Trẻ sơ sinh bị vàng da là tình trạng vô cùng phổ biến. Vậy tình trạng này do nguyên nhân nào gây ra, có nguy hiểm không, có cách điều trị không…? Tất cả những thắc mắc về tình trạng này sẽ được giải đáp sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Nhận biết vàng da ở trẻ sơ sinh
1.1. Các dấu hiệu của trẻ sơ sinh bị vàng da
Mẹ có thể nhận ra trẻ bị vàng da hay không dựa vào một số dấu hiệu phổ biến sau:
– Da, lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân của trẻ không hồng hào, có màu vàng;
– Củng mạc (lòng trắng của mắt) hoặc các vùng da phía trên của cơ thể (mặt, ngực) của trẻ cũng có màu vàng;
– Trẻ bị vàng da có nước tiểu màu vàng sậm hơn so với nước tiểu bình thường của trẻ sơ sinh (không màu);
– Phân của trẻ bị vàng da thì có màu nhạt hơn trẻ bình thường khác (phân màu vàng hoặc màu cam).
1.2. Tình trạng vàng da ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?
Những dấu hiệu này sẽ xuất hiện và phát triển rõ rệt ngay sau khi trẻ được sinh ra từ 2 – 3 ngày. Sau vài tuần thì tình trạng vàng da này sẽ dần biến mất. Do đó, cha mẹ không cần quá lo lắng.
Tuy nhiên, nếu trẻ bị vàng da kéo dài, mẹ không nên chủ quan vì có thể đây chính là dấu hiệu cảnh báo trẻ có nguy cơ mắc các bệnh lý về gan, túi mật, đường ruột, nhiễm trùng hoặc thậm chí là chấn thương trong quá trình sinh… Ngoài ra, khi lượng sắc tố bilirubin quá cao, có thể khiến trẻ mắc phải hội chứng kernicterus. Hội chứng này có thể gây tổn thương cho hệ thần kinh của trẻ, trẻ có nguy cơ bị điếc, chậm phát triển hoặc thậm chí là bị bại liệt.
2. Nguyên nhân và nguy cơ gây vàng da ở trẻ sơ sinh
2.1. Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị vàng da
Trong máu của chúng ta có chứa một loại sắc tố mang màu vàng là bilirubin. Khi các tế bào hồng cầu bị vỡ thì sẽ tạo ra sắc tố này. Ở người lớn, sắc tố bilirubin sẽ bị gan loại bỏ ra khỏi máu, thải ra ngoài thông qua việc đại tiện. Đó cũng là lý do vì sao phân của chúng ta thường có màu vàng.
Như vậy, da trẻ sơ sinh có màu vàng là do lượng sắc tố bilirubin trong máu cao. Khi mang thai, gan của mẹ sẽ giúp thai nhi loại bỏ bilirubin. Tuy nhiên, sau khi chào đời, em bé sẽ phải “tự làm” việc này. Thế nhưng, khi mới chào đời, các bộ phận của bé, đặc biệt là gan làm việc chưa được trơn tru, nhịp nhàng, khiến cho loại sắc tố này chưa được đào thải hết, bị tích tụ trong máu và gây vàng da ở trẻ.
2.2. Nguy cơ gây vàng da ở trẻ sơ sinh
Những yếu tố khiến trẻ có nguy cơ cao bị vàng da sơ sinh hơn bao gồm:
– Trẻ bú mẹ;
– Có các anh chị em ruột cũng từng bị vàng da;
– Khi sinh ra, trên người trẻ có các vết bầm tím (là do các tế bào hồng cầu bị vỡ, dẫn đến tác dụng phụ là sản sinh ra bilirubin);
– Mắc phải một số tình trạng rối loạn do di truyền như: Hội chứng Gilbert, rối loạn chuyển hóa galactose di truyền, màng tế bào hồng cầu bị khuyết tật bẩm sinh…
– Mắc bệnh nhược giáp hoặc xơ nang…
– Trẻ có thể bị vàng da từ những ngày đầu tiên sau sinh nếu mắc phải một số bệnh lý như: Gan, túi mật, chấn thương trong quá trình sinh, bất tương đồng nhóm máu…
3. Giải đáp một số thắc mắc thường gặp
3.1. Vì sao trẻ bú mẹ có nguy cơ cao bị vàng da?
Có một số nguyên do khiến trẻ bú mẹ có nguy cơ bị vàng da:
– Mẹ không đủ sữa cho bé, khiến lượng dịch trong cơ thể bé thiếu hụt, dẫn đến việc gia tăng nồng độ bilirubin trong. Chính vì vậy, dù trẻ bú sữa công thức nhưng nếu không được cung cấp đủ sữa cũng sẽ có nguy cơ bị vàng da.
– Trong sữa mẹ có một thành phần nào đó khiến cho gan của bé gặp khó khăn trong quá trình chuyển hoá bilirubin. Trường hợp này này khá phổ biến nhưng không quá nguy hiểm, thường xảy ra cùng tình trạng vàng da sinh lý và có thể biến mất trong vài tuần hoặc lâu hơn thì là vài tháng sau đó.
Để giải quyết tình trạng này, mẹ có thể ngưng cho con bú trong một thời gian, thay thế bằng sữa công thức. Hoặc mẹ có thể đợi đến khi nồng độ bilirubin trong máu của bé giảm xuống thì mới nên bắt đầu cho con bú lại.
3.2. Làm thế nào để phát hiện sớm tình trạng trẻ sơ sinh bị vàng da?
Một số phương pháp giúp mẹ phát hiện sớm tình trạng vàng da sơ sinh ở trẻ bao gồm:
– Nếu mẹ thấy hiện tượng vàng da xuất hiện ngay trong vòng 24 giờ đầu tiên sau sinh thì mẹ có thể đề nghị bác sĩ tiến hành thực hiện xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm da. Việc này giúp kiểm tra và phân tích nồng độ bilirubin của trẻ để đưa ra chẩn đoán chính xác, từ đó bác sĩ có thể đưa ra phương án xử trí kịp thời và hiệu quả.
– Khoảng 3 đến 5 ngày sau sinh là giai đoạn nồng độ bilirubin trong máu trẻ ở mức cao nhất. Khi đó, mẹ có thể quan sát màu da của trẻ bằng mắt thường tại nơi có nhiều ánh sáng tự nhiên, hoặc vào phòng có ánh đèn huỳnh quang;
+ Nếu làn da con trắng, mẹ hãy ấn nhẹ ngón tay lên trán, mũi hoặc ngực rồi thả tay ra xem có đốm vàng ở các vị trí vừa ấn hay không.
+ Nếu làn da con tối màu, mẹ hãy kiểm tra nướu hoặc lòng trắng của mắt trẻ.
3.3. Mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ khi nào?
Nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu mẹ phát hiện ra:
– Lòng trắng của mắt, vùng da ở ngực, bụng, cánh tay, lòng bàn tay hoặc chân, lòng bàn chân của bé có màu vàng đậm.
– Bé ngủ khó tỉnh dậy, hay quấy khóc, chán ăn;
– Tình trạng vàng da nhạt, nhẹ nhưng kéo dài đến hơn 3 tuần.
4. Trẻ sơ sinh bị vàng da có điều trị được không?
Phần lớn tình trạng vàng da sơ sinh ở trẻ sẽ tự khỏi bệnh. Tuy nhiên, có một số trường hợp trẻ vẫn cần phải điều trị. Tuỳ xem nguyên nhân khiến trẻ bị vàng da là gì mà các bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp.
Một số phương pháp điều trị vàng da ở trẻ sơ sinh:
– Liệu pháp quang trị liệu được đánh giá là phương pháp đơn giản, an toàn và hiệu quả nhất.
– Thay máu: Phương pháp này được sử dụng khi trẻ bị vàng da nặng, chiếu đèn không có hiệu quả, nồng độ bilirubin của bé không ngừng tăng. Phương pháp này sẽ sử dụng một lượng máu được hiến có độ tương thích với máu của trẻ để thay thế cho lượng máu có nồng độ bilirubin cao của trẻ.
– Cho trẻ bú nhiều sữa mẹ hoặc bổ sung sữa công thức để kích thích trẻ đi tiểu nhiều hơn, lượng bilirubin sẽ bị đào thải ra ngoài nhanh hơn.
Với những thông tin trên, hy vọng các mẹ đã hiểu hơn về tình trạng trẻ sơ sinh bị vàng da, đồng thời biết cách nhận biết tình trạng này ở con yêu. Tuy nhiên, các mẹ vẫn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có được phương pháp điều trị phù hợp, giúp con yêu mau chóng mạnh khoẻ!