Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là một vấn đề sức khỏe phổ biến nhiều người đang đối mặt, xảy ra khi dịch dạ dày trào ngược lên thực quản, gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, trong đó có ho dai dẳng và kéo dài điều trị mãi không khỏi. Vậy tại sao trào ngược dạ dày gây ho kéo dài và làm thế nào để điều trị hiệu quả tình trạng này, bài viết sau đây sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc trên.
Menu xem nhanh:
1. Cơ chế hình thành ho do trào ngược dạ dày thực quản
Ho kéo dài do trào ngược dạ dày có thể được giải thích qua nhiều cơ chế phức tạp, bao gồm:
1.1 Trào ngược acid lên thực quản và họng
– Acid dạ dày trào ngược: Khi cơ vòng thực quản dưới (LES) bị suy yếu hoặc hoạt động không bình thường, acid dạ dày có thể trào ngược lên thực quản và họng. Acid này kích thích niêm mạc thực quản và họng, gây ra phản xạ ho để loại bỏ acid khỏi đường thở.
– Viêm thực quản: Acid trào ngược có thể gây viêm và tổn thương niêm mạc thực quản, làm tăng độ nhạy cảm và dễ dàng gây ra phản xạ ho.
1.2 Kích thích dây thần kinh phế vị
Acid trào ngược lên thực quản có thể kích thích dây thần kinh phế vị, dây thần kinh này kiểm soát các phản xạ hô hấp bao gồm cả ho. Khi dây thần kinh này bị kích thích, nó sẽ gửi tín hiệu lên não để kích hoạt phản xạ ho.
1.3 Trào ngược không acid
Ngoài acid, các chất khác như mật, enzyme tiêu hóa cũng có thể trào ngược lên thực quản và gây kích thích niêm mạc, dẫn đến ho.
1.4 Trào ngược dạ dày gây tổn thương đường hô hấp dẫn đến ho kéo dài
Trong một số trường hợp, acid dạ dày trào ngược có thể bị hít vào phổi, gây viêm và kích thích đường hô hấp, dẫn đến ho kéo dài.
2. Biểu hiện cụ thể của ho kéo dài do trào ngược dạ dày
Ho kéo dài do trào ngược dạ dày có thể đi kèm với các triệu chứng khác của GERD, bao gồm:
– Ho khan hoặc ho có đờm: Ho có thể khan hoặc kèm theo đờm, thường xảy ra vào ban đêm hoặc sau bữa ăn.
– Khó thở hoặc thở khò khè: Ho kéo dài có thể đi kèm với khó thở hoặc thở khò khè, đặc biệt là vào ban đêm.
– Cảm giác nóng rát sau xương ức: Đây là triệu chứng đặc trưng của GERD, thường xuất hiện sau khi ăn hoặc khi nằm.
– Khàn giọng hoặc mất giọng: Acid trào ngược có thể làm tổn thương dây thanh âm, gây khàn giọng hoặc mất giọng.
– Viêm họng mãn tính: Cảm giác đau rát, khó chịu ở họng do viêm niêm mạc thực quản và họng.
3. Chẩn đoán ho kéo dài do trào ngược dạ dày thực quản
Để điều trị hiệu quả trào ngược dạ dày gây ho kéo dài cần chẩn đoán chính xác tình trạng và mức độ trào ngược, từ đó bác sĩ chuyên khoa sẽ xây dựng phác đồ kiểm soát trào ngược và triệu chứng ho kéo dài tối ưu.
3.1 Chẩn đoán hình ảnh
Nội soi dạ dày – thực quản: Giúp bác sĩ quan sát trực tiếp niêm mạc thực quản và dạ dày, phát hiện các tổn thương do acid trào ngược.
– Chụp X-quang thực quản: Phương pháp này giúp phát hiện các bất thường cấu trúc của thực quản, chẳng hạn như hẹp thực quản hoặc thoát vị cơ hoành.
3.2 Thăm dò chức năng chuyên sâu
Đây là phương pháp đo lượng acid trào ngược lên thực quản trong 24 giờ, giúp xác định mức độ trào ngược và mối liên quan giữa các triệu chứng ho và trào ngược. Điều này rất quan trọng để xác định xem ho có phải do GERD gây ra hay không. Phát hiện các trường hợp trào ngược không acid (phân biệt loại dịch trào ngược), cung cấp thông tin toàn diện hơn về tình trạng trào ngược (vị trí trào ngược, thời điểm trào ngược, tần suất – số cơn trào ngược, mối tương quan giữa cơn trào ngược và các hành động, hoạt động thực tế tại thời điểm đó…).
Phương pháp này được đánh giá là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán GERD, giúp bác sĩ có bức tranh mô phỏng toàn diện tình trạng trào ngược ở mỗi người bệnh sau quá trình đo 24 tiếng. Đặc biệt việc tìm ra được mối liên kết giữa trào ngược và tình trạng ho của người bệnh, sẽ giúp bác sĩ xây dựng được phác đồ điều trị hiệu quả và cải thiện phác đồ điều trị cũ đối với người bị trào ngược dạ dày gây ho kéo dài mãi không khỏi.
4. Giải pháp điều trị trào ngược dạ dày thực quản gây ho kéo dài
Điều trị ho kéo dài do trào ngược dạ dày bao gồm thay đổi lối sống, sử dụng thuốc và trong một số trường hợp, cần can thiệp phẫu thuật:
4.1 Thay đổi lối sống cải thiện trào ngược dạ dày gây ho kéo dài
– Tránh các thực phẩm gây trào ngược như đồ chiên, cay, chua, caffein và rượu. Ăn nhiều bữa nhỏ và không ăn quá no.
– Nâng cao đầu giường hoặc gối đầu cao hơn tim khi ngủ để giảm trào ngược acid.
– Thừa cân có thể làm tăng áp lực lên dạ dày, gây trào ngược, do đó nên giảm cân khi chỉ số BMI của cơ thể đang ở tình trạng thừa cân, béo phì.
– Hút thuốc làm yếu cơ vòng thực quản dưới, gây trào ngược, do đó nên tránh hút thuốc tối đa.
– Không nằm ngay sau khi ăn, nên đứng hoặc ngồi thẳng ít nhất 30 phút.
4.2 Sử dụng thuốc điều trị trào ngược gây ho theo chỉ định
Người bệnh cần tuân thủ liệu trình dùng thuốc từ liều lượng đến thời gian sử dụng theo kê đơn của bác sĩ chuyên khoa sau khi thăm khám và xác định được tình trạng trào ngược và mức độ của trào ngược. Một số loại thuốc người bệnh có thể được bác sĩ đưa vào trong phác đồ dùng thuốc điều trị gồm có:
– Thuốc kháng acid: Giúp trung hòa acid dạ dày và giảm triệu chứng nhanh chóng.
– Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Giảm sản xuất acid dạ dày, giúp giảm triệu chứng trào ngược.
– Thuốc kháng histamin H2: Giảm sản xuất acid dạ dày, thường dùng cho trường hợp nhẹ.
– Thuốc bảo vệ niêm mạc: Tạo một lớp bảo vệ niêm mạc thực quản, giúp giảm tổn thương do acid trào ngược.
Trào ngược dạ dày gây ho kéo dài là một tình trạng bệnh phức tạp và gây nhiều khó chịu cho người mắc bệnh. Hiểu rõ cơ chế hình thành ho và áp dụng các giải pháp điều trị hiệu quả sẽ giúp kiểm soát triệu chứng này và cải thiện chất lượng cuộc sống. Nếu bạn nghi ngờ mình mắc phải tình trạng này, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.