Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy và những điều mẹ cần biết

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy là hiện tượng thường gặp, với tần suất bệnh 3-4 lần mỗi năm. Tuy nhiên bậc phụ huynh không nên chủ quan, xem nhẹ chứng bệnh này vì theo thống kê tiêu chảy là một trong những tác nhân hàng đầu gây ra  suy dinh dưỡng và nhiễm trùng, thậm chí tử vong ở trẻ em. Những thông tin trong bài viết này sẽ giúp cho bố mẹ hiểu về bệnh tiêu chảy đồng thời hạn chế tối đa hệ lụy xấu tới sức khỏe của con yêu.

1. Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh hay bị tiêu chảy

Nguồn dinh dưỡng chủ yếu của trẻ sơ sinh đến từ sữa mẹ và sữa công thức. Do vậy, khi trẻ sơ sinh bị tiêu chảy có thể do các nguyên nhân chính sau: 

– Nhiễm trùng đường ruột: đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tiêu chảy ở trẻ sơ sinh do các loại virus tấn công và cơ thể con. Tiêu biểu nhất là virus Rota, tác nhân gây ra bệnh viêm dạ dày, viêm ruột và các bệnh nhiễm trùng khác.

Nhiễm trùng đường ruột là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tiêu chảy ở trẻ sơ sinh

Nhiễm trùng đường ruột là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tiêu chảy ở trẻ sơ sinh

– Cơ thể không hấp thu được đường lactose: xảy ra phổ biến với những bé uống sữa công thức. Mẹ nên biết rằng cơ thể của trẻ sơ sinh chưa sản xuất đủ enzym lactase để tiêu hóa lactose có trong sữa. Từ đó, lactose sẽ bị tích tụ ở đường ruột, làm cho con bị tiêu chảy.

Rối loạn tiêu hóa: dưới 6 tháng tuổi là giai đoạn hệ tiêu hóa của con đang hoàn thiện nên rất nhạy cảm. Bất kể thay đổi dù nhỏ nhất sẽ tác động đến con như đang bú sữa mẹ chuyển sang sữa công thức, cho con bú ít hoặc bú nhiều hơn, mẹ ăn thực phẩm lạ ảnh hưởng đến sữa,…

2. Dấu hiệu để mẹ nhận biết con bị tiêu chảy

2.1 Dấu hiệu đi ngoài thông thường ở trẻ sơ sinh

Dưới đây là những dấu hiệu bình thường khi trẻ sơ sinh đi ngoài, phụ huynh cần biết để phân biệt với những dấu hiệu tiêu chảy: 

– Tần suất đi: Khi trẻ dưới 3 tháng tuổi thường đi ngoài từ 2-5 lần một ngày. Trong khí đó, trẻ từ 3 tháng trở lên, tần suất ít đi từ 1 đến 2 lần mỗi ngày. 

– Đặc điểm phân: Với bé bú sữa mẹ, phân mềm, lỏng, mùi nhẹ và màu vàng hoặc vàng cam. Ngược lại, những bé uống sữa công thức, phân nặng mùi hơn, đặc hơn, và có màu khác có thể là xám (điều này phụ thuộc vào loại sữa mà mẹ sử dụng). 

2.2 Dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh bị tiêu chảy

Khi trẻ bị tiêu chảy, cha mẹ nhận biết qua dấu hiệu đặc trưng sau: 

– Số lần trẻ đi ngoài nhiều hơn so với những ngày bình thường của con, trên 6 lần/ngày.

– Đặc điểm phân thay đổi: nhiều nước, có mùi hôi tanh rõ rệt, màu sắc phân thay đổi, có bọt. Ở một số bé còn có thể bị dính nhầy máu. 

– Các biểu hiện khác kèm theo: hay khóc quấy, bỏ bú, sốt, nôn ói.

Khi bị tiêu chảy, trẻ thường xuyên khóc quấy, bỏ bú, sốt, nôn ói

Khi bị tiêu chảy, trẻ thường xuyên khóc quấy, bỏ bú, sốt, nôn ói

3. Hệ lụy tới sức khỏe khi con bị tiêu chảy

Trẻ bị tiêu chảy trong thời gian dài với tốc độ đào thải phân cao nên rất dễ dẫn đến mất nước và rối loạn điện giải. Khi bị mất nước, nhận thức của con sẽ giảm đáng kể, thường xuyên trong trạng thái lơ mơ, kèm theo dấu hiệu mắt trũng, môi khô, tim đập nhanh, nghiêm trọng hơn có thể là giảm thể tích tuần hoàn.

Theo bác sĩ chuyên khoa, tiêu chảy có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không điều trị đúng cách. Đặc biệt trường hợp con bị tiêu chảy do vi khuẩn E.coli do chúng có khả năng kháng lại thuốc kháng sinh. 

Do vậy, khi con có những dấu hiệu của bệnh tiêu chảy, phụ huynh nên đưa con thăm khám để được điều trị sớm, tránh hệ lụy trên xảy ra.

4. Chăm sóc con khi bị đi ngoài phân lỏng

4.1 Lời khuyên của bác sĩ khi trẻ sơ sinh bị tiêu chảy

Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy rất nguy hiểm, do vậy, khi thấy con có dấu hiệu này, phụ huynh nên đưa bé đi thăm khám, vì rất có thể trẻ mắc bệnh lý nào đó về tiêu hoá. Đặc biệt, phụ huynh cấp thiết phải đưa bé đi viện ngay nếu bị tiêu chảy trên 5 ngày.

Bên cạnh đó, mẹ có thể tham khảo các biện pháp chăm sóc tại nhà dưới đây:

– Đối với trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi: mẹ nên cho con bú như bình thường, có thể tăng cữ bú một ngày và mỗi lần cho con bú với lượng vừa đủ. Ngoài ra, với trẻ đang dùng sữa công thức mẹ nên lưu ý chọn loại sữa không có đường lactose hoặc đường lactose đã lên men. 

– Đối với trẻ lớn hơn: mẹ cần đặc biệt lưu tâm đến chế độ dinh dưỡng của con như: sử dụng sản phẩm sạch, chế biến hợp khẩu vị của con, nên xay nhỏ là tốt nhất, tránh thức ăn chế biến sẵn hoặc có lượng đường cao,… Mẹ nên chia nhỏ các bữa ăn trong một ngày để con dễ tiêu hóa. 

Ba mẹ cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng khi trẻ sơ sinh bị tiêu chảy

Ba mẹ cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng khi trẻ sơ sinh bị tiêu chảy

4.2 Những sai lầm trong cách chăm sóc con

Dưới đây là danh sách 3 sai lầm mà bố mẹ hay mắc phải trong quá trình điều trị tiêu chảy cho con: 

– Tự ý sử dụng thuốc kháng sinh: đây là sai lầm hay gặp nhất đồng thời làm bệnh tình của con trở nên trầm trọng hơn. Bởi vì, cơ thể trẻ sơ sinh rất nhạy cảm, thuốc kháng sinh có thể là tác nhân gây loạn khuẩn đường ruột, khiến cho thời gian tiêu chảy của con kéo dài do phải diệt đi một số loại vi khuẩn tiêu hóa thức ăn.

– Lạm dụng nước điện giải để bù nước cho con: do tiêu chảy khiến con mất nhiều nước nhưng ép con uống nhiều nước điện giải không hẳn đã tốt. Việc này vô tình làm đầy bụng, trẻ biếng ăn và phản tác dụng.

– Bổ sung men vi sinh cho con: phương pháp này chỉ hữu hiệu khi bổ sung đúng loại vi khuẩn lành tính mà cơ thể con đang thiếu, ngược lại nếu do các nguyên nhân khác thì lại hoàn toàn không có hiệu quả.

4.3 Một số thực phẩm hỗ trợ quá trình điều trị

Khi con bước vào thời kỳ ăn dặm mẹ có thể bổ sung thêm những thực phẩm sau vào thực đơn hàng ngày của con để điều trị tiêu chảy được hiệu quả nhất có thể: 

– Sữa chua: những loại vi khuẩn có lợi trong sữa chua có thể giúp khôi phục sự mất cân bằng ở đường ruột cho các bé mà tình trạng tiêu chảy gây ra.

– Chuối: thực phẩm hữu hiệu ngăn ngừa tiêu chảy và không gây kích ứng đường ruột.

– Táo: là thực phẩm giàu chất xơ, bổ sung lượng nước vừa đủ để bù đắp lượng nước đã mất đi do tiêu chảy ở bé.

Bố mẹ lưu ý chỉ cho con ăn lượng vừa đủ, tránh ăn quá nhiều gây đầy bụng và phản tác dụng nhé.

Trên đây là những lưu ý khi trẻ sơ sinh mắc tiêu chảy. Trong quá trình nuôi dưỡng con, những bệnh về hệ tiêu hóa thường xuyên xảy ra, các bậc phụ huynh cần trang bị kiến thức để nhận biết bệnh sớm để điều trị hiệu quả, giúp con có sức khỏe thật tốt. Nếu nhận thấy con có bất cứ biểu hiện khác thường nào, cha mẹ hãy mau chóng đưa con tới cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và tư vấn lộ trình điều trị phù hợp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital