Lồng ruột là bệnh lý rất nghiêm trọng và bố mẹ hầu như có rất ít kiến thức về căn bệnh này. Trẻ bị lồng ruột thường là trẻ đang bú mẹ, có nhu động ruột quá mạnh, đoạn ruột bị lồng có thể bị tắc nghẽn, nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách có thể gây ra tình trạng hoại tử. Bởi vậy, lồng ruột có thể coi là một cấp cứu ngoại khoa.
Menu xem nhanh:
1. Lồng ruột là gì?
Trẻ 4 – 9 tháng tuổi là đối tượng thường bị lồng ruột, đây là trạng thái 1 đoạn ruột di chuyển tự do, chui vào 1 đoạn ruột khác khiến ruột đột nhiên bị tắc nghẽn, khó hoặc tạm thời không thể lưu thông như bình thường. Lồng ruột là nguyên nhân chính và chủ yếu gây ra tình trạng tắc ruột ở trẻ nhỏ. Tỷ lệ bé gái bị lồng ruột cao hơn bé trai, chiếm 70% trường hợp lồng ruột.
Trẻ bị lồng ruột dẫn đến tình trạng tắc ứ thức ăn phía trên khối lồng đây là hiện tượng tắc ruột hoặc bán tắc ruột. Đoạn ruột bị lồng gặp phải tình trạng giãn nở to, thiếu máu khiến viêm nhiễm, phù nề, xuất huyết hoặc hoại tử. Các cấp độ nguy cơ hoại tử được chia ra:
– Sau 48h, có 2,5% khối ruột lồng bị hoại tử
– Sau 72h tăng lên tới 80%
Do vậy, nếu trẻ bị lồng ruột mà không được phát hiện và cấp cứu kịp thời thì sẽ để lại rất nhiều hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả đáng tiếc nhất chính là tử vong. Bố mẹ cần bình tĩnh và nhanh chóng xử lý tình huống. Bố mẹ cũng cần lưu ý rằng lồng ruột hoàn toàn có thể tái phát. Tuy nhiên khi trẻ lớn hơn thì nguy cơ tái phát sẽ thấp hơn.
2. Bệnh lồng ruột có biểu hiện như thế nào?
Đa số trẻ đều có các biểu hiện điển hình như:
– Trẻ bắt đầu lồng ruột có các biểu hiện sớm như đột nhiên quấy khóc, thậm chí khóc thét lên, da tím tái. Cơn đau đến bất chợt và có thể tạm ngưng.
– Các cơn đau nhiều lên khiến trẻ có xu hướng ưỡn cong người, khóc từng cơn
– Trẻ thường nôn ra thức ăn hoặc dịch xanh, vàng
– Cơn đau kéo dài khiến trẻ mệt mỏi, tái nhợt, bỏ bú, bỏ ăn
– Nếu để cơn lồng ruột kéo dài tới 12 tiếng thì trẻ có các biểu hiện qua bài tiết như: phân tươi có máu, sẫm màu. Cả cơ thể trẻ trở nên lạnh, mắt trũng.
– Dưới 24h không được đưa đến bệnh viện cấp cứu trẻ sẽ bị chướng bụng, nôn ói, da lạnh tím tái, biểu hiện qua nhịp thở nhanh, gấp hơn. Trẻ có sức đề kháng yếu có thể bị li bì, rơi vào hôn mê. Các dấu hiệu này báo hiệu tình trạng lồng ruột đang ở mức độ nghiêm trọng.
– Nhiều trẻ có cơn sốt
Khi thăm khám, các bác sĩ có thể thực hiện sờ, ấn bụng và phát hiện bất thường, các đoạn ruột cứng. Quá trình chẩn đoán bệnh của bác sĩ có thể được thực hiện bằng các phương pháp như:
– Chụp Xquang
– Chụp CT Scanner vùng bụng trẻ
– Siêu âm bụng
Bệnh có chuyển biến rất tồi tệ chỉ sau 1 ngày nên bố mẹ đừng chậm trễ khi thấy con có các dấu hiệu bất thường mà hãy ngay lập tức đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán điều trị kịp thời.
3. Tìm nguyên nhân gây bệnh
Xác định nguyên nhân gây bệnh có ý nghĩa rất lớn trong việc điều trị bệnh. Nhưng bệnh lồng ruột ở trẻ lại chưa được xác định rõ nguyên nhân. Bố mẹ có thể chú ý tới một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ trẻ mắc lồng ruột để có thể phòng bệnh và nhận biết bệnh nhanh nhất:
– Giai đoạn trẻ chuyển sang ăn dặm dễ khiến hệ tiêu hóa hoạt động quá mức
– Tình trạng viêm ruột
– Có các polyp hoặc khối u lành tính
– Biến chứng sau viêm hô hấp, tiêu hóa
– Trẻ có tiền sử lồng ruột có nguy cơ tái phát cao
– Thời điểm mùa thu, đông là lúc trẻ dễ mắc bệnh
– Lồng ruột đại tràng xảy ra bởi có khối u ác tính
– Cấu tạo ruột của trẻ có bất thường bẩm sinh
Trẻ vui cười, chạy nhảy hiếu động không gây ra tình trạng lồng ruột. Để xác định nguyên nhân và điều trị cho con, bố mẹ tuyệt đối không làm theo các phương pháp dân gian mà hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất.
4. Phương pháp điều trị cho trẻ bị lồng ruột
Điều đầu tiên mà bố mẹ cần chú ý đó chính là bình tĩnh trước cơn quấy khóc đau đớn của trẻ để đưa trẻ đến bệnh viện. Khi đến bệnh viện, trẻ có thể được điều trị bằng một số phương pháp:
– Tháo lồng ruột bằng hơi qua hậu môn hoặc thụt thuốc dưới sự hỗ trợ của máy chiếu Xquang. Đây được xem là phương pháp đem lại hiệu quả cao, nếu được phát hiện và đưa đến bệnh viện sớm, trẻ sẽ hạn chế nguy cơ phẫu thuật.
– Phẫu thuật tháo khối lồng khi trẻ được đưa đến bệnh viện quá 6h
– Tiến hành phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột bị lồng khi trẻ bị lồng ruột quá 24h. Đây là phương án gây hại và có khả năng bảo tồn sức khỏe thấp nhất. Bởi bệnh nhân là trẻ nhỏ nên việc chăm sóc hậu phẫu rất phức tạp. Trẻ sẽ bị suy nhược có nguy cơ tử vong hoặc biến chứng viêm phổi nặng.
– Điều trị song song tình trạng nhiễm trùng bằng các loại kháng sinh
Điều trị lồng ruột đơn giản và dễ dàng hơn rất nhiều nếu trẻ được tiếp nhận điều trị kịp thời. Khi đến bệnh viện muộn, không những khó khắc phục tình hình mà vẫn còn đó nguy cơ trẻ gặp biến chứng nặng nề hậu phẫu.
5. Nắm vững kiến thức phòng bệnh lồng ruột cho trẻ
Bố mẹ cần nắm được những kiến thức cơ bản nhất không chỉ để xử trí kịp thời mà còn giúp phòng tránh bệnh cho con. Tuy nhiên, bệnh lồng ruột lại chưa có phương pháp phòng ngừa đặc hiệu. Bố mẹ có thể lưu ý:
– Nắm được các dấu hiệu của bệnh và luôn chú ý đến trẻ
– Cho trẻ khám sức khỏe định kỳ
– Khi trẻ quấy khóc dữ dội cần bình tĩnh và nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện
Trẻ nhỏ là đối tượng luôn cần gấp đôi sự chú ý, chỉ 1 thay đổi nhỏ cũng có thể gây hại đến sức khỏe của trẻ một cách âm thầm hoặc dữ dội. Để tránh các biến chứng đáng tiếc không đáng có, bố mẹ hãy luôn để mắt đến con và đưa con đến các cơ sở y tế gần nhất để xử lý kịp thời. Thu Cúc TCI tự hào là địa chỉ khám chữa bệnh uy tín luôn đồng hành, bảo vệ sức khỏe của bạn và bảo vệ sức khỏe con yêu trọn đời.