có thể nhanh chóng thuyên giảm nếu được điều trị đúng cách. Điều quan trọng là bệnh cần được phát hiện sớm để tránh để lại các biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe.