Trào ngược dạ dày ở trẻ có thể xảy ra ở cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bệnh gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc nhận biết nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục sớm sẽ giúp trẻ ăn uống tốt hơn, đảm bảo tăng trưởng cả về thể chất, tinh thần, tránh được nhiều biến chứng.
Menu xem nhanh:
1. Tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ em là gì?
Trào ngược dạ dày là tình trạng thức ăn, dịch acid, men tiêu hóa từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Ở trẻ em, trào ngược dạ dày có thể là do nguyên nhân sinh lý hoặc bệnh lý gây ra.
2. Trẻ bị trào ngược dạ dày, nguyên nhân do đâu?
2.1 Trào ngược dạ dày ở trẻ do nguyên nhân sinh lý
– Do hệ tiêu hóa của trẻ chưa ổn định, có thể dạ dày của trẻ nằm gần lồng ngực hoặc nằm ngang hơn so với người lớn, dễ gây ra hiện tượng trào ngược hơn.
– Do cơ thắt thực quản ở trẻ chưa hoàn thiện chức năng: Cơ thắt thực quản có vai trò mở ra cho thức ăn từ khoang miệng xuống dạ dày và đóng lại để ngăn dịch acid và thức ăn có thể trào ngược. Do cơ thắt có thể chưa hoàn thiện khiến hoạt động đóng mở chưa hiệu quả khiến cho trào ngược xảy ra.
– Do ảnh hưởng từ thức ăn mà trẻ tiêu thụ: Đối với trẻ nhỏ, thức ăn chủ yếu là sữa, bột hoặc cháo… là những đồ ăn dạng lỏng và mềm nên có thể chảy ngược qua khe nhỏ ở cơ vòng.
– Có thể do ảnh hưởng của sữa bò: Do sữa bò khó tiêu hóa, nằm lâu trong dạ dày trẻ làm tăng nguy cơ trào ngược.
– Do tư thế bú sữa chưa đúng cách: Khi trẻ bú mẹ hoặc bú bình ở tư thế nằm, đặc biệt là vào ban đêm dễ khiến cho sữa chảy xuống dạ dày rồi lại trào ngược trở lại thực quản và khoang miệng.
2.2 Trào ngược dạ dày ở trẻ do nguyên nhân bệnh lý
Một số bệnh lý khiến trẻ bị mắc bệnh trào ngược có thể kể đến như: bệnh thoát vị cơ hoành, sa dạ dày, bệnh bại não hoặc bệnh tim… Các bệnh này thường dẫn đến sự suy yếu cơ thắt thực quản dẫn đến hiện tượng trào ngược.
3. Trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản có những biểu hiện gì?
Phụ huynh có thể dễ dàng nhận biết tình trạng trào ngược ở con em mình qua các biểu hiện sau:
– Trẻ thường xuyên bị nôn trớ ra thức ăn, sữa… đặc biệt khi trẻ ăn no.
– Trẻ thường xuyên quấy khóc, ngủ không yên, hay bị mắc các bệnh về đường hô hấp như ho, viêm họng, viêm mũi…
– Ở những trẻ lớn hơn, trẻ có biểu hiện đau vùng thượng vị, ợ nóng, ho kéo dài, thở khò khè…
– Ngoài những triệu chứng về tiêu hóa, trẻ bị trào ngược còn xuất hiện biểu hiện mệt mỏi, giảm tập trung, ngủ không yên…
Tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như ho, khó thở, viêm phổi, suy dinh dưỡng… Do vậy cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám sớm để có hướng xử lý kịp thời.
4. Điều trị và phòng ngừa trào ngược ở trẻ em
4.1. Các phương pháp điều trị chứng trào ngược ở trẻ em
Để điều trị hiệu quả trào ngược ở trẻ, các bác sĩ sẽ thông qua chẩn đoán và đánh giá về mức độ trào ngược, các phương pháp chẩn đoán có thể được áp dụng như: chụp X quang ngực, nội soi dạ dày… Sau đó là các chỉ định điều trị, có thể kể đến như sau:
Xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học cho trẻ
Phụ huynh xây dựng chế độ ăn uống hợp lý khoa học sẽ giúp con em mình cải thiện được tình trạng trào ngược dạ dày. Phụ huynh có thể áp dụng các gợi ý dưới đây:
– Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mẹ nên cho trẻ bú ở tư thế ngồi bế, sau khi trẻ bú không được cho trẻ nằm ngay, không nên cho trẻ bú quá no…
– Nếu nguyên nhân trào ngược do sữa bò có thể thay thế bằng các loại sữa khác theo hướng dẫn của bác sĩ.
– Nên chia nhỏ các bữa ăn của trẻ, thay vì ăn 3 bữa 1 ngày có thể đổi thành 5 – 6 bữa nhỏ một ngày.
– Không nên cho trẻ ăn các thực phẩm chế biến mặn, thực phẩm hoặc quả chua như cam chua, dưa muối…, kiêng đồ gia vị cay nóng như gừng, tỏi, tiêu, ớt; không nên cho trẻ uống nước ngọt…
Điều trị trào ngược cho trẻ bằng các loại thuốc tây y
Nếu những thay đổi chế độ ăn uống không giúp cải thiện tình trạng trào ngược, thì trẻ có thể được bác sĩ được kê đơn thuốc giúp giảm acid dạ dày và cải thiện các triệu chứng.
Điều trị trào ngược ở trẻ bằng phẫu thuật
Phẫu thuật chỉ được chỉ định trong các trường hợp trẻ bị trào ngược do bệnh lý, để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
4.2. Phòng ngừa trào ngược dạ dày thực quản cho trẻ như thế nào?
Để phòng ngừa tình trạng trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em, phụ huynh cần lưu ý:
– Nên cho trẻ ăn trước khi đi ngủ khoảng hai tiếng.
– Nên cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoải mái để tránh gây áp lực nên ổ bụng.
– Nên chia nhỏ bữa ăn cho trẻ, hạn chế cho trẻ ăn đêm.
– Hạn chế cho trẻ ăn các thực phẩm lạ, có gia vị nồng như chua cay, nóng.
– Sau khi trẻ bú hoặc ăn xong, tránh để trẻ nằm mà nên bế trẻ ở tư thế đứng trong khoảng 30 phút.
– Vệ sinh răng miệng sạch sẽ cũng là cách giúp phòng ngừa chứng trào ngược ở trẻ em.
– Khi thấy trẻ có triệu chứng trào ngược, phụ huynh tuyệt đối không tự cho con sử dụng thuốc ngăn trào ngược dạ dày mà không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
5. Tổng kết
Trào ngược dạ dày ở trẻ không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sự tăng trưởng của trẻ mà còn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu bất thường, cảnh báo bệnh, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám sớm nhất.
Hy vọng rằng với những thông tin bài viết cung cấp, các bậc phụ huynh sẽ hiểu rõ hơn về bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em. Từ đó, có biện pháp điều trị và phòng tránh căn bệnh này cho con một cách hiệu quả nhất.