Trẻ bị viêm tai giữa cần lưu ý những gì khi điều trị

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Trẻ bị viêm tai giữa nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Là cha mẹ, ai cũng cần nắm được những lưu ý khi điều trị viêm tai giữa dưới đây để căn bệnh này không ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của bé.

1. Viêm tai giữa là bệnh phổ biến như thế nào?

Viêm tai giữa là một trong những bệnh lý phổ biến nhất mà trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ phải “đối mặt” trong hành trình lớn lên của mình. Theo thống kê của Viện Quốc gia về Chứng Điếc và Các Rối loạn Giao tiếp Khác của Hoa Kỳ, căn bệnh này phổ biến đến mức có ⅚ trẻ sẽ bị viêm tai giữa ít nhất một lần trước sinh nhật 3 tuổi của mình.

Viêm tai giữa là căn bệnh phổ biến ở trẻ

Viêm tai giữa là một trong những bệnh phổ biến mà trẻ phải “đối mặt” trong những năm đầu đời

Nguyên nhân gây viêm tai chủ yếu là vi khuẩn và virus và thường gây ra sau khi trẻ bị cảm lạnh. Cùng với đó, do ống eustachian của trẻ – là một ống hẹp nối không gian phía sau tai (tai giữa) với phần sau của mũi ngắn, hẹp hơn so với người lớn. Khi bị vi khuẩn, virus tấn công, ống eustachian sẽ bị viêm, sưng và hẹp lại khiến chất lỏng tích tụ phía sau màng nhĩ, từ đó gây áp lực và đau đớn cho trẻ.

Theo các chuyên gia, có 3 loại viêm tai giữa chính gồm:

– Viêm tai giữa cấp tính (Acute otitis media – AOM): Đây là loại nhiễm trùng tai phổ biến nhất, xảy ra khi bộ phận của tai giữa bị nhiễm trùng và sưng lên, một số chất lỏng bị mắc kẹt phía sau màng nhĩ.

– Viêm tai giữa tràn dịch (Otitis media with effusion – OME) là loại hiếm gặp hơn, xảy ra khi chất lỏng vẫn còn đọng lại phía sau màng nhĩ mặc dù nhiễm trùng tai đã hết.

– Viêm tai giữa mãn tính có tràn dịch (Chronic otitis media with effusion – COME): Là loại viêm tai mà chất lỏng đọng lại trong tai giữa trong một thời gian dài hoặc tiếp tục quay trở lại ngay cả khi không bị nhiễm trùng.

Nếu bỗng một ngày bạn thấy em bé của mình cáu gắt hơn thường ngày, hay lấy tay dụi và gãi tai, quan sát tai thấy chất lỏng chảy ra thì rất có thể trẻ đã bị viêm tai giữa. Bên cạnh đó, triệu chứng điển hình của viêm tai giữa còn có thể kể đến như:

– Sốt: Là triệu chứng điển hình nhất của cơ thể phản ứng để cảnh báo khi virus, vi khuẩn tấn công. Trẻ có thể sốt từ nhẹ đến cao trên 39 độ kèm đau đầu, tai.

– Tai nhạy cảm, đau và không muốn bố mẹ chạm vào

– Dùng tay ngoáy, kéo, dụi tai

– Quấy khóc, ngủ không ngon giấc, khó ngủ

– Chán ăn, biếng ăn

Rối loạn tiêu hóa

– Mất thăng bằng, khó đứng vững và dễ ngã khi đi, đặc biệt nếu trẻ đang trong giai đoạn tập đi thì trẻ có thể sẽ ngừng lại việc tập đi vì đau và cảm thấy không an toàn khi bước.

– Phản ứng với âm thanh suy giảm, không “nhạy” như bình thường.

Viêm tai giữa có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nên cha mẹ không được chủ quan

Khi thấy trẻ có những triệu chứng của viêm tai giữa, cha mẹ không nên chủ quan để tránh tình huống xấu

Khi thấy trẻ có những biểu hiện trên, cha mẹ cần đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế hoặc bác sĩ nhi khoa để được thăm khám, chẩn đoán và chữa trị kịp thời, phòng ngừa mọi tình huống xấu có thể xảy ra.

2. Điều trị viêm tai giữa đúng cách, hiệu quả

2.1 Trẻ bị viêm tai giữa nguy hiểm không?

Viêm tai giữa rất phổ biến, vậy liệu nó có nguy hiểm không? Theo các chuyên gia, nếu được phát hiện sớm và điều trị can thiệp kịp thời, bệnh sẽ không gây nguy hiểm đến sự phát triển cũng như khả năng nghe của trẻ.

Nhưng nếu cha mẹ chủ quan, đưa trẻ đến khám chữa muộn thì bệnh có thể tiến triển nhanh chóng và chuyển sang giai đoạn mãn tính, chảy mủ, nguy cơ biến chứng cao.

Cụ thể, trẻ có thể gặp các biến chứng của viêm tai giữa nếu không được điều trị kịp thời như: thủng màng nhĩ, các thành phần trong tai bị hoại tử, điếc vĩnh viễn, mất khả năng thăng bằng, liệt mặt và mất cảm giác ở mặt hoàn toàn do dây thần kinh số 7 chạy qua tai giữa…

Không chỉ có vậy, trẻ đang quấy khóc khó chịu khi bị viêm tai giữa mà bỗng nhiên giảm sốt, ăn uống tốt hơn, cải thiện tình trạng tiêu hóa, giảm đau tai… thì cha mẹ càng không được chủ quan vì lúc này, bệnh rất có thể đã ở thể nặng và màng tai bị thủng khiến phần mưng mủ trong tai trẻ bị chảy ra ngoài chứ không phải bệnh tự khỏi như nhiều cha mẹ vẫn nghĩ.

2.2 Trẻ bị viêm tai giữa cần lưu ý những gì khi điều trị

Để điều trị viêm tai giữa cho trẻ đúng cách, hiệu quả, việc đầu tiên mà cha mẹ cần làm là đưa trẻ đến bệnh viện uy tín khi trẻ có các triệu chứng của bệnh viêm tai giữa để bác sĩ thăm khám, chẩn đoán nguyên nhân bệnh từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp giúp bé nhanh khỏi.

Trẻ bị viêm tai giữa sẽ không nguy hiểm nếu được chữa trị đúng cách

Trẻ bị viêm tai giữa cần được đưa tới bác sĩ để được chẩn đoán, điều trị sớm nhất

Tùy vào tình trạng và nguyên nhân, các bác sĩ sẽ quyết định cho trẻ điều trị tại viện hoặc điều trị tại nhà. Bác sĩ cũng sẽ kê các loại kháng sinh chống viêm, kháng khuẩn, thuốc nhỏ tai phù hợp để giảm tình trạng sưng viêm do viêm tai giữa, từ đó giúp trẻ giảm đau giảm sốt cũng như dễ chịu hơn.

Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng sẽ đưa ra một số lời khuyên dành cho cha mẹ để hỗ trợ cho việc điều trị viêm tai giữa đạt hiệu quả cao hơn như:

– Vệ sinh tai mũi họng cho bé sạch sẽ, đúng cách: Nên dùng khăn sạch để lau nhẹ nhàng phần bên ngoài tai, dùng nước muối sinh lý rửa mũi và súc họng cho trẻ (hoặc rơ lưỡi nếu trẻ nhỏ). Lưu ý với vệ sinh tai không dùng tăm bông ngoáy tai để loại bỏ chất dịch chảy ra từ tai của trẻ vì điều đó có thể khiến tai trẻ bị tổn thương.
– Hạn chế cho trẻ ăn một số loại thực phẩm như thức ăn cứng, dai, khó tiêu, thực phẩm nhiều đường, thực phẩm sấy khô… thay vào đó hãy cho trẻ dùng thức ăn loãng, mềm, dễ tiêu, giàu dinh dưỡng.

– Khi có bất cứ vấn đề gì xảy ra, hãy đến gặp ngay bác sĩ để bác sĩ đánh giá tình trạng, tránh bệnh chuyển nặng hay dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

3. Những cách phòng ngừa viêm tai giữa cho trẻ

Bởi viêm tai giữa là một trong những căn bệnh phổ biến nhất ở trẻ và nguyên nhân chính do vi khuẩn, virus gây ra nên cha mẹ hoàn toàn có thể chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa viêm tai giữa cho trẻ bằng cách:

Rửa tay sát khuẩn giúp bé giảm nguy cơ mắc viêm tai giữa

Cha mẹ hãy chủ động tạo lập thói quen vệ sinh tay sạch sẽ để giúp bé phòng ngừa viêm tai giữa

– Tạo cho trẻ thói quen vệ sinh tai mũi họng sạch sẽ, đặc biệt là thời điểm giao mùa, lúc mới đi học trở lại…

– Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc nước sát khuẩn trước khi ăn, sau khi vui chơi và đi vệ sinh.

– Hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông đúc, không gian kín, ẩm mốc, nhiều nguy cơ bệnh

– Chủ động tiêm phòng vắc xin cho bé đúng và đủ liều

– Tăng đề kháng cho trẻ bằng việc cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và bú duy trì đến khi bé 2 tuổi, bổ sung thực phẩm tăng miễn dịch và giàu dinh dưỡng.

Trên đây là những chia sẻ của Thu Cúc TCI về những lưu ý trong điều trị viêm tai giữa cho trẻ, hy vọng ba mẹ đã có được những thông tin mình cần để trang bị đầy đủ trong hành trình chăm con khôn lớn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital